- "Cái dở trong những sự việc lùm xùm của showbiz Việt là khi làm to ra thì chính những người liên quan sẽ trở thành nạn nhân. Tất nhiên, có một chuyện phi lý ở đời, càng không hay ho thì lại càng nổi tiếng" - nhạc sĩ Dương Thụ.

Trọng Tấn là giọng hát nam nổi bật trong đời sống âm nhạc hiện nay ở dòng nhạc chính thống. Với chất giọng dày, khỏe và một kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện cộng với cảm xúc dạt dào của người nghệ sĩ, Trọng Tấn đã để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả cả nước.

Trọng Tấn luôn chọn những ca khúc cách mạng, của những nhạc sĩ như Huy Du, Hoàng Việt, Thái Cơ, Phan Huỳnh Điểu,... để hát. Không những thế, những bản tình ca lãng mạn về tình yêu cũng được anh chuyển tải một cách cảm động đến với công chúng yêu nhạc.

Ca sĩ Trọng Tấn tại tòa soạn báo VietNamNet.

Trong giới ca sĩ, Trọng Tấn được duyệt là "người đàn ông của gia đình" vì yêu chiều vợ con, thích chăm chút cho tổ ấm của mình. Để có ngôi nhà rất đẹp của mình, Tấn tự hào có được nó bằng sức lao động cần cù, chắt bóp chi tiêu, tối giản các nhu cầu phù phiếm khác của người nghệ sĩ.

Là người gắn bó với chương trình Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức, năm nay, Trọng Tấn lại tiếp tục được mời tham gia. Đây là chương trình lớn đầu tiên Trọng Tấn biểu diễn sau một thời gian bị tạm dừng biểu diễn vì tự ý bỏ về chương trình giao lưu văn hóa Việt - Lào.

Cảm xúc của chàng ca sĩ gốc Thanh Hóa ra sao khi hát trở lại trong một chương trình lớn với sự hỗ trợ của dàn nhạc chuyên nghiệp? Anh rút ra được bài học gì sau những "sự cố" vừa qua? Những quan niệm về nghề của anh trên con đường âm nhạc cũng như những suy nghĩ, ước muốn đối với âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?...

Cùng với ca sĩ Trọng Tấn, một vị khách nữa cũng tham dự buổi giao lưu trực tuyến, đó là nhạc sĩ Dương Thụ. Đây là người nhạc sĩ học nhạc, viết nhạc từ sớm bởi lý do đơn giản rằng muốn viết vì rung động chứ chẳng vì mục đích gì cả. Dương Thụ tự nhận âm nhạc của mình là cuốn sách nội tâm tôi, một thứ "nhật ký" bằng âm thanh. 

Nhạc sĩ Dương Thụ tại báo VietNamNet

4 năm trở lại đây, cái tên Dương Thụ được gắn với chương trình "Điều còn mãi" do báo VietNamNet tổ chức. Trong vai trò Tổng đạo diễn, nhạc sĩ Dương Thụ không những đưa ra những ý tưởng mới lạ, trực tiếp biên tập bài vở, lựa chọn ca sĩ tham gia mà còn theo sát những buổi tập của nhạc trưởng Lê Phi Phi với dàn nhạc cũng như với các ca sĩ.

"Điều còn mãi" những năm trước đều để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả thủ đô. Vậy năm nay, nhạc sĩ Dương Thụ sẽ có những thay đổi như thế nào để chương trình trở nên hấp dẫn hơn với sự tham gia của 3 diva trên cùng một sân khấu? Ông nghĩ thế nào về sự đổi khác (những điều mới mẻ và cả những "hạt sạn" lớn) của nền âm nhạc Việt Nam mấy năm gần đây?...

Trong bối cảnh làng nhạc Việt đang nhiễu loạn như hiện nay, quan điểm của nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Trọng Tấn thế nào? Họ nghĩ về về sự bùng nổ các cuộc thi hát trên truyền hình hiện nay, về định hướng và thị hiếu khán giả qua các chương trình đang "hot" như The Voice? Hãy đặt câu hỏi cho các vị khách mời về những vấn đề hóc búa nhất để có được những câu trả lời thú vị!

Nội dung giao lưu:

Nguyễn Ngọc Ân, 45 tuổi

Trước tiên, anh chúc mừng em đã "tai qua nạn khỏi". Anh rất yêu mến giọng hát của em. Giọng của em cao, khỏe, kỹ thuật nhưng rất tình cảm. Bọn anh rất vui khi biết em có tham gia Điều còn mãi năm nay và chắc chắn sẽ tìm mọi cách để thưởng thức. Anh chỉ hỏi em về cảm xúc của 1 người vừa thoát án và tham gia biểu diễn trở lại nó như thế nào, nó liệu có ảnh hưởng tới phong độ không? Chúc em và và nhạc sĩ Dương Thụ khỏe và thành công. Mọi người đang háo hức chờ đợi Điều còn mãi.

Trọng Tấn: Trọng Tấn xin gửi lời chào thân thương nhất đến độc giả của báo VietNamNet. Đã lâu lắm rồi Tấn mới có dịp gặp lại các khán giả thân yêu của mình thông qua buổi giao lưu trực tuyến. Hy vọng sẽ chia sẻ nhiều điều với độc giả.
 
Cảm ơn anh Ân đã chia sẻ với Tấn về "sự cố" vừa qua. Quả thực Tấn cũng không còn nghĩ nhiều đến nó. Điều gì đến chắc chắn phải đến và điều gì đã qua thì sẽ cho qua. Tấn rất vui vì lại một lần nữa được tham gia chương trình Điều còn mãi. Chắc chắn là phải giữ phong độ và hát hay hơn chứ. Với Tấn khán giả là điều quan trọng nhất trong sự nghiệp ca hát của mình nên mình phải cố gắng hết sức để không phụ lòng mong mỏi tình cảm của mọi người.

