- Chưa là một chương trình toàn mỹ, nhưng buổi biểu diễn thú vị này thực sự là một bài học không nhỏ cho nền công nghiệp giải trí Việt Nam hiện đang rơi vào thảm cảnh của sự thiếu sáng tạo và không gần gũi công chúng.

TIN BÀI KHÁC


Trong lời giới thiệu trước chương trình, Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) - chàng trai 21 tuổi - tác giả của "Góc phố danh vọng" chỉ nhận tác phẩm của mình là "ca nhạc và kể chuyện", chứ không phải là một dự án nhạc kịch hoàn chỉnh hay Broadway Việt Nam.

"Góc phố danh vọng" của Nguyễn Phi Phi Anh

Anh nói rõ: "Chúng tôi không muốn mình bị so sánh với những chuẩn mực to lớn của hai chữ "nhạc kịch", chứ đừng nói đến "nhạc kịch Broadway". Cách đây không lâu, tôi đã có dịp xem tận mắt vở nhạc kịch Broadway chính hiệu trong khán phòng Ambassado nổi tiếng ở New York. Tôi thấy choáng ngợp vì “nhạc kịch” không giống như những gì tôi tưởng tượng qua các bộ phim: High School Musical, Burlesque hay Moulin Rouge.

Ở Broadway, tôi được chứng kiến một sự kết hợp nghệ thuật siêu đẳng, giữa những màn vũ đạo rạo rực năng lượng và những tình huống vô cùng gay cấn. Nhưng hơn hết cả là âm nhạc - thứ âm nhạc kỳ diệu len lỏi vào từng câu thoại, từng cái nháy mắt, từng bước đi của mỗi diễn viên. Tôi vừa thấy bức xúc, vừa thấy tủi thân, vì tôi biết ê kíp của mình, dù có tài năng đến đâu, cũng sẽ không thể làm nổi một chương trình nghệ thuật đẳng cấp đến thế
".

Nhân vật tuần lộc Rudolph và Roxanne

Nguyễn Phi Phi Anh ấp ủ "Góc phố danh vọng" từ 4 năm trước - khi mới 17 tuổi. Giờ đây dự án đã có thể thực hiện với một nhóm các bạn trẻ du học sinh chuyên ngành sân khấu điện ảnh từ Mỹ và Singapore.

Không "nổ to" như nhiều "người lớn" hoạt động trong lĩnh vực giải trí/ nghe nhìn tại VN, sản xuất ra những sản phẩm hết sức tầm thường nhưng luôn tự nhận mình đang làm "nghệ thuật", PPAN cũng không phải quá khiêm tốn khi xem "Góc phố danh vọng" chỉ là "ca nhạc & kể chuyện" - chứ chưa phải "nhạc kịch" theo cái cách anh hình dung. Anh chỉ biết mình đang ở đâu. Và chỉ khi biết mình đang ở đâu so với thế giới, người ta mới có thể biết mình muốn đi đến cái đích nào. Cụ thể, cái đích ở đây có lẽ là "nhạc kịch" theo đúng chuẩn mà Phi Anh tưởng tượng.

Nhưng hẳn nhiên chàng trai 21 đã đạt được một sản phẩm có giá trị cao hơn mặt bằng chung, có sáng tạo và mang lại luồng gió mới.

Không phải tất cả mọi yếu tố trong "Góc phố danh vọng" đều xuất sắc, nhưng một vài yếu tố thì thực sự xuất sắc, mang tính quyết định. Bao gồm: kịch bản, khả năng Việt hóa (lời thoại và ca khúc), diễn xuất của nhân vật chính Rudolph và nhân vật "làm màu" Santa.

