-  Vị nhạc trưởng nổi tiếng thế giới nói ông có tính xấu giống MC Anh Tuấn và ấn tượng với tài lái xe của nghệ sĩ violin Bùi Công Duy.

Dàn nhạc Đức mang nhạc cụ triệu đô sang Hà Nội biểu diễn



Gần gũi và hóm hỉnh là cảm nhận dễ nhận thấy nhất khi tiếp xúc với vị nhạc trưởng nổi tiếng thế giới, Lior Shambadal. Trò chuyện với ông thấy được tình cảm đặc biệt mà ông dành cho đất nước và con người Việt Nam. Lior Shambadal đã đến Việt Nam được vài ngày để chuẩn bị cho chương trình "Những giai điệu cổ điển vượt thời gian". Dù bận rộn với lịch tập luyện cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker nhưng ông vẫn dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện hết sức cởi mở và thân tình.

Ấn tượng với sự chuyên nghiệp của Bùi Công Duy

Ông đã sang Việt Nam 3 lần, vậy lần này cảm giác có khác?

- Bạn biết không, hôm qua các thành viên trong đoàn hỏi tôi rằng: Tại sao người Việt Nam lại đối xử tốt như vậy? Thú thật là tôi không biết phải trả lời ra sao vì tôi sang Việt Nam 3 lần và ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, còn lần này tôi ra Hà Nội, tới cả Quảng Ninh và đều thấy rất dễ chịu, thoải mái.

Với tôi, Sài Gòn và Hà Nội khác nhau như New York và Washington vậy. Một nơi phát triển về kinh tế, một nơi phát triển chiều sâu văn hóa. Tôi thích gặp những con người của đất nước các bạn. Nơi nào càng nghèo tôi càng thích bởi ở đó thiên nhiên, mọi thứ đơn giản, con người không phải ''đóng vai" gì cả.

Đến Việt Nam tôi cũng gặp được những nghệ sĩ giỏi và nhiệt tình như Bùi Công Duy chẳng hạn. Tiết lộ với bạn, Duy là người lái xe rất giỏi. Anh ấy vừa chở tôi, vừa nói chuyện. Với mật độ giao thông dày đặc như ở VN mà không có điều gì xảy ra cả... (cười).

Ông đã có buổi làm việc với các nghệ sĩ Việt Nam. Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng của họ?

- Một đất nước giàu có như Kazakhstan, các nghệ sĩ đều có những cây đàn mua từ Ý rất đắt tiền nhưng cách làm việc của họ lại không chuyên nghiệp. Họ muốn tôi làm một lúc hai việc mà tôi thì không thể phân thân ra được. Lần này, hợp tác với ê kíp của Việt Nam tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Việt Tú, Anh Tuấn và Công Duy. Tinh thần tôn trọng nghệ sĩ được đặt lên hàng đầu. Tôi được biết Bùi Công Duy ban ngày tất bật cho việc tổ chức nhưng hàng tối vẫn thức đêm để tập. Đó là một sự chuyên nghiệp đáng khâm phục.

Trước khi sang Việt Nam, dàn nhạc đã có tour diễn ở Nhật. Trong ba buổi hòa nhạc sắp tới ở Việt Nam, dàn nhạc sẽ chơi lại các tác phẩm trong tour diễn đó hay có thay đổi gì?

- Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi có 14 buổi hòa nhạc ở Nhật và cả tour đó sẽ chỉ có 2 tác phẩm sử dụng lại trong dịp tái ngộ khán giả Hà Nội mà thôi.. Ở Việt Nam có 3 buổi hòa nhạc nhưng đó là 3 chương trình khác nhau với các tác phẩm dễ nghe, nhẹ nhàng. Chương trình chia làm 2 phần. Phần đầu dành cho các khán giả hiểu về âm nhạc bác học. Phần sau dành cho những người kinh doanh và những người chưa hiểu lắm về nhạc bác học.

Có một thực tế là vé xem một buổi hòa nhạc ở Việt Nam chỉ bằng vé xem phim. Về điều này, ông nghĩ sao?

- Theo tôi, chắc tiêu chí của buổi hòa nhạc là hướng tới những đối tượng không có khả năng về tài chính. Tôi cho rằng việc phổ cập âm nhạc bác học là điều hết sức cần thiết và đáng hoan nghênh dù cho đó là bất kỳ quốc gia nào, giàu hay nghèo.