Phương Phương,Nữ, 24 tuổi

Anh nghĩ chương trình Điều còn mãi của báo Vietnamnet có khác với các chương trình khác anh tham gia không? Dù sao thì cũng ít chương trình tại Việt Nam mà ca sĩ lại hát chung với một dàn nhạc giao hưởng lớn. Điều này tác động như thế nào đến việc trình diễn của nghệ sĩ? (Em nghĩ là ca sĩ phải hát lớn hơn để vượt được lên dàn nhạc chẳng hạn?)
 
Trọng Tấn: Chương trình Điều còn mãi của báo VietNamNet có thể nói là một chương trình thính phòng công phu và có chất lượng nghệ thuật cao. Chương trình là một buổi hòa nhạc thực sự và tất cả các nghệ sĩ tham gia đều phải có khả năng tốt mới có thể biểu diễn thành công. Việc một ca sĩ hát với dàn nhạc giao hưởng thành công là rất khó. Cả người hát và dàn nhạc phải theo sự điều khiển của nhạc trưởng. Sự hòa quyện trong âm nhạc chỉ có được khi cả hai có sự tập luyện công phu. Trong những chương trình như thế này thì vai trò của nhạc trưởng là hết sức quan trọng.



Lô Ngụy, Nam 32 tuổi

Thưa anh Trọng Tấn, tôi là người rất yêu mến giọng hát của anh. Theo tôi biết anh là giọng ca rất nổi tiếng và được nhiều khán giả mến mộ, tại sao anh lại chọn hát theo dòng nhạc Cách mạng mà không theo trào lưu nhạc trẻ theo xu thế?
 
Trọng Tấn: Theo em thì người như anh hát "nhạc trẻ theo xu thế" thì có hợp không nhỉ? Mọi việc đều có sự hợp lý của nó. Một cây táo thì không thể cho ra trái nho được em ạ....

Nguyễn Đình Quân, Nam, 25 tuổi

Ai cũng biết anh Trọng Tấn là một ca sĩ có giọng hát hay bẩm sinh , ở Việt Nam những giọng hát kiểu như vậy rất hiếm nên anh chọn ca hát làm sự nghiệp của mình là đương nhiên nhưng em vẫn tò mò muốn hỏi nếu ngày xưa anh không chọn ca hát thì bây giờ anh sẽ là người như thế nào một kỹ sư, bác sỹ, giáo viên... Với em thì giọng hát của anh luôn là số 1 và rất khó thay thế. Cảm ơn anh đã cho công chúng đón nhận những bài ca rất hay do anh thể hiện...
Trọng Tấn: Anh nghĩ rằng nếu không làm ca sĩ thì bây giờ anh làm một người lính. Trước khi quyết định thi Nhạc viện anh đã có vài lựa chọn khác như kiến trúc, tài chính nhưng đặc biệt là trường Sỹ quan lục quân. Nhưng không may anh đã bị rớt vòng sơ loại vì không đủ chiều cao, cân nặng cho một sĩ quan quân đội.

Trọng Tấn đang trả lời trực tuyến độc giả báo VietNamNet


Bùi Minh Triết, Nam 36 tuổi

Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, vài năm trở lại đây, Điều còn mãi- tên một chương trình âm nhạc, đồng thời cũng đã trở thành một thương hiệu âm nhạc hấp dẫn khán giả. Ông có thể lý giải về điều này được không? Thưa ông, một chương trình dù hay đến mấy, nó cũng cần có một sự đổi mới. Trở lại với Điều còn mãi 2012, xin ông cho biết có những đổi mới nào? Và trong vai trò của Tổng đạo diễn chương trình, theo ông Điều còn mãi ở những năm sau có nên thay đổi gì không?
Dương Thụ: Một chương trình âm nhạc muốn hấp dẫn thì phải làm rất nghiêm túc. Nghiêm túc trong quan điểm của tôi là từ khâu biên tập, luyện tập và khả năng cấu tạo chương trình một cách hợp lý. Tiếp theo, khi trình diễn, chỗ diễn có phù hợp với chương trình, công chúng có phù hợp và cuối cùng âm nhạc là để nghe, nên âm thanh phải rất là tốt. Quan niệm này được gọi là hơi cổ điển và nó chỉ thích ứng với những chương trình kiểu như Điều còn mãi và với những công chúng họ đến nghe nhạc, chứ không phải đến xem nhạc, và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn nhu cầu giải trí. Còn hấp dẫn hiện nay trong quan niệm của nhiều ông bầu sô, của nhiều đạo diễn và nhạc sĩ là những chiêu trò trên sân khấu, yếu tố âm nhạc bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu. Những chương trình này là để xem nhạc chứ không phải để nghe nhạc. Âm nhạc trở thành vai diễn phụ. Còn đối với Điều còn mãi, chắc chắn là nó hấp dẫn với những công chúng khác. Tôi hi vọng những công chúng thật sự của âm nhạc này mỗi ngày một phát triển. Bởi vì âm nhạc thật sự có giá trị rất lớn lao về tinh thần, nó không phải để mua vui cho chúng ta mà đánh thức trong chúng ta những điều tốt đẹp nhất, những tình cảm cao quý và làm nội tâm của mỗi người nghe trở nên phong phú hơn, sống tốt và có hiệu quả hơn.

Nhạc sĩ Dương Thụ tại tòa soạn báo VietNamNet
 
Điều còn mãi hấp dẫn còn nhờ tập hợp lực lượng những nghệ sĩ hàng đầu. Từ các solist cho đến dàn nhạc. Về thanh nhạc, chúng ta biết họ đều là ngôi sao ca nhạc, không phải là ngôi sao giải trí như Bùi Công Duy, Trọng Tấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung...và dàn nhạc giao hưởng quốc gia với những nghệ sĩ ưu tú nhất. Họ đến để thực hiện một buổi hòa nhạc, để bộc lộ những cảm xúc âm nhạc và các kỹ năng âm nhạc đỉnh cao của mình, chứ không đến để chạy show kiếm tiền.
 
