Trong căn phòng rộng 20m2 gần đê sông Hồng, người họa sĩ với vóc người nhỏ bé tươi cười đón tiếp chúng tôi. Bàn ghế, nền nhà, các vật dụng đều bám bụi; những bức tranh ảnh, lọ hoa, đĩa gốm… có vẻ được trưng ra quá nhiều so với diện tích của căn phòng, nhưng tất cả đều toát lên vẻ ấm cúng và tràn ngập không khí nghệ thuật.

Cuộc đời nhiều đau khổ
Quá nửa đời người, từng trải qua bao gian nan của kiếp người và cả những cam go của chiến tranh, giờ đây, khi đã gần 60 tuổi, Nguyễn Đình Thắng sở hữu riêng mình căn nhà 20m2 ấy, một con mèo nhỏ lông vàng trắng, bấy nhiêu tranh ảnh, những cơn đau cùng thương tật do cuộc chiến, và nỗi cô đơn. Khi được hỏi về mình, câu đầu tiên anh trả lời chúng tôi là: “Cuộc đời tôi khổ lắm!”. Nhìn kỹ người họa sĩ ấy, tôi thấy anh quá nhỏ bé. Nhỏ bé trong căn phòng vốn đã quá chật hẹp này. Nhỏ bé trước cuộc đời, trước những nỗi đau khổ lớn lao. Tôi cảm nhận được nỗi buồn trong ánh mắt anh, cái nỗi buồn không phải ai cũng hiểu khi được anh cất giấu sau nụ cười tươi, giọng nói khàn khàn và những câu đùa…

Sinh năm 1953 tại Hà Nội, đến năm 19 tuổi Nguyễn Đình Thắng nhập ngũ, được phân vào Tỉnh đội Quảng Trị và trong quá trình làm nhiệm vụ anh bị thương. Hòa bình, anh vui vì có điều kiện thực hiện mơ ước thuở nhỏ của mình là vẽ tranh, cái mơ ước đã bị trì hoãn lại do cuộc chiến. Vậy là mãi đến năm 1980, Nguyễn Đình Thắng mới thỏa được niềm đam mê học vẽ của mình và cũng là mong muốn của cha anh – ông Nguyễn Đình Lộc, cán bộ Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội. Được học vẽ 1 năm tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, đến năm 1983 Nguyễn Đình Thắng sang Tiệp Khắc, ở đây anh thi vào Đại học Mỹ thuật Tiệp Khắc, học chuyên ngành đồ họa. Năm 1987 học xong, anh dành 5  năm tiếp theo để “lang thang” trên đất khách, “lang thang để mầy mò học vẽ” - Nguyễn Đình Thắng giải thích.
Năm 1992 anh về nước, tiếp tục những chuyến “lang thang” theo sở thích của mình. Năm sau đó, anh được chị họ là hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mời về trường dạy vẽ cho các cháu thiếu nhi. Và như “bén duyên” với công việc này, Nguyễn Đình Thắng dạy vẽ ở nhiều trường tiểu học từ đó cho đến tận bây giờ. Khi được hỏi về việc dạy học, Nguyễn Đình Thắng chân thật dùng các từ: “sướng”, “khoái”, “rất thích”. Anh tự hào “khoe” năm 2010, một học sinh của anh đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi quốc tế vẽ về đề tài bình đẳng nam nữ.
Bị thương trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm xưa, Nguyễn Đình Thắng giờ đây “sở hữu” một giọng nói không được tròn tiếng. Những hôm trở trời, vết thương ở đầu lại tái phát, đau nhức. Cũng như giọng nói khác thường của anh, trên gương mặt gồ ghề in đầy những dấu vết của đau khổ ấy đôi lúc cũng trở nên khó hiểu: vừa vui đấy nhưng lại thoáng nét trầm lắng, vừa cười nhưng rồi mắt lại như rưng rưng muốn khóc. “Chuyện gia đình tôi còn buồn hơn. Trước khi đi Tiệp tôi yêu một cô làm giáo viên trường mẫu giáo rồi kết hôn năm 1977. Vợ tôi kém tôi hai tuổi, xinh lắm”. Nói tới đây, anh nheo mắt cười rồi lục trong đống album cũ kỹ lôi ra một tấm ảnh. Người phụ nữ trong ảnh trông khá đằm thắm, sắc sảo. Chị có ánh nhìn sắc nét và nụ cười cuốn hút. Người họa sĩ nói tiếp với một giọng điệu dí dỏm mà vẫn pha chút xa xót: “Đẹp thế nên bị thằng bạn của tôi “cuỗm” mất…”.
Mối tình cùng với cuộc hôn nhân ấy đã kết thúc sau 20 năm. Sự kết thúc không có gì đáng ngạc nhiên, có chăng chỉ là ở chỗ, khi hỏi Nguyễn Đình Thắng rằng bây giờ anh cảm thấy thế nào về mối quan hệ với người đàn bà ấy, tôi được nghe câu trả lời rất thật: “Cho đến giờ tôi vẫn yêu”. Anh còn cho biết thêm, mặc dù vậy, khi chị có ý định quay lại, anh đã từ chối. Có lẽ với anh, yêu và tha thứ là hai khái niệm hoàn toàn khác xa nhau. Chắc hẳn rằng những đổ vỡ trong tình yêu đã khiến anh đau khổ rất nhiều, nhưng tha thứ không phải là cách mà anh chọn để nguôi ngoai lòng mình. Anh, có lẽ, đã chọn một cách khác.

Những bức tranh về thiếu nữ và mèo
Tất cả những đau khổ của cuộc đời đã được Nguyễn Đình Thắng giải tỏa bằng hội họa. Sau khi chia tay người đàn bà mà anh hết lòng yêu thương, họa sĩ vẽ nhiều hơn, triển lãm và bán hàng loạt các bức sơn dầu cũng như bột màu. Anh rất yêu mèo và dành cho con vật ấy một chỗ đứng đặc biệt trong sáng tạo hình tượng nghệ thuật. “Thiếu nữ và mèo…, tất cả những hình ảnh khác nhau của hai đối tượng ấy lúc nào cũng nằm trong đầu tôi, lộn xộn, bộn bề nhưng cuối cùng khi tôi đặt bút thì sẽ đâu vào đấy. Tối nào tôi cũng đi ngủ từ 8 giờ. Những hôm khó ngủ, tôi uống rượu nho và táo tàu, thứ rượu ngọt ngọt ấy khiến ta dễ ngủ hơn thì phải. Đến 2 giờ đêm thì dậy vẽ cho tới sáng. Lúc mà ý tưởng vẽ bùng lên, tôi vội vàng vớ lấy bất cứ chất liệu nào đang ở gần tôi nhất để vẽ, không quan tâm đó là sơn dầu hay bột màu. Cái nào không ưng ý, tôi sẵn sàng xóa đi tất cả để làm lại từ đầu”.

Và trong những đêm như thế, những bức tranh như “5 con mèo”, “Mèo và mèo”, “Mèo mẹ và 4 mèo con”, “Nhìn trộm”… đã ra đời. Khi là tranh mèo riêng, thiếu nữ riêng, khi là kết hợp cả hai hình tượng đó. Một trong những bức kết hợp duyên dáng nhất là “Nhìn trộm” (sơn dầu, khổ 80x100cm, 2011). Xuất phát từ một lần đi thực tế với các anh em họa sĩ, qua con suối ở Bãi Lai, Hòa Bình, Nguyễn Đình Thắng nhìn thấy vài ba thiếu nữ Mường tắm tiên, bỗng dưng anh liên tưởng những đường nét mềm mại, dịu dàng của họ với loài mèo và thế là đêm đó anh đã vẽ. Một thiếu nữ đang tắm, cạnh đó một con mèo nhoài người nhìn trộm. Cả hai trông rất duyên dáng, ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các bức vẽ mèo khác của anh cũng vậy, nhiều bức không đặt tên, nhưng người xem hiểu anh đang vẽ về nỗi buồn hay niềm vui, vẽ sự cáu giận, mệt mỏi hay sự ngây thơ, dí dỏm…
Với Nguyễn Đình Thắng, ở loài mèo có nhiều nét giống với người phụ nữ: cũng đẹp, cũng dịu dàng, cũng bí ẩn, đôi khi khó đoán định, và cũng đáng được tôn trọng. “Tôi yêu mèo. Con mèo nhà tôi lúc nào cũng quấn lấy tôi”, anh nói về con mèo tam thể nhỏ đang nằm gần đấy. Quả thật, con mèo này thi thoảng lại đến cọ đầu vào chân Nguyễn Đình Thắng. Về tranh mèo của anh, họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã nhận xét: “Con mèo mà họa sĩ sáng tạo đã đạt đến tận cùng của cái đẹp, nên đồng đội, đồng nghiệp đã phong tặng nghệ sĩ cái tên trìu mến “Thắng Mèo””.
Người đàn bà mà anh yêu thương đã rời bỏ khỏi cuộc đời anh, nhưng không làm anh tuyệt vọng trong tình yêu và không xóa được trong trí óc, tâm hồn anh những ý nghĩ tốt đẹp về giới nữ. Chính những mất mát, thiếu thốn về mặt xúc cảm đã tạo cho họa sĩ một sức mạnh không cưỡng lại được của sáng tạo nghệ thuật. “Lúc vẽ tôi vui lắm. Tôi không cảm thấy cô đơn nữa, tôi thấy mình thật mạnh mẽ”, anh nói, “Vui nhất là lúc hoàn thành xong một bức tranh. Khi nào bức vẽ còn dở dang, những giấc ngủ của tôi còn chập chờn không yên. Nhiều đêm tôi bật tỉnh vì sự dở dang đó còn ám ảnh trong cả khi ngủ”.
Anh bảo đêm qua trời mưa, nhà dột, anh buồn lắm. Và khi chúng tôi chia tay anh để ra về, trời lại mưa xối xả. Mưa to khiến nhiều đoạn đường ngập lụt, khiến phố phường Hà Nội đẫm ướt và trở nên trắng lóa. Tất cả mọi thứ trước mắt tôi nhòe đi và ồn ào bởi mưa, nhưng tôi biết phía sau mình, ở một góc nhỏ gần bãi sông Hồng, căn phòng ấy vẫn trong lành và ấm áp, người họa sĩ ấy vẫn đang cần mẫn với công việc của mình, âm thầm tạo nên những bức tranh đẹp.
Và nếu đêm nay vẫn mưa, anh sẽ một mình nhấm nháp ly rượu táo, chợp mắt một giấc không lâu và tỉnh dậy cầm lấy cây cọ, quệt từng mảng màu vào toan trắng. Bên cạnh anh, con mèo tam thể gầy nhom thi thoảng cọ râu vào tay họa sĩ, rồi kêu lên vài tiếng trước khi lăn ra ngủ một cách lười biếng bên cạnh lổn nhổn những hộp màu. Tất cả sẽ vẫn diễn ra như vậy, mặc cho ngoài trời mưa gió gầm gào và nền nhà thi thoảng lại lộp bộp từng giọt mưa rơi xuống từ những chỗ dột…
Vinh- An