- "Chí ít mua tranh thật của 1 họa
sĩ không nổi tiếng còn hơn mua tranh rởm của 1 họa sĩ nổi tiếng. Hai cái khác
nhau vậy mà nhiều người lại cứ thích chơi đồ giả", Họa sĩ Đào Hải Phong.
Trong cuộc trò chuyện mới đây với họa sĩ Lê Thiết Cương, anh có nhắc đến "tình trạng trọc phú hóa ở nhiều người
đang chơi đồ hiện nay mà mọi người không nỡ nói thẳng ra là khi người ta
có nhiều tiền thì người ta chơi đồ trong khi mặt bằng hiểu biết của họ không
bằng số tiền bỏ ra".
Sự xuất hiện của một tầng lớp những người có tiền quá nhanh trong xã hội nhưng chưa kịp trang bị cho mình một phông văn hóa đã dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười. Để tiếp tục câu chuyện này, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn với họa sĩ nổi tiếng Đào Hải Phong.
Đầu tư cho những thứ giải trí rẻ tiền mà lại nhầm với nghệ thuật
- Xu hướng "trọc phú hóa" hình như đang càng ngày càng phát triển kinh khủng, anh có thấy vậy không?
- Không phải xu hướng đó càng ngày càng phát triển kinh khủng mà là phát triển rầm rộ. Một quan niệm tạm gọi là phi thẩm mỹ đó kéo theo một loạt ảnh hưởng khác. Khi quan niệm đó, chưa bàn là tốt hay xấu, ảnh hưởng quá nhiều thì vô hình chung nó sẽ là đúng. Cái đó mới là cái nguy hiểm.
Ngày hôm nay đa số người ta không nhìn 1 bộ bàn ghế, 1 đồ vật bày biện trong nhà ở giá trị văn hóa, tri thức, thẩm mỹ mà chỉ nhìn ở giá trị chơi vật liệu.
Tôi lấy ví dụ gần đây
nhiều người trạc
tuổi trên 30 có tiền đổ xô chơi đồ âm thanh cao cấp. Ngoài mặt thẩm mỹ, design, đó là những món đồ rất đẹp,
có thể tải được những âm thanh rất tinh tế như nhạc cổ điển, những tiếng violin
được kéo trĩu xuống mà những bộ dàn của những cán bộ công nhân viên chức như tôi
không tải nổi.
Nhưng đáng tiếc là họ lại dùng những bộ dàn âm thanh đó để chơi nhạc sến mà đến loa Nam Môn đánh còn tốt hơn.
Hóa ra bộ dàn trị giá 30.000-40.000 USD không phải dùng để nghe những thứ cần nghe, cần sự tinh tế. Việc sắm bàn ghế cũng vậy. Tôi thấy ở hầu hết các cơ quan công quyền, các nhà gọi là khá giả, quyền thế họ chơi những bộ bàn ghế cực tốt nhưng kiểu dáng nặng nề mà đối với tôi không hề đẹp.
Tôi hay nói đùa với anh em bạn bè rằng cái gì xấu thì thường bền mà cái đẹp thường mong manh. Cái đẹp thực sự mình có bảo vệ nó nhưng trước cả 1 trào lưu người ta quan niệm việc xấu đó là đúng thì không cẩn thận mình sẽ trở thành lẩm cẩm.
Buồn nhất là người ta lại đầu tư nặng cho những thứ giải trí rẻ tiền mà lại nhầm với nghệ thuật. Nghệ thuật đồng nghĩa với sự sáng tạo. Ngày xưa các cụ nói trọc phú là cấp thấp rồi. Nhưng trọc phú ngày hôm nay mà được đến cỡ phú ông thôi thì xã hội đã khá rồi.
Nhiều người cứ thích chơi đồ giả
- Tôi cho là người ta còn quan niệm thưởng thức những thứ tiêu dùng chứ không thưởng thức giá trị tinh thần. Khi thưởng thức giá trị tiêu dùng mà không có giá trị văn hóa, về sâu xa họ sẽ mất đi lòng tự trọng.