Về sự đổi mới, mỗi loại chương trình đều có những đặc điểm riêng. Điều còn mãi là một concert (hòa nhạc), nó không phải là một show diễn. Người ta đến để thưởng thức nghệ thuật, để sống với những ký ức âm nhạc, không đến để giải trí. Nó không phải là một sân chơi nên nó không có các chiêu trò, các mẹo vặt trên sân khấu, điều rất cần cho các show diễn. Show diễn phải luôn luôn đổi mới, anh lặp lại sẽ rất chán, cũng như các bạn đi xem phim mà biết trước cốt truyện. Đạo diễn show mà không hiểu điều này thì sẽ thất bại.
 
Còn concert là để cho khán giả thưởng thức. Chúng ta biết, một tác phẩm hay người ta có thể nghe rất nhiều lần. Ví dụ như các tác phẩm của Văn Cao, Phạm Duy, thật ra chỉ cần hát một cách nghiêm túc, với một phần hát thật hay, phần đệm thật hay thì không cần phải thêm chiêu trò gì cả, mà người ta vẫn nghe lại nhiều lần. Riêng với nhạc cổ điển như của Beethoven, người ta đã nghe lại hàng triệu lần vẫn được. Đâu có cần phải thay bằng Beethoven khác. Như thế, Concert Điều còn mãi không thể đổi mới về hình thức trình diễn như các bạn yêu cầu, mà mỗi năm các bạn sẽ được nghe các tác phẩm khác nhau. Đấy thì không gọi là đổi mới. Và tôi tuyệt nhiên sẽ không nghĩ tới bất cứ một chiêu trò nào trên sân khấu, vì điều đó là không cần thiết. Và cứ mỗi một chiêu trò sẽ mất rất nhiều tiền, mà chúng ta lại không được Nhà nước cấp kinh phí, phải đi xin các nhà tài trợ, mà chẳng mấy nhà tài trợ thích những chương trình nghiêm túc như thế này. Tiền bạc cực kỳ ít ỏi để làm chương trình nên tất cả các nghệ sĩ đều hi sinh quyền lợi của mình, họ chỉ lấy cát xê tượng trưng bằng 1/10 điều họ có trong một đêm diễn. Nếu nhiều người có lòng với văn hóa âm nhạc nước nhà mà tài trợ thêm được nhiều thì tôi nghĩ tiền đó nên gửi lại cho các nghệ sĩ chứ không để làm những chuyện khác.

Vũ Thị Trung Thu, Nữ - 45  Tuổi

Chào Trọng Tấn, sau một thời gian bị cấm hát, cảm xúc của em như thế nào sau khi được hát lại?
Trọng Tấn: Cảm ơn chị. Bây giờ thì tinh thần và cảm xúc của em đã bình thường. Qua sóng gió em mới thấy tình yêu của công chúng đối với mình lớn như thế nào và em cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó. Được hát trở lại trong một chương trình lớn của VietNamNet như Điều còn mãi là niềm vui lớn đối với em. Đây cũng là dịp để mọi người lại thấy hình ảnh và tiếng hát của em sau một thời gian tạm ''bị'' nghỉ.

Lương Thị Hà, Nữ - 28  Tuổi

Em đã được xem truyền hình trực tiếp chương trình" Con đường âm nhạc tháng 9/2011- Giọng hát Trọng Tấn và Anh Thơ" do ĐTHVN tổ chức. Em thấy rất hay. Em rất mong đợi một liveshow nữa của Anh và Chị Anh Thơ. Vậy trong thời gian sắp tới anh có dự định thực hiện một liveshow để công chúng yêu mến giọng ca của anh và chi Anh Thơ được thưởng thức hay không?

Trọng Tấn: Điều em hỏi cũng là điều ấp ủ của những nghệ sĩ như anh và chị Thơ. Chương trình "Con đường âm nhạc" là một chương trình do Đài THVN tổ chức còn làm một liveshow riêng thì hoàn toàn do mình tổ chức nên cần phải có đủ điều kiện, thời gian để chuẩn bị kỹ càng. Chắc cũng không lâu nữa vì anh và Thơ cũng đang có sự chuẩn bị cho việc này.

Phi Anh, Nam  - 22  Tuổi

Em nghe nói trong chương trình Điều còn mãi anh sắp tham gia có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng khác như chị Mỹ Linh, chị Thanh Lam, chị Hồng Nhung, chị Nguyên Thảo ... Anh có e là mình sẽ bị "chìm" hơn so với các người đẹp kia không?

Trọng Tấn: Vừa qua có người nói đùa với Tấn rằng: "Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... là những diva còn Trọng Tấn là divo". Đương nhiên là Trọng Tấn sẽ bị chìm hơn về sắc đẹp rồi còn giọng hát thì các bạn đón nghe nhé.



Việt Nhân,  Nam - 40  Tuổi

Thưa nhạc sĩ, Ngày Quốc Khánh là ngày của toàn dân Việt. Thế tại sao ca sĩ hát Điều còn mãi chỉ toàn là ca sĩ miền Bắc? Chỉ có mỗi Nguyên Thảo là người miền Nam, nhưng chỉ được nhắc đến trong bài báo đầu tiên, còn những bài báo sau này phóng viên vô tình hay hữu ý đã bỏ qua. Hai năm liền tham gia chương trình, phần trình diễn của Nguyên Thảo đã gây ấn tượng chỉ có thể nói ngang hàng hay vượt trội chứ không hề thua kém các ca sĩ được gọi là diva, thế thì việc quên tên Nguyên Thảo có phải là cố tình "dìm hàng" cá nhân Nguyên Thảo hay "dìm hàng" cả một tập thể ca sĩ miền Nam? Tôi gần như chắc chắn VietNamNet sẽ không đăng câu hỏi này, nhưng dù sao ít nhất một người trong số họ sẽ đọc được ý kiến của một khán giả miền Nam. Xin chân thành cám ơn nhạc sĩ.

