- Không, đừng để vẻ bề ngoài đẹp đẽ đó đánh lừa bạn, dù là một người chồng quyến rũ hay một ngôi nhà lộng lẫy.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN

"Hai con bú dù" - Quán cà phê "nổi loạn"
Quan niệm của một 9X về sách vở
Scandal của một triết gia

Cảm xúc, trí tuệ... đến từ đâu?

Những tin tức xấu chờ phản ứng của bạn!

Phía sau cánh cửa của ngôi nhà lộng lẫy, cuộc sống của Hanka trở thành một cơn ác mộng mà cô không thể nào thoát ra được, bởi tình yêu của người chồng đẹp trai, tài giỏi dành cho cô mang đầy bi kịch.

Chỉ đến khi mất đi điều thiêng liêng trong cuộc đời. Hanka mới đủ can đảm giải phóng mình khỏi sự yếu đuối, nỗi sợ hãi, sự bất lực... Và rồi cô tin, những điều kỳ diệu trong cuộc sống vẫn nhẹ nhàng đập cánh, bay lên....

Katarzyna Grochola hiện là nữ tác giả được đọc nhiều nhất ở Ba Lan. Cô viết tác phẩm đầu tay năm 1997, cho đến nay, tất cả các tác phẩm cô viết đều là bestseller.

Trích đoạn dưới đây thuộc về cuốn sách mang tên “Tiếng đập cánh”, được chuyển ngữ tiếng Việt bởi dịch giả Thanh Thư. Với văn phong giàu cảm xúc và tính nữ, tác giả đã mô tả hết sức xuất sắc các diễn biến tâm lý của nhân vật.

*

Con cũng bị bao bọc bởi một hình ảnh không thay đổi.

Mà có gì xấu đâu khi một người chỉ muốn tiêu thời gian với người mà anh ta yêu? Chả có gì không bình thường ở đây cả. Anh ta muốn thế. Không uổng phí thời gian vào những việc vô bổ.

Thường thì sau đám cưới mọi cái đều thay đổi.

Cần phải dung hòa.

Bạn không còn độc thân.

Bạn phải tính đến người thứ hai.

Bạn không làm những gì bạn thích.

Có lẽ đúng là như vậy thật.

Nhưng làm sao mà con biết được điều đó?

Anh ấy đi làm về mặt mày ảm đạm, thỉnh thoảng muộn hơn con cả tiếng, anh ấy cởi áo vét, hôn vào má con cho xong việc, sau đấy ngồi vào bàn, không cười. Nhưng mà tất cả chúng ta lần này thì cùng cười, lần khác thì không, vậy thì phải nhanh lên, hẳn anh ấy vừa qua một ngày vất vả, con bày bữa ăn ra bàn, con nhìn anh ấy, anh ấy có tươi tỉnh lên hay là không? Có phản hồi lại hay không? Vì đôi khi anh ấy thích im lặng hơn, không bao giờ con biết được thế nào là hơn.

Sao em không nói gì?

Sao em nói luôn miệng thế?

Ai ngã thì người ấy kêu...

Ba nhớ không?

Cái từ ấy mới đẹp làm sao, với điều kiện là nói ra với ai...

*

Đã có lần con chiến thắng được nỗi sợ hãi. Một lần. Trên đỉnh Tatra. Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông con với Joasia đi nghỉ trên đỉnh núi, như thường lệ. Bà chủ nhà bảo con ra giếng lấy nước. Chúng con ở nhà bà ấy hai tuần, thường thì cái cần kéo nước vẫn hoạt động, nhưng hôm ấy không hiểu vì sao lại bị hỏng. Joasia ra cửa hàng, vậy là con phải đi một mình, ra đằng sau nhà, mà ở đằng ấy có một con chó rất dữ. Con chó sát thủ. Con chó mà mọi người phải hết sức đề phòng.

