- Sau khi đăng tải bài phỏng vấn GS Lê Văn Lan về dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới  VietNamNet đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi. Bên cạnh phần đông ý kiến phản đối công trình siêu tốn kém này, cũng có những ý kiến đồng tình với việc cần phải có một bảo tàng xứng tầm.


Xây BTLSQG lúc này là đúng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới nếu xây dựng đúng tiến độ thì sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Bạn đọc Lê Tùng (tungthaison@gmail.com) gửi phản hồi với tiêu đề: "Cần xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia", lập luận: "Tôi ủng hộ ý kiến của nhà sử học Lê Văn Lan. Chuyện rằng: người Việt khi ra nước ngoài thường ghé cửa hàng mua đồ hạ giá, siêu thị, rất ít người ghé Bảo tàng. Tại sao? Quá rõ khi mấy ngày qua, dư luận nói về việc xây dựng BTLSQG thì số ý kiến phản đối áp đảo ý kiến ủng hộ. Tại sao lại không nên xây BTLSQG, là vì các bạn sẽ không bao giờ ghé thăm nó! Lịch sử nước ta có những di sản mang những giá trị rực rỡ, hào hùng... Các bằng chứng lịch sử ấy đang được vận dụng để bảo vệ chủ quyền Quốc gia.

Các bạn chỉ lo tốn tiền. Có bạn cho rằng để tiền đó đi làm từ thiện, có bạn nghĩ nên xây trường học, bệnh viện. Vâng, việc đó cần. Nhưng trong một ngôi nhà ở, có phòng khách, phòng ngủ, bếp... nhưng lẽ nào không cần có bàn thờ? Việc xây BTLSQG lúc này là đúng, vì xây dựng, trưng bày xong cũng phải mất 7, 8 năm, khoảng năm 2020 mới bắt đầu phát huy tác dụng. Nhân dân, dân tộc cần một bảo tàng như vậy. Quý vị chỉ là một phần "cư dân mạng ", là thiểu số. Hãy bình tĩnh chờ ngày khởi công công trình này".

Độc giả Thu Hà (hanpht@yahoo.com) cũng đồng tình với ý kiến của GS Lê Văn Lan và cho rằng: "Người dân nhất là học sinh sinh viên và khách du lịch nữa luôn luôn cần và mong mỏi Việt Nam có 1 viện bảo tàng quốc gia với nhiều đồ vật trưng bày có giá trị, có ý nghĩa, có hệ thống, có sức cuốn hút chứ không phải họ cần 1 công trình có hình dáng kiến trúc to đẹp. Họ đến bảo tàng để xem, tìm hiểu, học hỏi những cái được bày biện bên trong chứ không phải những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Bảo tàng Hà Nội đã đánh mất đi lòng tin của người dân nên không dễ gì thuyết phục được lòng dân khi xây 1 bảo tàng khác to đẹp hơn, hoành tráng hơn. Không nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang Đài Loan, 1 nơi đâu có nhiều thứ để "bày", để "nói", bảo tàng của họ cũng không to lớn lăm nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách thăm quan. Đông đến mức khách thăm quan còn phải đeo tai nghe theo nhóm không sẽ bị lạc, bị lẫn. Nó đông đến vậy bởi những thứ được bày trong đó thật sự có giá trị. Doanh thu từ bảo tàng này tính sơ sơ cũng phải mấy trăm triệu VNĐ/ngày. Nhìn mà thèm!".

Trong khi đó, với tiêu đề "Không để sử Việt biến mất", độc giả lấy nickname là Nobody (cxhai@yahoo.com) tranh luận: "Không thể lấy lý do khó khăn hiện tại để trì hoãn việc xây dựng bảo tàng quốc gia. Chúng ta đã trì hoãn nó bao nhiêu năm rồi để ưu tiên phát triển kinh tế? Đợi đến khi chúng ta hài lòng với bản thân và bắt đầu quan tâm đến lịch sử thì lịch sử đã biến mất rồi. Các vấn đề XH luôn tồn tại và không dễ dàng gì khắc phục 1 sớm 1 chiều. Giàu có như nước Mỹ  nhưng họ vẫn có hàng nghìn, hàng triệu người sống nghèo khổ. Miếng ăn giúp ta qua cơn đói 1 bữa nhưng kiến thức VH, truyền thống lịch sử sẽ nuôi ta cả đời. Đừng vì cái nhìn hay nhu cầu nhỏ nhoi của cá nhân mà phán xét, quay lưng với lịch sử cả dân tộc".

Với tiêu đề "Nên xây bảo tàng", độc giả Nguyễn Ân (ancdsp@gmail.com) viết: "Đến xem bảo tàng mới biết nền văn hóa, trình độ văn hóa, thành tựu của một quốc gia. Đến xem thư viện mới biết trình độ tri thức của một quốc gia. Rất tiếc ở Việt Nam 2 cái này đều bị xem nhẹ...".

