Không phủ nhận con đường âm nhạc của Thanh Lam là điều mong ước của biết bao bạn trẻ đam mê ca nhạc nhưng trong bộn bề lo toan như hiện nay thì nhạc của Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng lại dễ nghe và dễ giải tỏa stress. 

Mới đây, phát biểu của ca sĩ Thanh Lam liên quan tới chương trình The Voice "Tôi không biết Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy điều gì? Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được" khiến tôi rất bức xúc. Tôi thấy rằng, Thanh Lam nói vậy là do niềm kiêu hãnh của cô với âm nhạc quá lớn.

Hà Hồ và Mr Đàm đều có thể nói là xuất phát điểm thấp, nhưng thành công của họ hôm nay cũng không thể phủ nhận, bài học lớn nhất có lẽ 2 HLV này truyền cho thí sinh của mình chính là hãy kiên trì, tự lập đi lên từ đôi chân, niềm đam mê và trí óc của mình.

Thanh Lam chỉ trích mạnh mẽ các huấn luyện viên của The Voice đủ để thấy rằng cô vẫn đang miệt mài theo đuổi thứ âm nhạc "bác học" của mình mà không hiểu tiêu chí của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay, đơn cử như The Voice.

Vai trò của HLV trong The Voice là đào tạo và định hướng cho thí sinh phong cách âm nhạc dựa trên giọng hát và tài năng riêng của mỗi thí sinh... Bởi vậy mà 4 vị ca sĩ từng đạt nhiều thành công trong nghề hát đã được chọn lựa ngồi ghế giám khảo cuộc thi, thay vì những giảng viên nhạc viện.

Đây đâu phải là cuộc thi thanh nhạc vào Nhạc viện. Hơn nữa bên cạnh những ca sĩ dùng công nghệ lăng xê nhiều như theo lời Thanh Lam là Mr Đàm và Hà Hồ còn có cả một đội ngũ những ca sĩ có đẳng cấp như Elvis Phương, ca sĩ Cẩm Vân, hay diva Hồng Nhung hỗ trợ các HLV nữa cơ mà. 

Tôi được biết, bản thân Đàm Vĩnh Hưng từng là một thợ cắt tóc, nhưng để có được ngày hôm nay là một sự nỗ lực vô cùng lớn. Còn Hồ Ngọc Hà, cũng từng học Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội chuyên ngành piano nhưng quá trình để trở thành ca sĩ của cô cũng gian nan dù giọng hát cũng chỉ tầm tầm.

Cả Hà Hồ và Mr Đàm đều có thể nói là xuất phát điểm thấp, nhưng thành công của họ hôm nay cũng không thể phủ nhận, bài học lớn nhất có lẽ 2 HLV này truyền cho thí sinh của mình chính là hãy kiên trì, tự lập đi lên từ đôi chân của mình.

Tôi rất đồng tình với bạn Lê Nguyên: “Có biết bao nhiêu người không được học qua trường lớp nhưng khi cất tiếng hát vẫn chạm được đến trái tim người nghe đấy thôi. Thời xưa làm gì có cái trường nào dạy thanh nhạc, vậy mà biết bao ca sĩ vẫn sống mãi trong lòng người nghe đến bây giờ đấy chứ”.

Tiêu chí của The Voice - đó là giải trí trong khi Thanh Lam lại nhìn nhận sự việc với tâm thế của một người làm nghề, một người làm nghệ thuật.

Có thể khán giả của Thanh Lam, khi bật đĩa hay đi xem liveshow của cô, họ nhắm mắt để thưởng thức từng giai điệu, kỹ thuật của cô. Và khán giả của Mr Đàm hay Hà Hồ, ngoài nghe hát họ còn muốn xem hôm nay ca sĩ của họ ăn mặc ra sao, có học hỏi được gì về thời trang hay không, họ khuấy động sân khấu như thế nào?

Mr Đàm hay Hà Hồ có thể không có khả năng hướng dẫn thí sinh của mình về thanh nhạc nhưng tôi tin chắc họ biết cách hướng dẫn thí sinh của mình làm thế nào để mỗi lần xuất hiện thu hút được sự chú ý của khán giả, làm thế nào để làm chủ được sân khấu và làm thế nào để khán giả thấy rằng họ thật gần gũi chứ không xa vời.

Với tiêu chí của The Voice, với quãng thời gian ngắn ngủi như vậy, nếu những thí sinh không có cơ bản thì "tài thánh" cũng khó có thể "nhồi nhét" hàng loạt kiến thức thanh nhạc vào đầu thí sinh được. Bằng đó thời gian, HLV chỉ nhìn được đâu là điểm mạnh để phát huy và đâu là điểm yếu của thí sinh để che đi.

Nếu đứng ở góc độ của Thanh Lam, có thể phát biểu của cô không sai, bởi cô nhìn nhận sự việc dưới góc độ của một người làm nghề, một người làm nghệ thuật. Nhưng ở góc độ một chương trình thực tế mang tính giải trí cao như The Voice, cũng chẳng cần đến một nghệ sĩ lão làng hay trình độ đỉnh cao để dạy thí sinh.

Độc giả Mộc Miên

Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào? Mời bạn đọc gửi bài viết theo mục phản hồi dưới đây hoặc về địa chỉ phanhoivanhoavnn@gmail.com (những bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên mục Diễn đàn của  Văn hóa và không có nhuận bút)