Bức màn phong tỏa hậu trường bầu bán khiến giải Nobel Văn chương là mảnh đất màu mỡ cho giới cờ bạc nhảy vào khai thác cá cược kết quả. 

Nếu có một danh sách những bí mật được giữ kín nhất thế giới, thì đứng hàng đầu hẳn là chuyện bầu bán giải Nobel Văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Bất chấp những nỗ lực đột nhập, quy trình lựa chọn người thắng giải hàng năm vẫn rất bí mật và nghiêm cẩn bên trong tòa nhà trước đây là Trung tâm giao dịch chứng khoán Thụy Điển.

Nhà văn Haruki Murakami được nhiều người đặt cược cho  giải Nobel Văn chương 2012

Bí mật, dĩ nhiên, không chỉ được giữ bằng lời thề. Người ta đã nói nhiều về thủ thuật của các viện sĩ nhằm đảm bảo tên tuổi cụ thể của ứng viên chỉ được công bố vào 50 năm sau. Chẳng hạn như việc phủ lên tác phẩm của ứng viên mà họ đang đọc bằng một chiếc bìa giả. Rồi khi trao đổi, thảo luận với nhau thì gọi tên ứng viên bằng những mật danh kiểu như “Harry Potter” để ám chỉ nhà soạn kịch người Anh Harold Pinter (Nobel 2005), hay “Little Dorrit” để gọi nữ văn sĩ Doris Lessing (Nobel 2007)…

Quy trình bảo mật của các viện sĩ ở Viện Hàn lâm Thụy Điển thường khiến gây nhiều háo hức và ngạc nhiên cho giới truyền thông trong buổi công bố tên người đoạt giải. Không khí này sau đó nhanh chóng lan tỏa vào thế giới văn chương, dư âm của tiếng vỗ tay, lời khen ngợi xen lẫn với những la ó, chỉ trích. Nếu phe ủng hộ có hàng loạt những cái tên vĩ đại làm dẫn chứng cho sự thuyết phục của Nobel Văn chương, thì phe phản đối cũng có những trường hợp thuyết phục không kém để cho thấy cách lựa chọn “không giống ai” của giải.

Quanh chuyện Nobel Văn chương, nếu có gì “phi văn chương” nhất thì chắc chắn đó là chuyện cá cược người đoạt giải, khi tên của những tác giả lớn nhất trong thế giới văn chương đương đại thường gắn với…một con số. Hoạt động thâm niên nhất trong lĩnh vực này là nhà cái Ladbrokes, nơi đưa ra danh sách các ứng viên kèm tỷ lệ cá cược từ rất sớm.

Đến thời điểm này, đứng đầu danh sách của Ladbrokes vẫn là Haruki Murakami với tỷ lệ cược 7/1. Ông là nhà văn Nhật Bản nổi tiếng ở tầm thế giới và có nhiều tiểu thuyết được chuyển ngữ ra tiếng Việt như “1Q84”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Kafka bên bờ biển”, “Rừng Na Uy”…

Nhạc sĩ – ca sĩ người Mỹ Bob Dylan nổi tiếng với những ca khúc có ca từ thẫm đẫm chất văn chương được cho là một ứng viên sáng giá của Nobel Văn chương

Đứng thứ nhì là nhạc sĩ – ca sĩ người Mỹ Bob Dylan với tỷ lệ 10/1, ông nổi tiếng với những ca khúc có ca từ thẫm đẫm chất văn chương. Tiếp đến là nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc, nhà văn Đan Mạch Cees Nooteboom, nhà thơ – tiểu thuyết gia người Albani Ismail Kadare, nhà thơ người Syria Adonis.

Trong trò cờ bạc với Nobel (mà khi tham gia người ta hẳn phải xác định đây là chỉ là một trò vui đỏ đen để thoát “trách nhiệm văn hóa”), phần trăm thắng – thua khó đoán định hơn rất nhiều. Không chỉ bởi quy trình bảo mật chặt chẽ của Viện hàn lâm, mà còn bởi cách Nobel Văn chương gần đây thường gọi tên những tác giả dù xuất sắc nhưng lại rất kín tiếng như nhà văn – nhà soạn kịch người Áo Elfriede Jelinek, nhà văn người Đức gốc Romania Herta Mueller…

Nhưng rất có thể Nobel Văn chương sẽ lại giới thiệu cho thế giới một tác giả xuất sắc nhưng sống ẩn dật và kín tiếng như họ đã từng làm với nhà văn – nhà soạn kịch Elfriede Jelinek
Thông tin duy nhất được công khai đến nay về Nobel Văn chương 2012 mà người ta được biết là: Có 46 tác giả trên tổng số 210 ứng viên là những người lần đầu tiên được đề cử. Do vậy, trừ các thành viên bỏ phiếu, thì ngay cả những bạn đọc trí tuệ và có khả năng dự cảm tốt cũng khó mà đoán được kết quả. 

Tuy vậy, chuyện hậu trường bầu bán Nobel Văn chương không hẳn lúc nào cũng hoàn toàn bị che phủ trong bức màn bí mật. Bằng chứng là năm ngoái, tên người đoạt giải là nhà thơ Tomas Tranströmer đứng thứ hai trong danh sách những người được đặt cược nhiều nhất, chỉ sau nhà thơ Adonis.

Hay như vài ngày trước lễ công bố giải Nobel Văn chương 2008, nhà cái Ladbrokes hoảng hốt khi thấy người ta đổ dồn về đặt cược cho nhà văn Le Clézio, buộc họ phải khóa sổ trước một ngày. Ông Horace Engdahl, thư ký thường trực của viện được cho là “nghi phạm chính” vì đã để “bị bắt gặp” với tác phẩm của Le Clézio trên tay trong lúc chờ chuyến bay từ Paris về Stockholm. Tất nhiên là ông phủ nhận.

Một sự cố như vậy cho đến giờ phút này chưa xảy ra ở Nobel Văn chương 2012. Và với uy tín của giải, có lẽ nó sẽ không xảy ra ở mức độ liên tiếp như vậy.

Khải Trí