- Những dằn vặt trên đặt Y Thanh, ca sĩ người Úc gốc Việt đứng trước lựa chọn dũng cảm, để có thể sống và làm nghệ thuật trong làng giải trí Việt.

Được đào tạo bài bản từ nền kịch nghệ của Úc, có thể biến hóa đa năng trong các vai trò từ ca sĩ, biên đạo cho tới diễn xuất, nhưng có một điều lạ là Y Thanh luôn giữ cho mình sự kín tiếng, không phô trương ồn ào trong đời sống làm nghệ thuật. Dù uy tín của anh đủ để VTV6 mời làm giám khảo cho một chương trình tìm kiếm nhóm nhạc nữ, bên cạnh Hồng Nhung và MC Anh Tuấn.


Tốt nghiệp Học viện vũ đạo Melbourne, Y Thanh từng có
thời gian cộng tác với Lưu Đức Hòa tại Mã Lai trước khi về VN bắt đầu sự nghiệp.

Công chúng và giới truyền thông “phát hiện” ra anh không phải vì các vụ tai tiếng ầm ĩ, mà qua những bài “hit” bắt gặp tình cờ trên mạng, những buổi diễn hàng đêm ở các phòng trà mini hay ở vai trò làm giám khảo, biên đạo cho các cuộc thi hát… Anh khiến người ta ngạc nhiên khi sau gần 4 năm về nước hoạt động trong ngành giải trí mà chưa hề “dính” đến bất kỳ vụ tai tiếng nào giữa lúc scandal “rơi trúng đầu” hàng loạt nghệ sĩ. Anh nói: “Scandal tôi nghĩ là con dao hai lưỡi. Tôi khâm phục những người có đầu óc nghĩ ra được scandal. Còn tôi, tôi chỉ muốn sống thật với mình.

Nhưng sống thật với mình trong làng showbiz Việt thường đồng nghĩa với dễ gây scandal, anh không suy nghĩ lại sao?

- Tất cả chúng ta không ai là thần thánh. Có lúc mình làm điều sai, điều mất kiểm soát, điều không hoàn hảo. Nhưng điều quan trọng là cái tâm của mình không xấu. Chúng ta không thể trách móc gì khi gây ra việc xấu từ một cái tâm không tốt. Tôi biết nhiều khi câu nói của tôi không có ý xấu, nhưng người ta có thể suy diễn nó theo hướng xấu. Tôi cũng không thể đòi hỏi mọi việc luôn phải hoàn hảo theo ý tôi.

Nhiều nhân vật của showbiz Việt đang nổi tiếng nhờ tai tiếng và kiếm được lợi đó thôi, sao anh không học tập họ?

- Đúng rồi, tôi thấy nhiều người càng có scandal càng nổi tiếng. Họ có rất nhiều show, được mời đi diễn hoặc mời đi sự kiện nào đó. Đó cũng là điều tốt cho họ. Nhưng tôi nghĩ mỗi người có sự lựa chọn để đi con đường của mình. Có người sẽ chọn đi nhanh hơn bằng tai tiếng nhưng có người chậm hơn bằng thực lực. Tôi nghĩ tốt nhất tôi cứ là tôi bây giờ.

Thế có lúc nào anh cảm thấy sốt ruột với con đường công danh của mình không?

- Thật ra, có rất nhiều người khuyên tôi hãy tạo tai tiếng gì đi, cho tiếng tăm của mình được đẩy lên. Nhưng tôi cảm thấy sợ, thực sự sợ. Bởi scandal có thể gây hại cho hai mục tiêu khiến tôi đi vào con đường nghệ thuật. Đó là thỏa mãn đam mê và nhờ danh tiếng mang lại trọng lượng cho tiếng nói của mình, giúp được cho những người thiệt thòi thuộc cộng đồng thiểu số. Trong cộng đồng, những người thuộc đa số làm việc gì cũng thường được chấp nhận, nhưng thiểu số thì không, dù điều họ làm không có gì sai.

Tiếng nói của người nổi tiếng do vậy rất quan trọng, họ có thể giải thích cho công chúng nghe để họ hiểu được. Nếu tôi có quá nhiều scandal và một danh tiếng không “sạch”; thì rõ ràng tôi không thể là đại sứ cho bất cứ điều tốt đẹp nào bởi tiếng nói của tôi không có ảnh hưởng gì cả, ngoài chuyện mang lại cho tôi nhiều show.

Cùng ca sĩ Hồng Nhung trong vai trò giám khảo một cuộc thi ca hát trên truyền hình
Anh có thể cụ thể cộng đồng thiểu số nào đang cần được bảo vệ?

- Chẳng hạn như những người thiểu năng, không thể học hỏi tốt như những người khác. Hoặc những người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Và nhất là những người mang giới tính thứ ba còn ít nhiều bị kỳ thị bởi những giá trị đạo đức chưa đủ bao dung những điều khác biệt, khiến họ không thể sống thật với mình. Tôi luôn khâm phục những nghệ sĩ mà trong phát ngôn của mình, họ không hề có ý kỳ thị hay phân biệt chủng tộc, giới tính, văn hóa…

Vậy anh có ngại khi nói về giới tính của mình không?

- Tôi không có ngại gì cả. Nhưng những gì liên quan đến cá nhân thì tôi muốn giữ lại cho mình.

Trong thời gian làm giám khảo, có thí sinh nào tìm đến anh để mong được đặc biệt chiếu cố, giống như chuyện xảy ra ở cuộc thi “The Voice” hiện nay không?

- Không, không ai tìm tôi cả. Tôi chỉ là giám khảo làm việc theo lịch quay chính xác của ban tổ chức. Ngoài giờ thì tôi có gặp các thí sinh để tập vũ đạo cho họ. Mọi người đều được tôi hướng dẫn giống như nhau, không ai được thiên vị. Nhưng sau chương trình, tôi vẫn giữ liên lạc với những bạn muốn giữ liên lạc. Bởi tôi cũng là biên tập âm nhạc cho nhiều chương trình văn nghệ ở Sài Gòn.

Trong đám đông hàng ngàn người xếp hàng chờ thử giọng ở những cuộc thi như Việt Nam Idol, quả thật có nhiều bạn trẻ nghĩ ca hát đang là con đường dẫn tới danh vọng và giàu có mà không cần đam mê hay tài năng. Anh có lời khuyên nào cho họ?

- Tôi không nghĩ mình dám khuyên bảo ai cả bởi mỗi người có suy nghĩ và lối sống riêng. Tôi chỉ muốn nói con đường ca hát bây giờ có quá nhiều người chen chân. Bạn thử mở bất kỳ trang âm nhạc nào cũng đều thấy mỗi ngày có chừng chục album mới. Như thế là quá nhiều. Một điều tôi không phủ nhận là ở VN có nhiều người hát rất hay.

Nhưng nếu nghĩ ca hát dễ kiếm tiền vào lúc này thì quả thật là một ảo tưởng. Có thể ngày xưa thì thế thật, còn bây giờ thị trường ca nhạc đã bão hòa ở nhiều khía cạnh. Các bầu sô, các chương trình âm nhạc có quá nhiều sự lựa chọn. Sự cạnh tranh giữa các ca sĩ khốc liệt hơn, đẩy giá thù lao ngày một xuống thấp. Rất nhiều ca sĩ phải hát miễn phí chỉ để lấy tiếng. Mặt khác, thị trường mỗi ngày có rất nhiều bài hát mới được tung ra, bài hát chưa kịp thấm tai người nghe thì đã có bài khác thay thế, gây ấn tượng nhạc trẻ quá nhàm chán, không sâu sắc.

Xin cảm ơn anh!

Khải Trí