Dương Thụ: Chương trình Điều còn mãi làm tại Nhà hát lớn Hà Nội, là nơi sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một địa điểm phù hợp để chúng ta tiến hành chương trình Điều còn mãi, một chương trình âm nhạc như là sự đánh thức những gì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, những giá trị thiêng liêng về con người và tổ quốc. Mỗi năm định kỳ một lần tại nơi này là vì thế. Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia đóng tại Hà Nội, nơi tập trung những nghệ sĩ hàng đầu VN trong lĩnh vực khí nhạc, nó không phải là một dàn nhạc của miền Bắc. Bùi Công Duy, Xuân Huy là nghệ sĩ violon hàng đầu của VN chứ không phải của miền Bắc. Cô Nguyên Thảo, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trọng Tấn, Đăng Dương..cũng là những nghệ sĩ hàng đầu của VN chứ không phải của miền nào cả. Họ là đại diện cho tất cả chúng ta.
 
Việc Nguyên Thảo không được nhắc đến trong các bài báo là điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi cảm ơn câu hỏi của bạn vì nó chính là thắc mắc của tôi, cái thắc mắc đối với truyền thông của chúng ta quá thiên vị những show diễn giải trí, những ngôi sao giải trí và quá thờ ơ đối với những chương trình nghệ thuật thật sự, với những nghệ sĩ thật sự.
 
Như trường hợp đối với cô Nguyên Thảo, khi được bình chọn vào giải cống hiến, chính một nhà báo là một nhạc sĩ công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đã đứng lên phản đối, lớn tiếng nói rằng cô ấy không được ai biết đến và rất là tầm thường nên không thể đưa vào giải Cống hiến được. Và nhà báo này còn nghi ngờ có những lý do cá nhân trong ban tổ chức giải Cống hiến. Vậy đối với Nguyên Thảo không có chuyện Bắc - Nam mà là chuyện thờ ơ với nghệ thuật của một số nhà báo viết về âm nhạc trong một số tờ báo. Vì tôi  biết trong cuộc bình chọn, số phiếu bỏ cho cô Nguyên Thảo cũng khá nhiều, chứ không phải là hoàn toàn không có. Nhưng rất tiếc con sâu bỏ rầu nồi canh, những nhà báo thờ ơ đã tạo ra sự bất công này, dẫn đến những hiểu lầm. Với tôi, Nguyên Thảo xứng đáng đứng trong top những ca sĩ hàng đầu của VN, xứng đáng đứng bên cạnh Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam. Tôi chọn cô Nguyên Thảo vì điều đó.

Tuan Dung, Nam  - 29  Tuổi

Gửi anh Trọng Tấn, Trong những ngày qua dư luận đang NÓNG về nhận xét của chị Thanh Lam về ca sĩ ĐVH và HNH, tôi rất tâm đắc nhiều ý kiến cho rằng có những Ca sĩ mãi mãi chỉ là ca sĩ nhưng có nhiều ca sĩ trở thành Nghệ sĩ (phải khổ luyện, có tâm với nghề,...). Tuy nhiên rất nhiều nghệ sĩ hiện nay đang thua thiệt (tiền bạc, Fan hâm mộ,...) so với nhiều ca sĩ (chạy theo nhạc thị trường, ăn mặc hở hang, lòe loẹt,... ). Là Nghệ sĩ đích thực, tôi xin anh chia sẻ vài câu hỏi sau: 1. Cảm nhận của anh về một bộ phận ca sĩ chạy theo dòng nhạc thị trường (theo tôi bao gồm cả Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà) như thế nào? 2. Làm thế nào để giới trẻ (một bộ phận lớn) không còn mê muội với dòng nhạc thị trường? 3. Hiện có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc nhưng theo tôi ngày càng nhạt, mang đậm tính thương mại và họ phô trương hình thức, không có chiều sâu về nghệ thuật. Anh nhận xét về các chương trình này? Cám ơn anh nhiều.

Trọng Tấn: Không thể phân định rạch ròi tất cả mọi điều về nghệ thuật bạn ạ. Tôi nghĩ rằng mỗi dòng nhạc đều có những giá trị riêng của nó vấn đề là người nghe nên biết lựa chọn gu âm nhạc mà mình yêu thích để thưởng thức. Tôi không khuyên bạn nên yêu dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi hay yêu thích một dòng nhạc khác mà bạn phải tự thấy trong trái tim mình đang rung lên với dòng nhạc nào nhất. Khi đó bạn sẽ có câu trả lời cho riêng mình và tôi nghĩ với nhiều người khác cũng vậy.
 
Những chương trình mà bạn cho rằng đang nhạt, mang tính thương mại và phô trương hình thức thì đang đúng với tiêu chí của nó. Người ta gọi những chương trình đó là chương trình giải trí vậy tại sao chúng ta phải bàn về nghệ thuật ở đây. Nếu bạn thấy vui thì theo dõi những chương trình đó còn không thì chuyển sự quan tâm sang điều khác. Đơn giản mà, phải không bạn?

Hoài Xuân, Nữ - 39  Tuổi

Kính chào nhạc sĩ, tôi rất yêu mến chương trình Điều còn mãi. Năm nay, nhạc sĩ có hứa được rằng Điều còn mãi sẽ không bị cắt sóng không? Năm ngoái, tôi ngồi chờ suốt một buổi, đến phần biểu diễn của Mỹ Linh, Nguyên Thảo lại bị cắt, đành phải ôm cục tức ngay ngày Quốc Khánh. Tôi hy vọng năm nay điều này sẽ không xảy ra. Xin cám ơn nhạc sĩ.

Dương Thụ: Đầu tiên tôi rất lấy làm tiếc vì sự cố cắt sóng vào những tiết mục đinh ở phía cuối. Bản thân tôi khi biết tin rất buồn. Sở dĩ xin truyền hình trực tiếp vì chúng tôi muốn Điều còn mãi đến với tất cả người nghe nhạc VN. Có sự cố này là do chương trình dài hơn thời lượng phát sóng dự kiến. Đối với truyền hình cứ đến đúng giờ thì họ cắt không có nương tay. Tôi là một nhạc sĩ bây giờ tôi mới hiểu được điều này. Năm nay rút kinh nghiệm, tôi rút bớt thời gian biểu diễn để có sự cố gì khi diễn mà thời gian có kéo dài hơn cũng vẫn vừa đủ thời lượng phát sóng là 120 phút. Tôi không biết sau khi truyền hình trực tiếp, chương trình này có được phát lại trọn vẹn không. Giá truyền hình, đặc biệt là VTV4, phát lại nhiều lần chương trình này bằng cách nào đó thì công chúng, nhất là đồng bào ở hải ngoại có điều kiện được xem chương trình nhiều hơn, một chương trình mỗi năm đúng một lần, nơi các nghệ sĩ đã mang hết tài năng và tâm hồn của mình trình diễn những tác phẩm chọn lọc của âm nhạc VN.

