- Kết quả LHP Toronto 2012 là một kết thúc ngoài mong đợi cho điện ảnh Việt Nam vì bộ phim Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh rơi vào im lặng.


Nghệ sĩ lớn thường khẳng định mình với phong cách riêng và tạc dáng dựng hình những "đứa con" rất riêng. Đạo diễn Lưu Huỳnh cũng là một trong số những nghệ sĩ nổi tiếng với phong cách riêng và khá... quái. Cái quái của anh là ở chỗ thay vì đăng đàn khoe thành tích, khoe đứa con sắp ra đời, thậm chí sẵn sàng chửi bới đồng nghiệp và báo giới để bảo vệ sản phẩm tinh thần của mình thì đạo diễn Lưu Huỳnh im lặng và... biến mất. Sự lạnh lùng của anh với giới truyền thông nổi tiếng đến độ ai ép anh chụp được tấm hình đàng hoàng là một bất ngờ?!

Có lần, vì muốn trao đổi trực tiếp với đạo diễn Lưu Hùynh để thực hiện nội dung bài viết, người viết bài đành nhờ nghệ sĩ Phước Sang - em trai đạo diễn Lưu Huỳnh. Câu trả lời của nghệ sĩ Phước Sang gây ngỡ ngàng: "Trời ơi, tui cũng không biết ổng ở đâu nữa. Ổng trốn đi đâu ai mà biết". Vậy đó, phác thảo chung về đạo diễn Lưu Huỳnh, người đã làm nên vài kỳ tích cho điện ảnh Việt Nam nói chung và điện ảnh tư nhân nói riêng qua bộ phim Áo lụa Hà Đông Huyền thoại bất tử tóm gọn như vậy.

Nhờ có Áo lụa Hà Đông, một hãng phim tư nhân đoạt giải ngang hàng với phim nhà nước. Năm 2006, Cánh diều vàng phải có 2 giải vàng với Hà Nội Hà Nội Áo lụa Hà Đông. Phim này tiếp tục đoạt giải Kodak Vision Award – giải Phim hay nhất do khán giả bình chọn – tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Fukuoka (Nhật Bản).

Sau phim Áo lụa Hà Đông, đạo diễn Lưu Huỳnh cũng đặt một dấu ấn khó quên qua bộ phim hành động Huyền thoại bất tử. Những pha đánh đấm nhanh như chớp ít nhất làm mãn nhãn người xem, cho người Việt và phim Việt một cảm giác... Hollywood. Huyền thoại bất tử đoạt giải Cánh diều bạc năm 2008 và năm đó không có giải vàng cho các phim tham gia. Bộ phim này sau đó cũng tham gia khá nhiều liên hoan phim như Liên hoan Điện ảnh, Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế FICTS lần thứ 5,  LHP Thượng Hải năm 2010 nhưng không được nhiều giải như Áo lụa Hà Đông.

Tóm lại, đạo diễn Lưu Huỳnh có thể trở thành ứng viên nặng kí nhất cho điện ảnh Việt khi tham gia đấu trường quốc tế bởi phong cách riêng, kịch bản riêng và cả cách làm phim tử tế. Bởi vậy, khi phim Lấy chồng người ta vừa hoàn tất đã tham dự LHP Toronto 2012 cho thấy một cung đường chuyên nghiệp trong việc làm phim có định hướng.

Tham dự LHP Toronto 2012, Lấy chồng người ta dự hạng mục Comtemporary World Cinema (Điện ảnh thế giới đương đại). Kết quả là... không sao! Cũng chẳng sao, phim Việt và người đẹp Việt đi tham dự quốc tế vẫn rớt hoài! Thế nhưng, Lấy chồng người ta đánh dấu thêm một bộ phim Việt đã "xuất khẩu" hình ảnh cái nghèo triền miên muôn đời của Việt Nam ra thế giới bất thành.

So với cái nghèo của Áo lụa Hà Đông có sự trải dài lịch sử, có hình ảnh hùng vĩ quê hương, có sự đau thương và thay đổi thì Lấy chồng người ta có gì? Chẳng có gì ngoài mối tình tay ba của ba con người rất nghèo, không có nhà, sống trên sông nước. Câu chuyện chỉ xoay quanh bến sông, chợ quê và không có nổi hình ảnh nào lãng mạn đến nao lòng. Mà điện ảnh không có được cái đẹp khơi gợi nhiều ngữ cảm đó thì làm sao trở nên lung linh được.

Ngay cả tên phim, nghe có vẻ sẽ có nhiều cảnh nóng đây, cũng chẳng có gì là nóng. Cảnh vụng trộm để có con của Lụa (Đinh Y Nhung) và Linh (Thái Hoà) thật chán như chính chủ đích của người phụ nữ. Ngay cả cảnh Lụa bị lột truồng đeo bảng giữa chợ rồi hãng phim cho rằng bị bung bất ngờ poster phim không công bố, cũng là một trò diễn vụng về gây chú ý. Đương nhiên, đạo diễn Lưu Huỳnh không cốt ý làm những cảnh này để câu khách vì trên phim, cảnh làm chuyện để có con, rất hợp lý và đúng mực.

May mắn, bộ phim có nhịp điệu và tình tiết được đẩy mạnh, triển khai đến nơi đến chốn những cao trào xung đột. Những màn đánh đấm, tát tai, đánh nhau tưng bừng của ba nhân vật chính làm bộ phim lôi cuốn hơn, có mạch cảm xúc để xem đến cái kết thúc sẽ như thế nào. Diễn viên hài Thái Hoà có lẽ là người "được" nhiều nhất vì ít ra anh thoát khỏi việc diễn hài, phảng phất hình ảnh phản giới tính mà trở thành một gã đàn ông với sở thích vũ phu, cay nghiệt với phụ nữ đến tận cùng.

Phim Lấy chồng người ta, với nội dung quẩn quanh chuyện ghen tuông, giựt con, hy sinh vì con, thể hiện tình mẫu tử một cách rất đặc biệt, cũng đáng để xem và ngẫm về sự khởi đầu sai lầm sẽ là một chuỗi các sai lầm. Một lời cảnh tỉnh ẩn chứa hàm lượng cuộc sống khá lớn mà không dễ gì hấp thụ  được. Đương nhiên, đó cũng là lý do cho câu cảm thán quen thuộc: "Phim dự giải mà, kén lắm!"

Thanh Chung