Tuần lộc theo đuổi tình yêu của Roxanne

Để có được một kịch bản hấp dẫn và phần sân khấu khá ổn, PPAN đã bám được vào các nét cơ bản nhất. Anh đưa được các hình thức căn bản của nhạc vũ kịch vào "Góc phố danh vọng": các ca khúc, diễn kịch độc thoại, diễn xuất và vũ đạo. Kịch bản cũng đảm bảo các yếu tố chính: sự hài hước, cảm hứng chủ đề, tình yêu và sự giận dữ. Sau khi có bộ khung chắc chắn, PPAN tiếp tục bổ sung nét Việt bằng ngôn ngữ. Các yếu tố còn lại hầu như đều theo nước ngoài: phục trang, âm nhạc, những bước nhảy đá chân, vung tay, nhảy tập thể... rất đặc trưng kiểu Broadway dance.

Tóm lại, "Góc phố danh vọng" là một vở ca nhạc vũ kịch mang "hồn Việt xác Tây". Như một cậu bé thông minh, giàu tưởng tượng, sử dụng thành thạo tiếng Việt, ngôn ngữ lóng, cách nói lái và ngôn ngữ vỉa hè - trong trang phục Tây Âu và nhảy Broadway.

Phần khó kiểm soát nhất của một vở nhạc kịch như "Góc phố danh vọng" là phần biểu diễn của diễn viên. Chắc chắn có nhiều diễn viên nghiệp dư trong ekip thực hiện. Họ được đảm nhiệm những vai diễn vui vẻ và ít sức nặng. Trong nhóm diễn viên chính, nổi bật lên nhân vật Rudolph với chuyển động mềm mại, cơ thể đạt được trạng thái lơ lửng giữa người và thú, khuôn mặt và ánh mắt biểu cảm, giọng nói có hồn. Vũ Đỗ Quang Minh là một lựa chọn sáng giá cho vai diễn đặc biệt này. Ngoài ra phải kể đến một nhân vật hài hước đủ sức gây cười và lôi cuốn khán giả - một Santa sành điệu, thực dụng và bất cần, đại diện cho sự phù phiếm.

Phi Anh đã làm quá tốt với phần ngôn ngữ, đặc biệt là lời thoại - vốn được xem là điểm yếu chết người của các nhà viết kịch Việt Nam. Tổng đạo diễn 21 tuổi còn chuyển ngữ phần lời của một số ca khúc như "Cell Block Tango", "Memory"... phù hợp với bối cảnh câu chuyện và cách phát âm tiếng Việt.

Còn Roxanne theo đuổi danh vọng, tiền bạc

Sau 4 đêm diễn kéo dài từ 13/07 đến 16/07, "Góc phố danh vọng" đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đưa dàn diễn viên đậm chất quần chúng và một vị thủ lĩnh trẻ tài năng ra ánh sáng. Những giọt nước mắt đã rơi khi màn nhung từ từ khép lại. Nhưng tất cả khán giả và diễn viên đã có được những phút giây hạnh phúc: hạnh phúc từ sự tưởng thưởng một sản phẩm mới mẻ và sáng tạo - hạnh phúc của cống hiến hết mình.

Sức trẻ của ekip "Góc phố danh vọng" làm được điều mà số lượng người trưởng thành hùng hậu, làm việc lâu năm trong nền công nghiệp giải trí Việt không làm được. Câu chuyện về sự thành công của hệ thống Broadway show vốn bắt nguồn từ thế kỉ 18, nhưng sau hàng loạt chương trình truyền hình thực tế đủ kiểu được mua về Việt Nam, vẫn không có nhà sản xuất âm nhạc nào đứng ra thực hiện một show diễn tương tự - chứ chưa nói mang được chất Việt vào tác phẩm như Nguyễn Phi Phi Anh. Có lẽ đã đến lúc khán giả không còn nhìn vào vai trò của các tổ chức nói nhiều làm ít - mà họ hy vọng nhiều hơn vào các cá nhân xuất sắc trong tập thể.

Một số trích đoạn trong Góc phố danh vọng
(*) Vở diễn không dành cho trẻ em dưới 13 tuổi


Tuần lộc Rudolph tự thoại


Phần giới thiệu của nhân vật Santa


Bài hát của các cô nàng trong khu phố nơi Roxanne sống, trước lễ trao giải thưởng âm nhạc Masquerade

Hồ Hương Giang
Ảnh: Tuấn Đào