Sẽ sáng tác một bản Concerto  kết hợp với nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Làm "thuyền trưởng" trên một con tàu mà ở đó các ''thủy thủ" đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ông gặp những khó khăn gì?

- Dàn nhạc của tôi hơn 60 người trong đó 1 nửa là người Đức, 8 người đến từ Nhật Bản, còn lại là từ Ba Lan, Đan Mạch, Mỹ, Slovania, Nga, Kazakhstan, Úc, Ukraine và Việt Nam. Trong dàn nhạc có nhiều người nói tiếng Đức không tốt nhưng họ rất tâm huyết với nghề của mình và mỗi khi tập hay lên sân khấu đều làm hết khả năng. Đối với tôi, làm việc với họ không có vấn đề gì cả. Điều quan trọng là phải tin nhau.

Người nghệ sĩ khi lên sân khấu dễ có những giây phút "phiêu linh". Trong sự nghiệp chỉ huy của mình, có khi nào do phiêu linh mà ông gặp "sự cố"?

- Điều đó là thường xuyên bạn ơi. Tôi nghĩ rằng khi lên sân khấu người nghệ sĩ cần sự hòa quyện với nhau để có những giây phút thăng hoa thực sự.

Ông có thể tiết lộ đôi chút về gia đình mình?

 - Tôi có ba cô con gái. Đứa lớn 25 tuổi, đứa thứ hai 18 và cô út 15 tuổi. Con lớn của tôi biết chơi kèn nhưng chỉ là chơi theo sở thích. Bạn trai của nó là một nghệ sĩ kèn. Cứ 2 hoặc 3 ngày cháu lại đi nghe hòa nhạc. Đứa thứ hai không chơi nhạc cụ gì nhưng thích âm nhạc dân tộc Do Thái. Đứa út chơi piano và học múa ba lê.

Các con tôi sinh ra trong môi trường âm nhạc nên không cần hướng dẫn, tự chúng đã có tình yêu riêng dành cho âm nhạc theo cách của mình. Con gái đầu khi mới 8 tuổi đã nghe những opera nổi tiếng thế giới vì ngày nào cũng nghe bố chỉ huy. Có lẽ trong chúng cũng có gien di truyền. Tôi xin tiết lộ là tôi có hai người anh họ chơi violon và viola nổi tiếng thế giới.

Vợ của ông làm nghề gì?

- Chúng tôi đã ly dị.  Mà đừng gọi là vợ, hãy nói là mẹ của các con tôi. Bà ấy là một nhà soạn nhạc.

Ông có ý định đưa các con của mình sang Việt Nam du lịch không?

- Đó là một ý tưởng hay. Nhưng các con tôi chỉ nghỉ hè được một tuần mà rơi vào thời điểm thời tiết đất nước bạn nóng như thế này nên tôi không dám đưa các cháu đi cùng. Thông thường các con gái hay đi cùng khi tôi đi lưu diễn ở những nơi như Bắc Mỹ.

Ngoài âm nhạc ông có sở thích gì?

- Tôi thích đi các bảo tàng, tìm hiểu nhạc dân gian các nước và đọc sách. Tôi đã mua được một số nhạc cụ dân tộc của đất nước các bạn như đàn T'rưng. Sang năm tôi sẽ viết một bản concerto trên nền nhạc cụ dân tộc của các bạn. Sau đó tôi sẽ tập với dàn nhạc và cho công diễn ở Đức.

Ông có tính xấu gì?

Nhạc trưởng quay sang Giám đốc sản xuất là MC Anh Tuấn nói: ''Tính xấu à, cũng giống như Anh Tuấn thôi''... rồi cười đầy bí hiểm!

Nghệ sĩ violin Lê Ngọc Anh Kiệt - người Việt Nam duy nhất hoạt động trong dàn nhạc Berliner Symphoniker: Nhạc trưởng người Lior Shambadal làm việc rất nghiêm túc. Ông làm việc nhiều mà hiệu quả bởi luôn đưa hiểu biết, tình cảm để các cộng sự làm tốt mỗi khi lên sân khấu. Ông là người gốc Do Thái nên mỗi khi dàn nhạc đi lưu diễn ông ít khi ăn chung với các nghệ sĩ cùng đoàn. Nhưng riêng tôi thì ông nói là trường hợp ngoại lệ. Nhưng thực lòng tôi không thích ngồi ăn cùng ông lắm vì ông ấy ăn cá không mà không ăn thịt.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà