- Đào Anh Khánh đang làm bố của 3 người con, hai trai, một gái. Với anh, vẽ tranh như một định mệnh. Anh tự nhận mình là người đàn ông có hình ảnh khác thường, có thể "mây mưa'' tìm cảm xúc khi xa vợ nhưng vẫn tôn trọng những giá trị bền vững của hai chữ: Gia đình.

Tĩnh quá con người cũng thiếu sức sống...

Đợt này anh sống "ẩn dật" hơn thì phải?

- Tôi vẫn hay nói với bạn bè rằng nếu được lựa chọn tôi thích chọn một môi trường sống mà ở đó người ta được sống một cách toàn diện với đủ các trạng thái khác nhau. Con người tôi có hai chiều. Một là thích tĩnh tại, được nghe âm thanh, nhìn thấy không gian hoàn toàn thiên nhiên. Hai là tôi có thể hoà vào sự ồn ào, năng động. Tất cả những chiều trái ấy tạo cho cuộc sống của tôi đa dạng hơn, phong phú hơn. Nếu tĩnh quá thì con người cũng cảm thấy thiếu sức sống nào đấy.

Những ồn ào của showbiz. Người như anh quan tâm hay quay lưng lại với nó?

- Sự náo nhiệt, không khí nghệ thuật - những sự kiện diễn ra xung quanh, với tôi quan trọng. Nếu tôi chỉ thu mình vào không gian, chỉ có riêng tôi, không có giao tiếp, không đoái hoài gì thì tôi tin tài năng có thể cũng phát triển được nhưng nó không đủ thêm năng lượng mang tính cộng hưởng cộng đồng. Trong người mỗi nghệ sĩ nhiều khi không biết hết nặng lượng của chính họ. Nếu tiếp xúc, mở mang biết đâu còn phát huy được nhiều hơn những năng lượng tiềm ẩn.

Tôi là loại nghệ sĩ muốn nhận được sự giao tiếp của bạn bè trong nước và quốc tế. Vì thế, thời gian qua, tôi dành nhiều thời gian cho những chuyến đi. Tôi đến nước bạn không phải xem họ làm gì rồi nhặt "loè" người làm nghệ thuật trong nước mà những thông tin về nghệ thuật, bầu không khí nghệ thuật, những con đường, những sáng tạo mới tạo cho tôi cảm giác sống trong sự năng động của cộng đồng và tính năng động đó kích thích sự sáng tạo trong con người tôi.

Họa sĩ Đào Anh Khánh

 Nghệ thuật có thăng bậc của nó

Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã thiếu nền tảng trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, nên nói đến đẳng cấp là chuyện xa vời. Nhưng chúng ta cũng đang hao hụt đi những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng để dẫn dắt người thưởng thức. Anh có đồng tình với những điều này không?

- Có một thực tế là đời sống nghệ thuật của chúng ta đang có sự nhầm lẫn, đôi khi cả một cộng đồng công chúng lớn lại bị ảnh hưởng bởi một xu hướng không tiến bộ. Nó không phải là gu tốt nhất, hay nhất cho một sự phát triển lâu dài mang tính cấp tiến. Nhưng không có (hoặc rất ít) tiếng nói nào đánh thức dậy cho người ta nhận ra điều đó. Đôi khi phải có những tiếng nói trái chiều, giúp cho cộng đồng người nghe, đánh giá rõ hơn về giá trị. Với tôi, không nên đánh đồng mọi giá trị như nhau cả. Tuy nhiên, tôi không phải là người thích tham chiến vào các cuộc tham luận về đúng sai của nghệ thuật mặc dù biết đó là việc cần thiết.

Có người từng tuyên ngôn rằng: "Tôi làm nghệ thuật đẳng cấp, nghệ thuật cho số ít người". Theo anh, có phải đẳng cấp thì đồng nghĩa với ít người hiểu? Và đẳng cấp thì không dành cho số đông?

- Tôi không cho rằng những cái có cộng đồng đông thì giá trị thấp và những cái mang cho số ít người thì giá trị cao. Tôi không đặt ra vấn đề này. Nhưng nghệ thuật có thăng bậc của nó. Cái mà người nghệ sĩ làm, dành cho  những người có kiến thức phổ thông - thuộc về số đông và họ thấy happy thì vẫn đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu là một nghệ sĩ tìm tòi, đòi hỏi có một kiến thức nghề nghiệp cao hơn, đem lại một giá trị nghệ thuật thẩm mỹ thì không thể nói là giữa họ và những người làm nghệ thuật bình dân là như nhau.

Chúng ta phải phân biệt rõ điều này. Nếu nói về giá trị đối với con người thì chúng ta không phân biệt nhưng trong các giá trị thì chúng ta phải có những đánh giá để phân biệt đâu là những cái nghệ thuật đẳng cấp đòi hỏi người sáng tạo ra nó và cả người thưởng thức cũng phải có một kiến thức cao hơn, tốt hơn. Nếu chúng ta cứ xoá nhoà những biên giới như thế thì rất nguy hiểm bởi không giúp cho xã hội phát triển được. Luôn luôn đổ đồng, đổ đều - không làm thế được, phải có sự phân định.

Đừng nói tôi "tốn gái", vợ tôi nghe thấy lại... ghen.

Người ta cứ kháo nhau tranh của anh bán rất đắt. Tôi không hiểu nó đắt đến mức nào?

- Thật ra hội họa của Việt Nam chưa đến được thời kỳ để người ta coi nó có thể đem lại giá trị đích thực. Họ nghĩ nó rất đơn giản, chỉ là thứ decor chứ không nghĩ vấn đề sâu xa như tài sản ô tô, nhà cửa... Có một chuyện thật thế này. Lần nọ có một kẻ trộm lẻn vào nhà tôi không lấy thứ gì mà lại chỉ bắt đi một con ngan, một con vịt. Đấy, cứ mang tiếng là một họa sĩ bán tranh giá đắt mà tranh của mình không mất. Bức tranh không có giá trị bằng 1 con vịt. Thật xấu hổ. Giá kể trộm lấy cho tôi bức tranh thì có phải tôi có giá hơn không? (cười tít mắt)

Còn nói đến giá tranh, ở Việt Nam có nhiều thang bậc khác nhau. Giá trị của tranh được nâng lên không chỉ đem lại đồng tiền mà một phần nói lên đẳng cấp người nghệ sĩ. Bán tranh vài ngàn đô khác với triệu đô. Giá tranh của chúng ta bán chục ngàn đô là cao với thu nhập ở Việt Nam nhưng như thế chưa có gì là đặc biệt cả, quá thấp so với giá tranh của các hoạ sĩ thuộc khu vực và trên thế giới.

Anh thường vẽ tranh lúc nào?

- Trong bất cứ lúc nào tôi cũng vẽ được. Tôi nghĩ một hoạ sĩ chuyên nghiệp thì làm việc bất cứ lúc nào chứ không phải chờ cảm hứng lên, trong không gian tĩnh tại thế này thế khác. Đối với tôi tất cả thời điểm nào cũng vẽ tranh được, hát, múa được, không phải lựa chọn không gian, thời điểm. Đương nhiên, làm gì có không gian đúng hơn thì hiệu quả tốt hơn nữa. Nghệ sĩ chuyên nghiệp vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả và cảm xúc lớn.

Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh thực hiện, những người có tính cách nghệ sĩ là những người đa tình nhất. Họ là những người có năng lực sáng tạo dồi dào và cũng hấp dẫn phụ nữ lạ thường. Nếu nói Đào Anh Khánh là người đàn ông "tốn gái" thì anh nghĩ sao?

- Phải thú thực với bạn rằng phụ nữ ngoài đời và phụ nữ trong hội hoạ, không còn là vai trò nữa mà là toàn bộ cảm hứng của tôi. Khi nào không còn cái cảm hứng thần thánh ấy nữa thì dòng cảm xúc cũng tức thời cạn kiệt luôn. Đừng nói tôi "tốn gái", vợ tôi nghe thấy lại... ghen.

Đùa thôi, chứ tôi nghĩ, đàn ông sinh ra phải có đàn bà và ngược lại. Sống xa vợ, đôi khi tôi cũng phải tự biết cân bằng cảm xúc của mình, chứ không cứ mòn mỏi ngồi chờ người tình, người yêu của mình trở về thì buồn lắm. Nhưng dù có "mây mưa", làm gì thì làm cũng phải tôn trọng những giá trị bền vững của gia đình.

Sơn Hà
Ảnh: Mạnh Thắng