- Cháu phải để ý đến con chó, nó dữ lắm, nó có thể cắn đấy - bà chủ nhà đẫy đà la theo con, chân bà ấy rất béo vì các khớp bị sưng.

Con ra giếng theo một vòng rộng, con chó nằm cạnh chuồng, lông màu xám bết lại, nó ngóc đầu lên nhìn con. Nghe tiếng cọt kẹt của cái tay quay, nó vểnh tai lên, sau đấy nằm trên hai chân trước. Con chó sát thủ nhìn con với ánh mắt buồn bã của một con chó bị đánh. Con sợ, con đặt cái gầu lên tấm ván và nhìn xuống dưới, như thể ở đó có cái gì đó tốt hơn là ánh mắt của con chó, nhưng dưới ấy là một ánh mắt tương tự, chỉ có điều là của con.

Con không muốn mình có ánh mắt như vậy.

Gầu nước chao nghiêng. Từ từ rơi xuống dưới phá tan hình ảnh của con. Cài cần quay tay xoay ngược lại, con nhảy lên, con chó ngồi dậy và chỏm đuôi rụt rè vẫy. Mấy cái bát không xanh rêu nằm cạnh nó. Con kéo nước lên, nước trong và lạnh. Sợi dây xích run, con chó cũng run, một dòng nước lớn ánh lên dưới nắng mặt trời khi con đổ nước từ chiếc gầu bộc dây xích sang cái xô không, con chó rên rỉ. Xô thứ nhất, xô thứ hai...

Xong. Con nhấc xô lên, nặng quá. Con quay về nhà. Tiếng rên rỉ chuyển thành tiếng ăng ẳng khe khẽ. Vẻ cầu xin. Con đặt những xô nước xuống đất, nước bắn tung tóe vào chân con. Con đến chỗ mấy cái bát. Con chó lùi lại, rúm ró, và chỉ có cặp mắt ấy... Một thứ gì đó mỡ và thối đóng lại thành bánh trong bát. Con quay lại chỗ giếng nước, lấy cát cọ bát cho đến lục lộ ra lớp men trắng có đôi chỗ sứt sát. Con đổ nước vào bát và để cạnh con chó, mặc dù con biết là nó có thể lao tới và cắn vào cổ con.

Nó nằm ép xuống đất. Né tránh

Chỉ có mỏm đuôi... hơi hơi.

Con chìa tay ra.

Nó từ từ ngẩng đầu lên.

Con biết là nó sẽ đớp tay con.

Con chết lặng.

Cái mũi lạnh của nó chạm vào ngón tay con, sau đấy nó lùi lại và uống nước. Nó uống và uống, cho tới khi uống cạn... Cuối cùng nó nhìn con một lần nữa, con chìa tay. Nó cần phải cảm thấy chắc chắn.

Con cũng cần phải cảm thấy chắc chắn.

*

Tối, con cẩn thận giấu một mẩu bánh mỳ và xúc xích để bà chủ khỏi nhìn thấy rồi trốn ra chỗ chuồng chó. Con chó sủa rất ít, khi biết là con, nó nằm xoài ra đất, nó to lắm, và rên rỉ. Tai nó cụp xuống và khi đó một ý nghĩ thoáng qua đầu con là mình sẽ không bao giờ rên rỉ và chịu cụp tai.

Chân nó nặng và đen nhẻm vì bẩn, trong một tích tắc nó ăn hết chỗ bánh mì và xúc xích rồi liếm mặt con bằng cái lưỡi âm ấm của nó. Khi con ngồi xuống cạnh nó, nó nằm ềnh ra để lộ cái bụng nặng nề và xám xỉn bùn đất, đâu phải lỗi của nó khi nó bẩn đến như vậy. Hẳn là chẳng có ai vuốt ve nó, còn nó thì đợi và đợi dưới lớp lông bẩn ấy...

Trong cái sự chờ đợi ấy, có thể con cũng giống nó. Tất cả đều sẽ bắt đầu từ ngày mai.

Từ ngày mai thế giới sẽ tốt đẹp hơn. Mai mình sẽ quyết định thay đổi, xem xét. Mai phải là một ngày tốt hơn.

Không bao giờ là hôm nay.


***


Một khi con không nghe thấy tiếng chuông cảnh báo từ trước, thì rõ ràng là lỗi ở nơi con.

Con đã quá khát khao đi tìm nửa kia của mình, thế nên số phận đã trao nó cho con.

Con không có gì để kêu ca.

Nhưng một cặp tốt thì chỉ cần nửa câu người ta đã hiểu nhau.

- Anh nhìn thấy...

- ...buồn cười thật đấy, em xem kìa, trong cứ như trong phim câm....

- ...anh em nhà Marx

- Nhưng cái điệu đi là của Chaplin!

- Em có khi không biết Chaplin đi như thế nào.

- Anh bắt chước thử xem!

- Không, như thế này đúng hơn.

Và cùng cười, còn cái bà nhỏ nhắn choàng khăn, di chuyển về phía bến xe buýt, chống ô, mũ từ thời trước chiến tranh, lịch sự giữa đám đông sẽ được tụi con tặng cho những liên tưởng, tiếng cười chung, và gợi lại những thứ mà tụi con cùng biết, và trò chơi của chúng con.

Còn chúng con (hiện tại)?

Còn con?

Vào ngày lễ đặt tên, anh ấy đưa con đi ăn tối, không bao giờ mời khách, vì chúng ta muốn được tự do mà, phải không nào? Để được hạnh phúc, chúng ta không cần phải thêm bất cứ ai, nếu chúng ta có nhau, vậy là bên cái bàn đặt trước ấy, cá sốt chanh được bồi bàn mang đến, món đậu rất tinh tế, tuyệt vời, nước chấm khỏi chê, con thì chắc không thể nấu được những món như thế này và chồng con hơi nhăn mặt:

- Thường thôi, rất thường.

- Em thấy ngon lắm - con nói một cách thiếu thận trọng.

Phản phúc.

Chống lại anh ấy.

Trong khi con có thể gật đầu nhất trí cơ mà, có mất gì đâu?

***

- Hai người đi xem phim của anh em nhà Cohen chưa?

- Tuyệt vời. Tụi mình rất thích, đúng không anh?

Không, không đúng, phim được làm khá nhẹ nhàng, nhưng làm để làm gì? Bạo lực khắp nơi trên thế giới, họ đùa với con, với khán giả bằng những ám chỉ, bóng gió gì đấy thì được cái gì nào, đạo diễn rất dũng cảm, nhân vật chính không còn là nhân vật chính nữa thì sao nào, không, con không thích phim này, con không thích.

Con gật đầu.

Vì con phải thay đổi.

Không phản đối. Không cố chấp. Thỏa hiệp là cần thiết cho một mối quan hệ tốt.

Khi đó mọi sự sẽ tốt đẹp.

Hy vọng bao giờ cũng tốt hơn là không.

Trích đoạn thể hiện sự bất an của Hanka với người chồng của mình. Nó như một hồi chuông cảnh báo cho cô trước những đau đớn sắp đến.

Cô nghe thấy tiếng cảnh báo, nhưng đã quá sợ hãi để thay đổi tình thế, để thức giấc hoặc để chống lại.

Hanka tiếp tục tự biện minh và tìm kiếm thỏa hiệp với áp bức từ người chồng luôn miệng nói yêu cô. Chúng khiến cô chìm sâu vào vòng nô lệ của tình cảm đi kèm với bạo lực... trước khi có thể "đập cánh bay lên".

“...Còn một điều này nữa con muốn viết cho ba, đó là người ta sinh ra là để yêu. Nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ thấy câu trả lời từ mọi phía. Con lắng nghe. Đôi khi con nghe thấy tiếng đập cánh. Con không sợ nữa rồi.”

  • Vân Sam (chọn)