- Có được tận mắt chứng kiến bộ sưu tập đồ gỗ và đồ gốm VN của họa sĩ Lê Thiết Cương và được nghe anh nói về đam mê và sự hiểu biết của mình thì mới thấy những gì người họa sĩ danh tiếng này đang sở hữu thực sự quý hơn vàng.


Hiểu mới chơi, muốn chơi thì phải có tiền

Hơi e ngại khi đặt vấn đề gặp gỡ để viết về thú sưu tập đồ cổ vốn rất nổi tiếng của anh vì không biết sẽ hỏi gì và khai thác gì. Nhưng sau vài cái hẹn và vài giờ trò chuyện, chúng tôi biết rằng cuộc gặp gỡ với họa sĩ Lê Thiết Cương thực sự đáng giá. Rất nhiều món đồ gỗ quý được anh xếp ngay ở tầng 1 gallery số 39A Lý Quốc Sư, nơi thường xuyên có người ra vào với vô số các cuộc triển lãm.

Nơi đây giống như một cuộc triển lãm sắp đặt với những món đồ gỗ và gốm quý của chủ nhân được bày biện có chủ ý, xen kẽ giữa những bức tranh do Lê Thiết Cương vẽ.


Họa sĩ Lê Thiết Cương trong không gian của ngôi nhà số 39A Lý Quốc Sư.

Anh chơi đồ gỗ là chính và chủ yếu tập trung vào bàn - ghế - giường - tủ, sau đó đến đồ gốm mà tuyệt nhiên chỉ chơi gốm VN. Tôi mở đầu bằng 1 câu hỏi Nghe nói bộ sưu tập đồ cổ của anh lớn lắm, quý lắm. Vậy với anh, nó quý và lớn đến mức nào?

Họa sĩ Lê Thiết Cương đáp liền: "Không ai chơi hết được mọi thứ! Dùng chữ "chơi đồ cổ" là không đúng vì không ai trên đời có thể chơi rộng đến vậy. Trong bộ sưu tập của tôi cũng chỉ tập trung vào đồ gỗ. Mà đồ gốm thì cũng chỉ chơi đồ gốm VN. Nếu các bạn khám nhà tôi lúc này thì chắc chắn không tìm ra món đồ nào của Trung Quốc.

Chơi đồ gốm Trung Hoa chưa nói đến chuyện tiền, chỉ nói đến sự hiểu biết thôi (vì phải hiểu biết mới chơi được)  cũng đã rất phức tạp với bao nhiêu đời mà mỗi đời đó có biết bao nhiêu ông vua. Mỗi ông vua lại ra 1 quan niệm cho lò gốm.

Để hiểu biết hết về gốm Trung Hoa vô cùng khó, chưa kể nó rất đắt. Đó lại nói về chuyện tiền. Muốn chơi thì phải có tiền. Để chơi đồ gốm Trung Hoa cần phải có nhiều tiền gấp nhiều lần chơi đồ gốm VN. Còn về cá nhân, tôi không thích gốm Trung Hoa mà điều đó thì chịu không lý giải được".


Chủ nhân chỉ sưu tầm đồ gốm Việt Nam.

Lê Thiết Cương bảo trong đồ cổ muốn biết nó quý hay không thì phải do từng quan niệm chơi. Và quý hay không còn tùy vào sự hiểu biết. "Những người chơi mà cụ thể như tôi, lợi hơn những người khác ở chỗ mình là họa sĩ. Có nghĩa là nhu cầu thẩm mỹ và yêu cầu mỹ thuật của mình cao hơn người khác. Nói huỵch toẹt ra là mình biết thế nào là đẹp hơn người khác.

Thêm nữa, đã là họa sĩ thì cho dù nhà trường không dạy trong suốt 5 năm học ĐH thì mình cũng phải tự dạy mình. Muốn vẽ được thì phải hiểu về mỹ thuật thế giới và VN. Mà mỹ thuật VN nằm ở đồ mỹ nghệ là chủ yếu do đến cuối thế kỷ 19 tranh mới xuất hiện".

Chỉ chơi đồ đẹp

Ông chủ của gallery số 39A Lý Quốc Sư cho rằng là họa sĩ thì đương nhiên kiến thức về mỹ thuật truyền thống VN (thông qua các đồ mỹ nghệ như: đồ gỗ, đồng, sơn mài...) dứt khoát cao hơn người khác vì mình phải và thích học những cái đó.

Anh bảo đồ quý hay không là phải hiểu nó. Không hiểu thì sao thấy quý được. Chính thế nó cũng quy định gu chơi và chất lượng của bộ sưu tập. Trong chơi đồ cổ, món nhiều tuổi không có nghĩa là đắt hơn món ít tuổi. Và món đồ đang được thị trường ưa chuộng không đồng nghĩa với đẹp. Món đồ nào cũng quý. Đơn giản là vì mọi người không nhìn thấy còn mình nhìn ra mà thôi.


Chiếc tủ gỗ kết hợp những chi tiết làm từ xương vô cùng độc đáo.

Tôi băn khoăn vì sao không mấy khi thấy họa sĩ Lê Thiết Cương tiết lộ về giá tiền mua những món đồ mình đang sở hữu nên quyết hỏi anh cho bằng được. "Tôi không đặt vấn đề tiền lên đầu là thế dù nó là 1 trong những tiêu chí bắt buộc khi sưu tập. Tiêu chí đầu tiên vẫn phải là tri thức. Mà cái đó lại đòi hỏi thời gian, một sự thẩm thấu.

Người chơi phải học hỏi dần dần bằng cách đọc, xem, đi bảo tàng trong và ngoài nước, thậm chí là truy cập internet. Mỗi ngày thẩm thấu 1 tí. Tri thức là cả 1 quá trình tiếp nhận, tiếp nhận mỗi ngày 1 chút nên không thể nói thời gian cần là vài tháng hay vài năm.

Do vậy tình trạng trọc phú hóa ở nhiều người đang chơi đồ hiện nay mà mọi người không nỡ nói thẳng ra là khi người ta có nhiều tiền thì người ta chơi đồ trong khi mặt bằng hiểu biết của họ không bằng số tiền bỏ ra".

Những món đồ gỗ tuy tuổi đời không nhiều nhưng lại là những tác phẩm có tính thẩm mỹ cao.

Lê Thiết Cương tiết lộ rằng anh chơi đồ gỗ từ năm 1995 và chỉ chơi trong 10 năm là dừng. Chính xác thì anh đã phải "cai nghiện" chúng. Vị họa sĩ hài hước nói rằng người sưu tầm kim thì đơn giản hơn sưu tầm bàn, ghế, giường, tủ vì nếu mua về nhiều thì lấy đâu ra không gian để chứa chúng.

Việc sưu tầm cũng phải chọn lọc nữa vì trong chữ sưu tập là đã có hai từ chọn lọc. Thêm một lý do tiên quyết nữa là đồ đẹp thì ngày càng ít đi và đắt hơn.

Bộ sưu tập có một không hai

Mối quan hệ giữa tính thẩm mỹ và giá cả một món đồ với anh thế nào? Nếu thấy một món đồ đẹp thì anh vẫn sẵn sàng trả giá cao chứ? - tôi hỏi. "Có những món đồ rất đẹp, đáng lẽ giá 10 đồng nhưng vì người bán không biết là nó đẹp nên chỉ bán có 5 đồng. Nhưng không phải 10 lần mua thì cả 10 lần đều gặp may như thế", Lê Thiết Cương trả lời và không quên dẫn ra một ví dụ.

"Căn nhà 13 Nhà Thờ trước đây từng có 5 năm (1995-2000) là 1 cửa hàng bán đồ gỗ cổ. Chủ là 1 phụ nữ VN lấy một người Anh rất sành về đồ gỗ cổ. Khi đã sành thì đừng hòng hy vọng rằng cái đồ này đẹp mà họ bán rẻ. Có lúc mình chấp nhận mua 1 món đồ đẹp giá thực chất chỉ 10 đồng nhưng họ bán tới 20 đồng. Lý do là họ đã tuyển cho mình một lần rồi".

