- Không có bản quyền, Uyên Linh buộc phải ngừng hát ca khúc “Đường cong”. Chuyện cũ ấy vẫn chưa trở thành bài học cho nhiều ca sĩ trẻ và BTC các cuộc thi ca hát, vì cứ thấy “hot” là hát và hốt cát-xê “khủng”, bỏ qua quyền lợi của người nắm giữ ca khúc.


Từ “tặng không” đến “doạ kiện”


Hoàng Quyên vui mừng vì sau khi để lại dấu ấn với Và em có anh đã được Mỹ Tâm “tặng không” ca khúc này.

Trong đêm công bố kết quả top 10 của Vietnam Idol 2012, ca sĩ Mỹ Tâm khiến nhiều khán giả hò reo khi bất ngờ tặng lại thí sinh ca khúc Và em có anh do mình giữ bản quyền. Cô nói với Hoàng Quyên trên sóng truyền hình: “Em cứ sử dụng thoải mái, muốn làm gì cũng được. Chị sẽ là người mua đĩa của em đầu tiên!”.

Hành động đó khiến nhiều người nghĩ ngay đến những chuyện lùm xùm sau các vụ kiện tụng về bản quyền ca khúc sau các đêm thi ca hát đã diễn ra trước đó.

Khi Mỹ Tâm quyết định như vậy, có nghĩa là Hoàng Quyên nghiễm nhiên có bản quyền chung với ca khúc dựa trên phần nhạc của Lee Han Boem, nhạc sĩ Quốc Bảo đặt lời Việt. Thí sinh từng được biết tới vì hát nhạc Lê Minh Sơn khỏi lo… bị kiện, kể cả có dùng ca khúc để đi hát event hay thu đĩa sau này.

Đây là trường hợp “cấp phép bản quyền” bằng… miệng lần đầu tiên xảy ra trên sóng truyền hình trực tiếp. Cách xử sự của Mỹ Tâm qua đây cũng được đánh giá là hào phóng và thông minh, vượt lên những ý kiến này khác về việc cô gái 20 tuổi Hoàng Quyên hát Và em có anh thậm chí còn nhỉnh hơn đàn chị.

Có thể Mỹ Tâm đã rút được kinh nghiệm về những vụ tranh chấp bản quyền không đáng có vẫn xảy ra liên miên, khi một ca khúc bất ngờ “ăn khách” sau một show truyền hình thực tế.

Mùa Vietnam Idol trước, Uyên Linh biến bài Đường cong từ ca khúc dự thi thành ht”,  nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, tác giả ca khúc này doạ kiện vì Uyên Linh hát không có bản quyền ca khúc ở nhiều sự kiện khác nhau. Lúc đó, nhạc sĩ “Đường cong” bị không ít người mỉa mai là “muốn ăn theo độ hot của Uyên Linh”.

Đến nay thì chuyện một trong những nhạc sĩ trẻ hiện có nhiều bản hit nhất trên thị trường âm nhạc hiện nay có cần “đu” theo Uyên Linh hay không đã được sáng tỏ bởi nhiều ca vi phạm bản quyền tương tự đã diễn ra. Tác giả của các ca khúc đã phải lên báo đòi quyền lợi, nhất là khi nhiều ngôi sao trẻ vừa rời buổi thi là chạy sô mệt nghỉ, thu bộn tiền từ các sáng tác của họ.

Sau khi khuynh đảo cộng đồng mạng với ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu, chàng ca sĩ đeo kính cận Bùi Anh Tuấn và BTC cuộc thi The Voice đã bị tố vi phạm tác quyền. Trước sự lên tiếng của tác giả Tiến Minh, BTC đã có câu trả lời báo chí: “Tất cả các ca khúc dự thi vòng Giấu mặt của chương trình Giọng hát Việt đều do các thí sinh tự lựa chọn. BTC chương trình luôn tôn trọng quyền tác giả các ca khúc do thí sinh mang đến dự thi. Từ lâu nay, tất cả các chương trình truyền hình phát sóng trên kênh quảng bá của VTV nếu có sử dụng ca khúc Việt Nam, tiền bản quyền của tác giả đều được Đài truyền hình Việt Nam thống kê và chi trả đầy đủ”.

Như vậy có nghĩa, khi một ca khúc lên sóng, BTC chương trình không có thao tác kiểm tra mức độ an toàn về bản quyền của nó, miễn là thí sinh muốn hát, bất kể tác giả có muốn phổ biến hoặc ca khúc có là sản phẩm độc quyền của ai hay không. Đó là chưa kể trong thực tế, tại đa số các cuộc thi ca hát, chính các giám đốc âm nhạc chọn bài cho thí sinh chứ không phải thí sinh tự chọn. Theo đó thì ngoài Nơi tình yêu bắt đầu, hàng loạt ca khúc khác, chỉ cần thí sinh gật đầu là nhà sản xuất và đài truyền hình duyệt lên sóng?

Ca khúc “nóng giãy” mới nhiều chuyện nảy sinh

Từ lý giải đó sẽ để lộ ra một khả năng là còn rất nhiều tác giả khác chưa buồn lên tiếng về bản quyền, như cách Nguyễn Hải Phong, Tiến Minh hay Tạ Quang Thắng đã lên tiếng. Và cũng không phải cứ chờ đến khi ca khúc nào nóng giãy sau cuộc thi thì chủ sở hữu các bài hát mới doạ kiện cho bõ. Ngay tại cuộc thi Sao Mai điểm hẹn vừa qua, ca sĩ Đông Hùng đã phải lên tiếng xin lỗi Tạ Quang Thắng khi tự ý sử dụng ca khúc Ngây thơ mà không xin phép tác giả.

Thông thường lâu nay, các cuộc tranh cãi về bản quyền kể trên thường được giải quyết theo cách “dĩ hoà vi quý”, “đóng cửa bảo nhau”, khi chuyện “con kiến kiện củ khoai” còn quá phổ biến ở Việt Nam. Nhưng có một vấn đề nữa nảy sinh đáng bàn hơn ở đây là còn đó không ít rủi ro về bản quyền nằm ở hậu trường các cuộc thi này.

Nhờ hiệu ứng truyền thông và sức lan truyền mạnh mẽ của Internet mà nhiều ca khúc được các thí sinh hát lại trở nên hot, có hàng vạn lượt xem trên Youtube. Ngay trong quá trình thi, nhiều thí sinh như Bùi Anh Tuấn, Hương Tràm, Thái Trinh, Đồng Lan, Xuân Nghi, Ngân Bình… có thể nhận được nhiều lời mời diễn” mệt nghỉ.

Không gì khác, giống trường hợp Uyên Linh với Đường cong trước đây, một số thí sinh đã tung ra những bài tủ hát ở các cuộc thi để đi diễn. Lúc này mới là chuyện bản quyền làm “áo gấm đi đêm”. Các thí sinh đi hát có thể thu về hàng ngàn đô cho mỗi lần hát ca khúc đi thi, ở nhiều tụ điểm khác nhau. Vậy thì lúc này họ có hay không có bản quyền,nếu BTC các cuộc thi phó mặc chuyện đó cho họ? Giả sử, những tụ điểm mời họ hát trả phí tác quyền cho nơi tác giả ca khúc đó uỷ quyền thu phí, thì đó là điều đương nhiên và cần thiết, nhưng họ không phải là người nắm bản quyền, tức chủ sở hữu ca khúc đó.

Trở lại câu chuyện Mỹ Tâm “tặng ca khúc Và em có anh cho Hoàng Quyên hát thoải mái” thì có nghĩa Hoàng Quyên có lợi thế rất lớn khi được quyền trình diễn, thu âm, nói chung là thương mại hoá ca khúc này ở bất cứ đâu, cùng với Mỹ Tâm, vì đã có phép.

Nhưng ở đây Hoàng Quyên sẽ không được cấp bản quyền ca khúc này cho đối tượng khác. Điều này giống giả thiết tác giả Tiến Minh có hợp đồng, thoả thuận để Bùi Anh Tuấn quyền hát Nơi tình yêu bắt đầu thì ca sĩ của cuộc thi The Voice này cũng không có quyền cấp phép cho chàng trai cao nguyên Yasuy hát cùng ca khúc (tất nhiên là ngoài cuộc thi)/

Cũng tương tự, Hoàng Quyên hay Bùi Anh Tuấn không được nhận đồng nào phí tác quyền cho các khúc họ có phép khi trình diễn. Mỹ Tâm vẫn là người đầu tư cho sự ra đời Và em có anh và cũng là người đầu tiên đưa ca khúc đến khán giả.

Danh Anh