Có người sẵn sàng mua cho con cái họ một chiếc xe 700.000-800.000 USD nhưng họ cho đó là chuyện bình thường. Ở mặt bằng nào đó, mua 1 bức tranh trị giá 1 triệu USD cũng là để khoe tiền thôi nhưng nó sang hơn là mua 1 cái ô tô 700.000-800.000 USD. Vì 1 đằng là giá trị tinh thần, 1 đằng là giá trị vật chất. Nhưng giá trị vật chất thì vẫn có giá còn giá trị tinh thần là vô giá.
Và nếu muốn vươn cao lên để hiểu được giá trị tinh thần thì phải là những người có văn hóa. Họ cũng phải được trau dồi cả văn hóa và tri thức. Tuy nhiên tôi vẫn thấy ngạc nhiên và trân trọng những anh em nghệ sĩ ở VN vì dù không có thị trường trong nước thì họ vẫn đắm đuối làm nghệ thuật. Họ sẵn sàng để vợ nuôi hoặc nhịn cái nọ cái kia đi để làm nghệ thuật.
Tôi nghĩ với số doanh nghiệp hiện
nay mà mỗi người quan tâm đến mỹ thuật, mua các tác phẩm của những nghệ sĩ VN
thì quá tốt rồi.
Nhiều nghệ sĩ dù không có tên tuổi, không hình thành phong cách
rõ rệt nhưng họ làm thật và những tác phẩm của họ hơn hẳn những tranh đá, tranh
gỗ hay những thứ óng ánh, lăng nhăng mua ở cửa hiệu vỉa hè bây giờ. Chí ít mua tranh thật của 1 họa
sĩ không nổi tiếng còn hơn mua tranh rởm của 1 họa sĩ nổi tiếng. Hai cái khác
nhau vậy mà nhiều người lại cứ thích chơi đồ giả.
- Nghe nói tranh của anh đắt lắm, toàn người nước ngoài mua. Anh có thể tiết lộ giá mỗi bức tranh anh vẽ là bao nhiêu?
- Tranh của tôi không rẻ chứ không đắt. Vừa rồi tôi đi trại sáng tác ở Ấn Độ với các họa sĩ ở Malaysia, Cam-pu-chia, Brunei và tôi thấy tranh tôi quá rẻ. Ví dụ tranh của họ bán được 23.000USD hay 26.000USD thì tranh của mình cũng chỉ bằng số lẻ của họ.
Văn hóa xuống sẽ kéo theo nhiều thứ xuống
- Ông ngoại tôi, một người Hà Nội
gốc khá giàu có từng kể lại với mẹ tôi rằng ngày xưa các cụ mời nhau đến
nhà ăn uống thịnh soạn thế này: Đêm nay mời ông sang nhà tôi để ngắm hoa
Quỳnh nở.
Mời đi từ 4h chiều để ngắm hoa Quỳnh nở có nghĩa chủ nhà phải lo bữa ăn cho khách từ chiều đến đêm. Các cụ mời nhau tới nhà ăn một bữa thật thịnh soạn với những món đặc sản của Hà Nội nhưng lại dùng một từ cụm từ rất sang là "ngắm hoa Quỳnh". Nó hoàn toàn khác với kiểu mời nhau tục tĩu và thô thiển như bây giờ.
Văn hóa ngày nay thể hiện ngay cả ở chuyện trả tiền. Muốn trả tiền ăn cho người khác là phải xin phép người ta dù điều đó là thể hiện lòng tốt. Tôi đã bị vài lần như vậy và cảm thấy rất mất tự do.
Tôi cũng từng chứng kiến cảnh
người ta tranh nhau trả tiền, giằng co đến mức cái ví rơi cả vào nồi nước phở (cười).
Chỉ khổ thân bà bán hàng lại phải dùng muôi múc cái ví đó ra. Tôi cho khi văn
hóa xuống cấp thì nó sẽ kéo theo nhiều thứ xuống, rồi đến 1 lúc nào đó sẽ không
còn lễ nữa.
Tiền có thể mua được rất nhiều
thứ nhưng không mua được lòng tự trọng.
Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng