- "Chúng ta bây giờ mới chỉ chăm chăm vào xây cái nhà thôi chứ chưa tính đến việc bày biện ở trong đó như thế nào. Cho nên lo cho việc xây nhà 1, thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng, lo cho việc trưng bày ở trong đó gấp 3", GS Sử học Lê Văn Lan.

Mô hình Bảo tàng lịch sử quốc gia mới.


Liên quan đến công trình Bảo tàng lịch sử quốc gia mới sắp được khởi công với số tiền đầu tư lên tới trên 11.000 tỉ đồng đang gây chú ý của công chúng, để rộng đường dư luận, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn nhà Sử học Lê Văn Lan.

Phải xây ngay

- Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) được đầu tư lên tới 11.277 ti đồng sắp được khởi công đang được dư luận đặc biệt quan tâm chính vì độ hoành tráng và tốn kém của nó. Đứng ở góc độ là một nhà Sử học, theo ông có nên xây dựng một bảo tàng lớn như vậy vào thời điểm này?

- Có và phải xây ngay, nếu không thì muộn rồi.

- Tại sao ông lại nghĩ rằng giờ mới xây là muộn?

- Chúng ta đang có 1 hệ thống bảo tàng vừa thiếu vừa yếu. Chính sự vừa thiếu vừa yếu ấy đã tạo ra nhiều nét tiêu cực trong công cuộc phát triển của đất nước. Phải có một bảo tàng chính thống, ra trò để duy trì sự nghiệp bảo tàng của đất nước chúng ta.

- Dư luận phần đông cho rằng xây bảo tàng với số tiền lớn như vậy vào thời điểm kinh tế đang suy thoái và chúng ta đang còn nhiều việc phải lo là chưa thích hợp. Theo ông suy luận như vậy có đúng không?

- Chúng ta phải xem lại kinh tế suy thoái từ đâu mà ra. Đó là do bọn sâu mọt phá rất khiếp và chúng ta đã bị thất thoát số tiền còn nhiều hơn rất nhiều so với tiền xây bảo tàng này. Thế thì phải đối xử một cách công bằng. Không thể vì bọn phá hoại làm mất rất nhiều tiền gây ra suy thoái kinh tế mà lại không cho xây bảo tàng. Tôi nghĩ phải dùng việc xây bảo tàng này để chữa lại việc suy thoái kinh tế kia.

- Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề cần làm là phải quy hoạch những bảo tàng hiện có ở thế nào, khai thác chúng thế nào cho hiệu quả để phục vụ công chúng tốt, hơn là đầu tư xây hẳn 1 bảo tàng mới vì như vậy là quá tốn kém. Ông có đồng tình với quan điểm này không?

- Chúng ta đã cố gắng để làm tốt các bảo tàng đã có rồi nhưng không làm tốt nổi vì cái thực trạng của nó. Các bảo tàng cũ được đầu tư ít quá, cả về tài chính, trí tuệ và chất xám. Chính thực trạng yếu và thiếu như thế nên mới phải bổ sung nó bằng một bảo tàng ra trò như cái BTLSQG mới này.

Hì hục xây cho nó xong nhưng không biết bày biện thế nào

- Không ít người làm trong lĩnh vực bảo tàng cho rằng nếu giờ không xây thì sẽ không bao giờ xây được một bảo tàng tầm cỡ nhưng lại lo ngại không biết chúng ta sẽ vận hành BTLSQG mới thế nào và sẽ trưng bày những gì ở trong cái công trình khổng lồ đó. Ông nghĩ sao?

- Lo như thế là đúng! Chúng ta bây giờ mới chỉ chăm chăm vào xây cái nhà thôi chứ chưa tính đến việc bày biện ở trong đó như thế nào. Cho nên lo cho việc xây nhà 1, thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng, lo cho việc trưng bày ở trong đó gấp 3. Đó là công thức đã được quốc tế xác lập rồi.

- Xin hỏi ông có phải là thành viên của ban tư vấn xây dựng công trình BTLSQG mới không? Nếu được mời, ông sẽ quy hoạch việc trưng bày thế nào cho chuẩn?

Không, tôi không ở trong ban đó. Việc trưng bày thế nào là cả một vấn đề lớn. Nếu được mời thì tôi sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đóng góp ý kiến.

"Họ cứ hì hục xây cho nó xong nhưng sau đó không biết bày biện thế nào", GS Lê Văn Lan nói về công trình Bảo tàng Hà Nội.

- Không biết ông có hay đến Bảo tàng Hà Nội nhiều không? Công trình này được đầu tư lên tới 2300 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn được nhắc đến như một bảo tàng quá lãng phí vì xây xong mà không có gì để bày. Theo ông thì có nên coi Bảo tàng Hà Nội là một bài học mà BTLSQG mới phải lưu ý?

- Tôi đã từng nói rất nhiều từ việc xây cái Bảo tàng Hà Nội ấy. Họ cứ hì hục xây cho nó xong nhưng sau đó không biết bày biện thế nào. Bài học đó tôi luôn nhắc trong việc xây bảo tàng mới tới đây. Lo xây được là 1 nhưng phải lo 3 lần gấp thế trong việc bày ở trong, phải rút kinh nghiệm từ việc làm Bảo tàng Hà Nội.

Tóm lại việc cần làm bây giờ không phải là tính toán cái bảo tàng to kia có nên xây hay chưa nên xây, cũng không phải việc tính toán là xây tốn nhiều hay ít tiền. Vấn đề lúc này là phải tập trung lo bày biện, vận hành cái bảo tàng to ấy như thế nào cho xứng với đồng tiền bát gạo, cho xứng với kỳ vọng của mọi người với nó. 

Hạnh Phương

----------------------

Mời bạn đọc gửi ý kiến tranh luận về dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia mới về địa chỉ phanhoivanhoavnn@gmail.com. Những bài viết hay sẽ được BBT đăng tải trên chuyên mục Văn hóa.