Nguyễn Thanh Lâm, Nam  - 51  Tuổi

Tôi thuộc thế hệ nghe nhạc Đỏ và mãi mãi yêu dòng nhạc này với các giọng ca thời chống Mỹ. Hiện nay lớp trẻ đang có nhũng giọng hát VÀNG cho thể loại này như Trọng Tấn, Anh thơ...Tôi rất yêu quý các bạn nhưng theo tôi các bạn đang hát rất hay và thể hiện rất tốt các ca khúc cách mạng nhưng rõ ràng đó trước hết mới chỉ là bạn đang được có giong hát trời cho chứ chưa hẳn là cứ hát hay GIAI ĐIỆU TỔ QUỐC một cách thiết tha nồng nàn thì là bạn đang rất YÊU NƯỚC và là có nhiều ĐÓNG GÓP bởi các bạn sinh ra khi đất nước không còn khói lửa chiến tranh, không phải vào tuyến lửa để TIẾNG HÁT ÁT TIẾNG BOM, lương bổng thì không ai nghĩ đến nên các bạn đã may mắn sinh ra ở thời có thể nói là sung sướng đối với nghề của các bạn nên các bạn phải hết sức giữ mình, đừng để xảy ra sự cố như vừa qua để phần nào chia sẻ sự hy sinh, nỗi vất vả của thế hệ các nghệ sỹ lớp trước. Các bạn có đồng ý với tôi không?

Trọng Tấn: Cảm ơn những chia sẻ hết sức chân thành của chú. Cháu biết thế hệ trẻ hôm nay có cống hiến nhiều đến mấy cũng không thể so sánh với sự hy sinh mất mát trong chiến tranh của thế hệ cha anh đi trước. Cháu chỉ xin chia sẻ với chú là trong cuộc sống đôi khi chúng ta gặp phải những khó khăn mà mình không thể phân thân ra để có thể làm tốt hết mọi việc được. Điều xảy ra vừa rồi đối với cháu và Thơ là đáng tiếc nhất và chắc chắn sẽ là kinh nghiệm sống sâu sắc đối với chúng cháu. Chúc chú khỏe và vẫn luôn dõi theo, yêu mến bọn cháu.



Châu Quỳnh,  Nữ - 30  Tuổi

Album Ngõ Vắng Xôn Xao của anh quá xuất sắc. Lâu lắm rồi mới có một giọng trữ tình nam tuyệt đẹp đến vậy. Anh có dự định đi sâu khai thác thêm dòng nhạc này nữa không? Tôi tin anh sẽ rất thành công với nhạc trữ tình, đương đại hay tiền chiến. Rất yêu mến giọng hát của anh.

Trọng Tấn: Cám ơn bạn. Lời khen ngợi của bạn là niềm vui và tiếp thêm niềm tin cho Tấn với những sản phẩm âm nhạc mang phong cách Pop trong tương lai.

Nguyễn Quang Hợp,  Nam  - 26  Tuổi

Em chào anh Trọng Tấn. Em là một người rất hâm mộ giọng hát của anh. Em say mê giọng hát ấy từ lâu lắm rồi kể từ khi nghe ca khúc Tiếng Đàn Bầu anh thể hiện tai liên hoan THTH 1999 lúc ấy em mới chỉ học cấp 2 thôi nhung giọng hát của anh đã làm trái tim em rung động và thổn thức đến nao lòng cho đến tận bây giờ em vẫn luôn thường xuyên theo dõi từng bước đi trên con đường âm nhạc của anh. Em có thể hát rất nhiều bài hát cách mạng do anh thể hiện và khá giống với giọng của anh, đối với anh em tự tin mà nói ràng em là một fan hâm mộ vô cùng cuồng nhiệt. Anh Trọng Tấn ơi, anh vẫn khỏe chứ ạ? Dự án âm nhạc tiếp theo của anh là gì?

Trọng Tấn: Đọc lời chia sẻ của Hợp mà anh cũng thấy "nao lòng"... Cảm ơn em về sự yêu mến. Anh vẫn khỏe và đang chuẩn bị tập luyện cho chương trình Điều còn mãi của VietNamNet. Anh đang chuẩn bị cho những album mới có thể sẽ được phát hành cuối năm nay. Em hãy chờ đợi và tiếp tục ủng hộ anh nhé!

Phạm Hữu Khánh, Nam - 30  Tuổi

Anh Tấn, chả mấy khi em thấy các anh chị dòng Nhạc cách mạng về quê em hát hoặc là cũng ít quá. Dân quê em cũng nhiều người thích nghe nhạc Cách mạng lắm ấy chứ. Đa phần về quê em toàn là nhạc thị trường mà những thứ ấy bọn em không mong đợi lắm. Làm thế nào mà các anh chị về hát được nhỉ?

Trọng Tấn: Khánh ơi anh từng về Quảng Ninh hát nhiều lần rồi nhưng so với các ca sĩ thị trường thì có thể không nhiều bằng thôi... Câu hỏi của em có lẽ nên dành cho những người hay tổ chức các chương trình ca nhạc thì đúng hơn.

Ngô Văn Dương,  Nam - 26  Tuổi

Chào anh Trọng Tấn, lời đầu tiên em chúc mừng anh đã quay trở lại sân khấu sau sự cố đáng tiếc vừa qua, anh đã mắc sai lầm nhưng cũng đã có cách xử sự rất đúng sau đó. Em chúc anh con đường âm nhạc phía trước sẽ thành công hơn nữa. Một câu hỏi em xin hỏi anh, không liên quan gì đến âm nhạc là 1 người bận rộn với công việc thì anh dành thời gian cho gia đình như thế nào, anh cân bằng công việc với gia đình, bạn bè như thế nào? Cám ơn anh 1 lần nữa chúc anh thành công và hạnh phúc

Trọng Tấn: Với anh thời gian dành cho gia đình không giống như những người làm công chức nên bất kể lúc nào có thời gian anh đều thu xếp dành sự quan tâm cho vợ và hai con. Cháu lớn của anh năm nay học lớp 3 cháu có năng khiếu âm nhạc tốt. Hy vọng cháu sẽ hát cùng bố trên các sân khấu trong tương lai. Con gái thứ hai học lớp 1 nghịch hơn cậu anh, cũng có năng khiếu âm nhạc. Hai cháu thuộc rất nhiều các bài hát của bố. Tuy nhiên người thường xuyên dạy học, dạy nhạc cho các cháu lại là bà xã của anh.

Trí Nguyễn, Nam - 37  Tuổi

Lý do gì ông vẫn tiếp tục gắn bó với hòa nhạc Điều còn mãi với 4 lần tổ chức? Điều gì làm ông hài lòng nhất về chương trình này với tư cách Giám đốc nghệ thuật?

Dương Thụ: Điều còn mãi là một cuộc hợp tác tốt đẹp nhất mà tôi biết giữa giới truyền thông và giới nhạc trong việc truyền bá những giá trị nghệ thuật của nền âm nhạc VN tới công chúng. 18 năm trước (1994), tôi đã từng làm kiểu này nhưng là với Hội nhạc sĩ VN. Đó là chương trình "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam" mà tôi là tổng đạo diễn và trực tiếp biên tập. Chương trình ấy gặp rất nhiều khó khăn chứ không thuận lợi như bây giờ, bởi nó đã thực hiện việc thống nhất văn hóa trong âm nhạc quá sớm. Nó bị chống lại nên mới đi được nửa đường, diễn trọn vẹn 3 đêm ở Hà Nội nhưng không thể vào TP.HCM.
 
Bây giờ, thuận lợi hơn nhiều và "Điều còn mãi" không chỉ là một chương trình như "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam", mà nó là một chương trình định kỳ hàng năm. Năm nay đã là năm thứ tư. Và nó không chỉ có thanh nhạc mà còn có khí nhạc nữa. Vốn liếng âm nhạc đỉnh cao của VN, cả về khí nhạc lẫn thanh nhạc, là rất lớn, chúng ta có thể làm nhiều năm nữa vẫn chưa hết. Giấc mơ của tôi là tiếp tục cùng VietNamNet làm chương trình này cho đến khi nào tôi không còn đủ sức khỏe.
 
Điều hài lòng nhất khi làm giám đốc nghệ thuật chương trình "Điều còn mãi" là tôi có quyền tự quyết về chuyên môn (tất nhiên về chuyên môn tôi có cả một nhóm tư vấn). VietNamNet rất tôn trọng điều này, đã tạo những điều kiện tốt nhất có thể được để tôi làm chuyên môn. Tôi không bị rơi vào trường hợp như nhiều giám đốc nghệ thuật phải phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của nơi tổ chức và những "đơn đặt hàng" mà họ không mong muốn nhưng vẫn phải thực hiện. Vì họ thực chất chỉ là những người "làm thuê". Ở đây, tôi thực sự được làm chủ.
 
Tôi cũng rất hài lòng vì đội ngũ nghệ sĩ và Dàn nhạc giao hưởng quốc gia rất ủng hộ những ý tưởng âm nhạc của tôi, họ đã tôn trọng và giúp đỡ tôi rất nhiều. Dù tiền bạc hạn chế nhưng với tất cả điều kể trên, tôi cảm thấy công việc của mình có kết quả, tuy không hoàn toàn thỏa mãn những mong muốn của mình về chương trình. Được làm giám đốc nghệ thuật một chương trình như thế là một hạnh phúc.
 


Tuấn Anh, Nam - 34  Tuổi

Chào anh Tấn, tôi là một người yêu giọng hát của anh, yêu cả đức tính giản dị của anh nữa... Xin thú thật là năm ngoái phải "đấu tranh" mãi tôi mới có 1 chiếc vé đi xem anh hát chương trình Điều còn mãi (vợ tôi cũng muốn đi cùng nhưng không có vé)và phải thú thật là tôi ấn tượng với tiết mục của anh vô cùng. Năm nay tôi hi vọng lại được xem anh diễn, xin hỏi anh sẽ hát bài gì vào ngày 2/9 ý nghĩa sắp tới?

Trọng Tấn: Năm nay Tấn được chú Dương Thụ giao cho hai bài "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" và lĩnh xướng trong tiết mục "Hồi tưởng" (chương 2 trong đại hợp xướng của nhạc sĩ Hoàng Vân). Đây là tác phẩm hợp xướng lớn, hay và khó thể hiện. Trước Tấn mới có NSND Trần Khánh thể hiện.

Trần Hùng,  Nam - 74  Tuổi

Bác có thể nói không ngoa rằng giọng hát của Trọng Tấn như tiếng chuông vàng, cả nhà và bạn bè bác đều rất ưng giọng hát của Trọng Tấn. Hơn nữa, dòng nhạc mà Trong Tấn theo đuổi lại rất quý, nó mãi mãi thôi thúc con tim và trí óc người dân Việt vừa yêu nước vừa yêu nhà, vừa yêu chính mình và công việc mình làm. Bác chỉ mong có dịp nào đó Trong Tấn sưu tầm và hát những bài ca trong thời kỳ kháng chiến chống Phấp xâm lược, mà lâu nay người ta không mấy chú ý đến. Phải nói hồi đó có rất nhiều bài hát hay phù hợp với tấm lòng và chí khí của những người trai trẻ, rất hồn nhiên xếp bút nghiên đi kháng chiến, giành độc lập cho Tổ quốc theo lời kêu gọi của Cụ Hồ. Liệu Trọng Tấn có để ý đến những bài ca hồi ấy không?

Trọng Tấn: Cháu cám ơn bác về lời gợi ý. Quả thực những ca khúc trong kháng chiến chống Pháp cũng rất hay, có giá trị nhưng chưa được các ca sĩ biểu diễn nhiều, chủ yếu được đưa vào giáo trình dạy thanh nhạc và phát ở Đài Tiếng nói VN là chính. Có thể cháu sẽ nghiên cứu để trong tương lai thực hiện một album hát các tác phẩm viết về thời kỳ chống Pháp. Chân thành cảm ơn bác. Chúc bác có thật nhiều sức khỏe!

Hoàng Minh Châu, Nam  - 27  Tuổi

Em xin chào anh Trọng Tấn. Em rất thích nghe nhạc của anh và chị Anh Thơ, em muốn hỏi là liệu sắp tới anh chị có ra thêm album nào với nhau nữa không. Em ở Thanh Hóa hiện tại em đang làm việc tại Đà Nẵng. nhưng nếu có cơ hội ra Hà Nội có thế gặp anh được không và gặp anh ở đâu, nếu anh quá bận thì có thể cho em xin địa chỉ email của anh được không? và bản thân em cũng rất thích hát và sáng tác bài hát liệu anh có thể phát động một cuộc thì sáng tác bài hát cho anh hát được không? Em rất muốn có một cuộc thi như thế, để khán giả yêu mến anh có thế gửi bài hát đến cho anh và anh chọn bài nào hay để hát. Một điều cuối cùng em rất mong muốn anh và chị Anh Thơ có thể về Thanh Hóa quê mình hát nhiều hơn nữa góp phần thúc đẩy phong trào âm nhạc ở Thanh Hóa. Vì Thanh Hóa còn nghèo thế hệ trẻ, nhiều người dân chưa có điều kiện nghe ca sĩ hát trực tiếp! Xin cảm ơn anh! Chúc anh sức khỏe và công tác tốt.

Trọng Tấn: Anh công tác tại Học viện âm nhạc quốc gia, nếu em có dịp ra Hà Nội mời em ghé qua trường. Ý tưởng về việc phát động cuộc thi như em đề cập quả thật anh không dám nghĩ tới.

Anh và chị Thơ năm nào cũng có những cuộc biểu diễn tại quê hương Thanh Hóa. Tuy nhiên, vì phải phục vụ các khán giả cả nước nên cũng không thể thường xuyên tháng nào cũng về biểu diễn trong tỉnh được. Qua đây, anh cũng mong cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh sẽ có nhiều chương trình tạo điều kiện để anh và các nghệ sĩ khác cùng về và mang tiếng hát phục vụ các khán giả quê mình nhiều hơn nữa.

Tran Thanh Mung,  Nữ  - 22  Tuổi

Thưa ông, là một nhạc sĩ có kinh nghiệm trong nghề và am hiểu sâu sắc về âm nhạc Việt Nam, xin ông hãy cho biết ý kiến của cá nhân mình về nhận xét của Thanh Lam về Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng?

Dương Thụ: Tôi nghĩ anh Quốc Trung đã trả lời rất đúng về vấn đề này. Câu chuyện này không nên làm to ra vì thực ra với tôi nó chỉ bé tí tẹo. Cái dở là khi làm to ra thì chính những người liên quan sẽ trở thành nạn nhân. Điều này chả hay ho gì cả. Tất nhiên, có một chuyện phi lý ở đời, càng không hay ho thì lại càng nổi tiếng. Nên tôi chả biết các người có liên quan có muốn tiếp tục nữa hay không?!

Thanhtham, Nữ  - 30  Tuổi

Cháu chào chú Dương Thụ. Năm nào cháu cũng xem chương trình Điều còn mãi. Cháu thấy chương trình này thật hay và có ý nghĩa đăc biệt là vào ngày 2/9 hàng năm. Chú cho cháu hỏi dựa trên tiêu chí nào để chú lựa chọn nhạc trưởng, nhạc công và ca sĩ cho chương trình. Có phải những người biểu diễn trong chương trình phải là đẳng cấp của đẳng cấp không chú?

Dương Thụ: Đây là một chương trình nghệ thuật nên chỉ chọn những người làm nghệ thuật đỉnh cao, không chọn những người nổi tiếng theo cách nổi tiếng hiện nay. Đỉnh cao tức là đẳng cấp và ở đẳng cấp này không chỉ có một vài người. Dù sao chương trình vẫn phải chọn những người hàng đầu phù hợp với các tác phẩm mà chú biên tập. Sự lựa chọn xuất phát từ tác phẩm để tìm người thích ứng, không xuất phát từ tên tuổi.
 
Như cháu biết, người chỉ huy dàn nhạc có đẳng cấp, thích hợp nhất với chương trình "Điều còn mãi", là nhạc trưởng Lê Phi Phi dù anh ấy làm việc ở nước ngoài với các dàn nhạc không phải của VN. Đây không phải chỉ là đánh giá của chú mà của cả giới chuyên môn nghiêm túc. Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN thì khỏi phải nói. Còn các ca sĩ có thể năm này có họ và năm khác thì không, vì tác phẩm chú biên tập có phù hợp với họ hay không. Nhưng đã được mời hát trong chương trình dù chỉ là một lần cũng phải đạt được những điều như cháu nói. Chương trình "Điều còn mãi" định kỳ hàng năm nên còn dài dài. Nhiều nghệ sĩ đẳng cấp chưa xuất hiện, nhưng không có nghĩa là họ sẽ không xuất hiện. Tất nhiên, sẽ có một số nghệ sĩ là nghệ sĩ "ruột" của chương trình, nếu tên tuổi họ được nhắc lại nhiều lần thì cũng là điều thường tình.