Cứ mỗi lần ghé cửa hàng này, thấy cái cái gì đẹp nhất thì anh mua, bất kể giá cả. Chiếc trường kỷ làm từ gỗ Trắc rất quý có khảm trai có từ thế kỷ 19 là một trong những món đồ mà anh mua ở cái cửa hàng gần nhà kia. Vào cái thời cuối những năm 1990 mà họa sĩ Lê Thiết Cương dám bỏ ra 2000 USD để mua 1 chiếc trường kỷ ấy.



Tôi hỏi: Anh đã đổ bao nhiêu tiền vào đồ cổ rồi? Họa sĩ nói chỉ biết là nhiều lắm nhưng không thể nhớ nổi vì không có thói quen mua rồi ghi sổ. Lê Thiết Cương bảo mỗi người sưu tầm đều phải trả rất nhiều học phí và nên tự trả để rút ra những bài học cho riêng mình. Anh bảo ai chơi cũng chẳng có tiền vì tiền có bao nhiêu là đổ hết vào đồ cổ mất rồi.

Nhưng bù lại, Lê Thiết Cương lại sở hữu nhiều món đồ quý. Chiếc cửa võng thết vàng thật có từ thế kỷ 19 với những họa tiết được làm trực tiếp trên mặt gỗ thật sự là một tác phẩm điêu khắc có một không hai với ấn tượng mạnh về mặt thị giác được anh treo ngay lối lên cầu thang dẫn lên tầng 2 mà ai bước vào nhà cũng có thể nhìn thấy.


Cửa võng thết vàng.

Chiếc tủ độc nhất vô nhị kết hợp gỗ với xương với những họa tiết cầu kỳ ở phần chân đế cùng 4 chữ Phúc - Thọ - Phúc - Thọ (ở thời Phong Kiến thì đó là 1 sự cách tân) khắc theo lối Triện thư tuyệt đẹp.



Nhấp một ngụm nước chè, ngả người trên chiếc ghế sofa êm ái, Lê Thiết Cương chi vào chiếc tủ được dùng làm kệ tivi trước mặt rồi nói về lai lịch của nó, phân tích vì sao nó đẹp và đáng giá tới 1800 USD ở cái thời điểm năm 1997-1998. Chiếc bàn không chạm khắc cầu kỳ mà rất đơn giản nhưng lại tiêu biểu cho giao lưu văn minh Đông Tây.

Nó được người thợ thủ công VN làm từ trước năm 1954. Trông tưởng là đồ Tây nhưng chân bàn là biến thể của chân cẳng hươu của quan niệm mỹ thuật thời Vua Louis XIV ở Pháp. Tuy nhiên ở mép bàn có họa tiết chữ chiện được làm tinh xảo.

"Châu Âu là 1 chuẩn nhưng người mang chuẩn mực đến 1 quốc gia khác thì họ bắt buộc phải làm 2 điều: 1. nhập gia tùy tục và 2. muốn thích nghi thì phải thay đổi. Và chỉ những người tài mới làm được điều đó khi biết bớt mình đi 1 tí để dành cho cái hay của người khác", anh nói.

Chơi đồ gỗ từ lâu và cũng ấp ủ làm một cuốn sách về đồ gỗ VN nhiều năm qua nhưng đến nay giấc mơ này với Lê Thiết Cương vẫn chưa thành hiện thực. Vẫn mong anh sẽ sớm cho ra mắt 1 cuốn sách như thế để giới thiệu tất cả những cái đẹp, cái tinh túy của đồ gỗ Việt vốn không thua kém bất cứ nước nào về độ tinh xảo và tính thẩm mỹ cao.

Chiêm ngưỡng một phần bộ sưu tập đồ gỗ và gốm của họa sĩ Lê Thiết Cương






























Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng