- Món đồ cổ trị giá cả trăm triệu hay ngư dân trúng tiền tỷ từ cổ vật đến thời điểm này vẫn là tin đồn, chưa có căn cứ.

Thông tin nhiều ngư dân kiếm được hàng tỷ đồng từ cổ vật, cũng như giá cổ vật được thu mua với giá vài chục triệu đồng đã khiến cho làng biển Châu Thuận, xã Bình Châu tiếp tục náo động. Hiện lực lượng chức năng đã tăng cường bảo vệ và khoanh vùng khu vực có tàu cổ bị chìm.
Giá trị món cổ vật đang bị đồn thổi lên rất cao

Sáng 12/9, khu vực biển có tàu cổ bị chìm dường như đã trở lại bình thường, không còn cảnh tàu thuyền tụ tập để săn tìm cổ vật dưới biển. Xung quanh, các tàu, ca nô của lực lượng biên phòng, công an túc trực canh giữ không cho ngư dân tiếp cận khu vực để trục vớt trái phép.

Theo công an xã Bình Châu, do lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ nên các tàu thuyền của ngư dân không dám vào khu vực để trục vớt cổ vật. Chỉ cần sơ hở là các tàu này ngay lập tức có mặt tại khu vực tàu chìm để trục vớt cổ vật liền.

Ngoài biển là vậy, còn trong đất liền, thông tin giá trị của cổ vật đang “đốt nóng” câu chuyện trong các gia đình, giá trị “khủng” của cổ vật được đồn thổi quá mức. Anh Đông, một người dân ở đây cho biết, có nhiều người lạ (đi xe máy có, ô tô có) về đây để hỏi mua đồ cổ. Họ thập thò như ăn trộm... Nghe nói cổ vật mà ngư dân tìm được giá trị rất lớn, mỗi cái đĩa men ngọc, men xanh được rao mua từ 90-100 triệu đồng. Cũng theo anh Đông thì cả xã đang khao nhau thông tin hai anh em trong thôn, là những người phát hiện cổ vật đầu tiên đã bán được số tiền trên 3 tỷ đồng từ những cổ vật lặn được.

Tuy nhiên, giá trị thực của cổ vật cũng như thông tin ngư dân trúng hàng tỷ đồng từ cổ vật cũng là thông tin đồn thổi. Theo ông Huỳnh Duy Việt, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn: “Thông tin không chính xác về giá trị của các cổ vật mà ngư dân tìm được đã khiến cho tình hình an ninh trật tự ở đây thêm phức tạp. Món đồ cổ trị giá cả trăm triệu hay ngư dân trúng tiền tỷ từ cổ vật đến thời điểm này vẫn là tin đồn, chưa có căn cứ. Hiện cơ quan chức năng huyện Bình Sơn đã thu giữ gần 40 cổ vật, tuy nhiên 1/3 trong số đó không còn nguyên vẹn, có thể là do quá trình khai thác không đúng phương pháp của ngư dân”.

Theo ông Việt, hiện nay cơ quan chức năng đang tuyên truyền, vận động người dân không trục vớt trái phép cổ vật, đồng thời tổ chức giao nộp cổ vật đã lấy được từ con tàu đắm.

Còn theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi hiện vẫn chưa xác định niên đại chính xác của các cổ vật vừa được phát hiện. Theo nhận định số cổ vật còn dưới tàu khá nhiều vì vậy chỉ khi nào khai quật xong mới có thể xác định đầy đủ và chính xác niên đại các cổ vật. Sở đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trình UBND tỉnh quyết định khai quật.
 

Ca nô của lực lượng chức năng túc trực tại khu vực có tàu cổ bị chìm.

Minh Bảo