Còn bạn đọc Nguyễn Văn Lý (conrong@vnn.vn) nêu quan điểm "Bảo tàng Quốc gia Việt Nam được xây mới ngang tầm quốc tế, sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của đất nước. Nó giúp cho các thế hệ sau này của dân tộc Việt Nam hiểu biết toàn bộ lich sử của dân tộc. Đồng thời các dân tộc trên thế giới khi đến Việt Nam có một nơi họ cần biết, cần đến đó là bảo tàng Quốc gia Việt Nam".

Chưa phải lúc

Nhiều độc giả cho rằng nên quy hoạch lại các bảo tàng đã có, trong đó có Bảo tàng Hà Nội cho tốt trước khi nghĩ đến việc xây 1 bảo tàng mới.

Đây cũng là quan điểm của độc giả "noithat" (kiemsac08@yahoo.com.vn): "Tôi thấy giờ là thời điểm chưa thuyết phục, rất nhiều người đang vật lộn để kiếm sống mà còn không đủ ăn chứ nói gì đến đi thăm quan bảo tàng. Theo tôi người dân giờ cần nhất nhà nước có những chính sách giảm lạm phát, kiềm chế tăng giá cả, đời sống ổn định. Nhà nước nên cân nhắc sử dụng Bảo Tàng Hà Nội để trưng bày vì suy cho cùng cái phần vỏ nhà không quan trọng bằng trưng bày cái gì, làm sao để thu hút người xem, nếu làm tốt thì dù có trưng bày trong một cái nhà cấp 4 mà hiện vật sinh động thì người ta vẫn cứ đến để xem. Còn với 11 nghìn tỷ thì làm được rất nhiều việc dân sinh hữu ích khác, tạo được lòng tin với nhân dân".

Độc giả Phan Hà (Phha@hp.com.vn) đồng tình: "Nên xây BTLSQG nhưng không nên xây ở thời điểm này. Bài học Bảo tàng Hà Nội còn đó như là một sự vội vã và lãng phí. Ở ta vẫn quen cách làm tuyên truyền, cách thể hiện bề nổi, đánh trốn bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột thiếu kiên trì làm cho đến nơi đến chốn. Đừng bi quan không xây BTLSQG bây giờ là sau không xây được".

"Dùng Bảo tàng Hà Nội thay cho bảo tàng quốc gia" là đề xuất của bạn đọc "lethuy" (lethuyhpvn@gmail.com): "Trong khi Bảo tàng Hà Nội lãng phí vì không có hiện vật trang trí và sự quản lí yếu kém, tại sao ta không dùng nó để làm bảo tàng quốc gia? Như vậy vừa tránh lãng phí vừa tiết kiệm cho ngân sách quốc gia, bên cạnh đó chúng ta nên tổ chức lại cách quản lý bảo tàng cho thật tốt".

Cần thiết xây BTLSQG là quan điểm chung của nhiều người. Tuy nhiên đây chưa phải là công trình cấp thiết. Độc giả Sâm Cầm (samcam088@yahoo.com) viết: "Một BTLSQG là cần thiết, nhưng chưa đến mức cấp thiết. Việc XD tốn kém thì tất nhiên. Đầu tư cho văn hóa thì không bao giờ rẻ. Giờ đây mà dừng cũng tốn kém nhưng không dừng thì không chừng còn tốn kém hơn. Nếu BTLSQG chưa xây thì có thể chuyển đổi tạm bảo tàng Hà Nội để sử dụng trong 10, 20 năm nữa thì có khi còn hiệu quả và hữu ích hơn. Là một con người cả đời cống hiến cho nền lịch sử nước nhà. Việc hy vọng về một bảo tàng tầm cỡ quốc tế của GS Lê Văn Lan là lẽ tất yếu. Tôi rất cảm thông và chia sẻ.

Tuy nhiên cũng thấy một thực tế là nền văn hóa nghệ thuật chỉ có thể phát triển rực rỡ trên cơ sở nền kinh tế ổn định và phát triển. Do đó việc xuất hiện phản biện xã hội như vậy cũng nằm trong chuỗi logic đó mà thôi. Phương án xây dựng BTLSQG hiện nay gặp vô vàn bất lợi: từ khủng hoảng kinh tế, từ phương án-quy mô xây dựng không hợp lý, từ vị trí xây dựng không xứng tầm, từ sự đồng thuận xã hội không cao. Do đó con đường xây dựng BTLSQG nếu vẫn cách làm này sẽ gặp muôn vàn khó khăn".

Bạn Thu Mai (thumai61@yahoo.com.vn) thì cho rằng "Đến lúc nào đó chúng ta phải có bảo tàng lịch sử hoành tráng cho xứng tầm Dân tộc. Nhưng hiện nay thì chưa nên làm".

Hạnh Phương