Nguyễn Phương , Nữ  -  40  Tuổi
Thưa nhạc sĩ Dương Thụ! Tôi cũng như nhiều khán giả khác đang rất mong chờ Điều còn mãi. Với một chương trình lớn và được dàn dựng công phu với nhiều ca sĩ thực lực được yêu mến như vậy như vậy theo tôi nên được thu âm sản xuất băng đĩa để bán ra thị trường cho đông đảo khán giả cùng thưởng thức, tránh thiệt thòi cho một số người không được xem chương trình trên TV. Ngay bản thân tôi dù được xem nhiều chương trình rất hay trên TV nhưng nhiều khi muốn lại rất muốn xem lại, điều này rất khó khăn. Xin cảm ơn nhạc sỹ. Chúc nhạc sỹ sức khỏe
Dương Thụ: Chương trình có được ghi hình và thu âm. Ước mong của chúng tôi là ra được đĩa để gửi đến đông đảo công chúng trong cả nước, nhưng để làm được điều này phải có tiền. Chúng tôi cũng đã thử làm chương trình nào cũng có đạo diễn video, chương trình nào cũng thu rất nhiều để làm tư liệu với mong muốn dựng thành DVD. Nhưng đã thất bại vì tiền quá ít nên chất lượng hình ảnh và âm thanh không thể cho ra DVD được. Bản thân tôi nghĩ rằng một sản phẩm đưa đến công chúng phải đạt được chất lượng tối thiểu. Mà xét theo cái tối thiểu của tôi là cũng không thể.
 
Tôi hi vọng điều này đến được tai những người có lòng đối với văn hóa, với âm nhạc, lại có điều kiện dồi dào về tài chính hỗ trợ kinh phí để đầu tư làm đĩa DVD phát hành cho công chúng. Đây không phải là lời kêu gọi theo kiểu xin - cho. Vì chúng tôi nghĩ rằng việc tốt không phải đi xin và nên được cùng làm. Hi vọng sang năm sẽ có những ai đó hưởng ứng lời kêu gọi này.

Bùi Sơn ,     Nam  -     33  Tuổi
Chào anh Tấn. Gần đây em có mời anh tham gia chương trình ở Lý Sơn - Quảng Ngãi hát cho người dân Lý Sơn. Hiện nay tình hình Biền đông đang nóng em nghĩ nếu anh ra đó hát các ca khúc về biển đảo: Nơi đảo xa, Gần lắm trường xa thì sẽ làm vững tin tinh thần bám biển của người Lý Sơn. Có khi nào anh nghĩ làm một chương trình ở Lý Sơn với sự tham gia của chú Dương Thụ không?

Trọng Tấn: Chào Sơn, Tấn nhận ra bạn rồi. Rất tiếc vừa rồi Tấn đã không thu xếp để đi cùng đoàn các bác sĩ vào Ly Sơn - Quảng Ngãi. Thực ra Tấn cũng đã biểu diễn tại Quảng Ngãi vài lần nhưng chưa có lần nào biểu diễn trực tiếp cho người dân Ly Sơn. Nếu được trong những hoạt động từ thiện lần sau của đoàn các bác sĩ Hà Nội mà Sơn tổ chức thì cứ liên lạc với Tấn, hy vọng chúng ta sẽ đồng hành được với nhau. Tấn cũng hi vọng sẽ mời thêm được các ca sĩ khác cùng tham gia. Chào Sơn, hẹn gặp lại!

Xin cảm ơn tới các độc giả của VietNamNet đã gửi rất nhiều câu hỏi cho Tấn và chú Dương Thụ. Hy vọng sẽ được gặp lại mọi người trong một buổi giao lưu trực tuyến khác do báo VietNamNet tổ chức.

Vũ Thị Tuyết Nga ,     Nữ  -     55  Tuổi
Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1985 vào TP.HCM công tác và lập nghiệp. Mỗi khi nghe nhạc của Anh Dương Thụ, tôi cảm giac thật gần gũi và ấm áp. Khi nào Anh có chương trình riêng nhạc của anh tại Hà Nội?
Dương Thụ: Cảm ơn tấm thịnh tình của bạn. Bắt đầu từ năm nay, sau khi làm rất nhiều chương trình không có mình, tôi sẽ làm chương trình cho mình. Không phải là để tổng kết sự nghiệp của mình, không có mục đích kiếm tiền, mà tôi thấy đã đến lúc có thể chia sẻ với bạn bè, những công chúng yêu nhạc của mình bằng chương trình riêng.
 
Ngày 9 và 10.11.2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội là đêm nhạc Dương Thụ "Những câu chuyện kể của tôi" với các nghệ sĩ tham gia biểu diễn là những người đã gắn bó với tôi trong quá trình hoạt động âm nhạc: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Bằng Kiều, Trọng Tấn, Tùng Dương, ban nhạc Anh Em và dàn nhạc thính phòng Học viện Âm nhạc Quốc gia cùng các nhạc sĩ Bảo Chấn, Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Trung.
 
"Những câu chuyện kể của tôi" nhưng tôi không tự kể, nó được các nghệ sĩ kể lại. Mỗi bài hát là một câu chuyện riêng tư. Có những bài hát bạn đã từng nghe và có những bài hát bạn chưa được nghe bao giờ.

Triệu Hiền , Nữ  - 39  Tuổi

Nếu có Hội những người quý trọng nhạc sỹ Dương Thụ thì tôi sẽ làm đơn xin gia nhập ngay! Tôi yêu thích nhạc của nhạc sỹ và tôi kính trọng phong cách sống của nhạc sỹ. Bài viết vừa rồi của Nhạc Sỹ về sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội rất hay! Nhạc sỹ có ý định làm một điều gì đó (trong khả năng của mình) để góp phần "duy tu" lại Văn hóa Hà Nội không ạ?

Dương Thụ: Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Ý định "duy tu" lại văn hóa Hà Nội thì tôi không dám. Đây là việc lớn, rất lớn đối với tất cả những ai quan tâm đến văn hóa VN, những ai yêu Hà Nội. Một việc lớn như thế người như tôi là không thể. Với tôi, điều có thể là nếu mình nghĩ rằng mình là một người có văn hóa, một người Hà Nội thì mình hãy hoàn thiện bản thân mình trước, hãy sống hết với những gì mình có, mình cho là tốt đẹp. Ví dụ, tôi có thể làm những chương trình tử tế ở Nhà hát lớn Hà Nội, có thể viết một cái gì đó như bài mà bạn đã đọc...Còn những chuyện ngoài mình, mình đâu có dám.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩ Trọng Tấn về cuộc giao lưu!

Ban Văn hóa