- LHP Venice 2012 là lăng kính phản ánh muôn mặt đời sống, từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính cho tới cơn khủng hoảng về những giá trị, đức tin.


Những cơn khủng hoảng kinh tế, sự sụp đổ của các hệ thống tài chính đã lan tràn lên màn ảnh. Biểu hiện của nó không chỉ nằm ở mục tiêu của liên hoan năm nay là thu hút khán giả hơn bằng cách giảm bớt những phim nặng nề, mệt óc, dành chỗ cho những bộ phim đại chúng hơn nhưng vẫn đầy sáng tạo nghệ thuật. Cơn khủng hoảng còn trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo của các nhà làm phim.

“Pieta”, bộ phim thứ 18 của đạo diễn Kim Ki-duk.

“Pieta” là tác phẩm thứ 18 của Kim Ki-duk, đạo diễn người Hàn Quốc nổi tiếng tại VN với “The Isle”, “3-Iron”, “Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring”... Tác phẩm mới rất khác biệt so với những gì ông đã làm, bởi đề tài về khủng hoảng kinh tế.
 
Câu chuyện xoay quanh một tay anh chị cho vay nặng lãi đầy nhẫn tâm và người đàn bà bí ẩn, người đã tuyên bố là mẹ hắn. Phim mở màn trong cảnh Kang-do, một tay thu nợ cao gầy có gương mặt vô cảm, đang khủng bố một xưởng cơ khí bẩn thỉu, làm kiệt quệ đám công nhân đang tá túc trong một lán trại tồi tàn ở ngoại ô Seoul.

Trong một cảnh gây sốc, các con nợ đã đập phá máy móc để lấy tiền bảo hiểm trả nợ. Trong cơn tuyệt vọng, một con nợ nài khẩn Kang-do được trả nợ thay bằng đứa con chưa ra đời của ông ta.
 
“Pieta” được đánh giá rất khó xem vì quá bạo lực. Bằng cách đặt câu chuyện ở giữa những khu phố bần cùng thấp thoáng bóng dáng của những cao ốc chọc trời, bộ phim là lời giải thích rộng hơn về thói tham lam và sự sụp đổ của những hệ thống tài chính, cũng như cách mà một xã hội phải tìm căn nguyên nào đấy để đổ lỗi trước khi tìm kiếm lối ra.

Giới phê bình cho rằng bộ phim đã khéo léo uyển chuyển và kết hợp cả hai yếu tố giật gân hồi hộp và tình cảm xúc động. “Pieta” khiến khán giả phải săn lùng vé xem tại liên hoan và là ứng viên nặng ký cho giải Sư tử vàng dành cho phim hay nhất, cộng thêm giải nữ diễn viên chính cho Cho Min-soo.

Phim “To the Wonder” gây chia rẽ giới phê bình.

Riêng với bộ phim gây tò mò “To the Wonder”, giới phê bình bị chia rẽ nghiêm trọng sau khi phim được công chiếu. Tiếng la ó có lẽ cũng lớn ngang bằng với tiếng hoan hô khen ngợi!

Đây là bộ phim thứ hai trong vòng hai năm của đạo diễn ẩn dật Terrence Malick, sau bộ phim đoạt Cành cọ vàng 2011 “The Tree of Life”. Như thường lệ, ông lại không có mặt ở liên hoan để quảng bá bộ phim, nhường lại thảm đỏ cho duy nhất nữ diễn viên chính Olga Kurylenko đến trả lời phỏng vấn và chụp hình.

Khía cạnh khiến “To the Wonder” gây tranh cãi có lẽ không nằm ở câu chuyện về tình yêu và lòng chung thủy được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh ấn tượng mà nằm ở cách nó sử dụng rất ít đối thoại và các cảnh quay đặc tả, cũng như dùng giọng kể của các nhân vật để cài đặt những suy tư đầy tính triết lý.

Phim “The Master” xuất hiện tại Venice để khởi động cho cuộc đua Oscar 2012

Một phim gây tranh cãi khác cũng đã lộ diện là “The Master” (Giáo chủ), một phim hấp dẫn dựa trên cuộc đời thật của người sáng lập giáo phái Scientology L. Ron Hubbard. Nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Philip Seymour Hoffman đã tỏa sáng trong vai một lãnh tụ tinh thần đầy khắc nghiệt

Từ những gì được sáng tạo dựa trên một tiểu sử đặc biệt, câu chuyện đưa ra lời lý giải về cách mà một tín ngưỡng hình thành và thiết lập được quyền lực. Cũng như niềm tin mà nó dùng làm cơ sở có thể sụp đổ ra sao. Qua đó cho thấy phần nào diện mạo của cơn khủng hoảng về các giá trị của nhân loại hôm nay.
 
Bộ phim được xem là ứng viên nặng ký cho giải Oscar. Giới phê bình có chung sự tán thưởng dành cho bộ phim nhưng có lẽ, nó sẽ còn gây tranh cãi khi được công chiếu rộng rãi hơn vào mùa thu này, nhất là khi Scientology là giáo phái có nhiều tín đồ là ngôi sao ở Hollywood, trong đó nổi tiếng nhất là Tom Cruise.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới phim của các đạo diễn nữ, một thế lực nổi lên tại Venice năm nay qua danh sách gồm 21 người. Trong đó, có bốn phụ nữ có phim tham gia tranh giải Sư tử vàng.

 Phim “Fill the Void” của nữ đạo diễn người Israel Rama Burshtein.

Được nhắc tới như một ứng viên cho giải cao nhất là nữ đạo diễn người Israel Rama Burshtein và bộ phim “Fill the Void” (Điền vào chỗ trống). Tác phẩm này là cái nhìn hiếm hoi giúp thế giới hiểu hơn về cộng đồng người Do Thái nặng truyền thống một cách cực đoan.

Phim tập trung vào cô gái 18 tuổi Shira giằng xé giữa tình yêu và bổn phận đối với gia đình. Cô sợ hãi đối diện với cuộc hôn nhân sắp đặt với một chàng trai trẻ, người mà cô chỉ mới gặp thoáng qua ở một siêu thị. Bi kịch xảy ra khi chị gái cô bất ngờ qua đời khi sinh nở. Anh rể của cô là Yochai nhanh chóng bị áp lực tái hôn với một góa phụ ở Bỉ. Nhưng bà ngoại của đứa bé mới ra đời muốn cháu mình ở lại quê hương và Shira ngay lập tức được yêu cầu gá nghĩa vợ chồng với anh rể.

Cuối cùng, danh sách các phim còn đang chờ trình chiếu vẫn đủ sức làm háo hức những người tụ tập về liên hoan, trước khi lễ bế mạc và công bố các giải thưởng (luôn đầy bất ngờ) diễn ra vào tối 8/9 tới.

Khải Trí