TIN BÀI KHÁC
Nghệ sĩ Việt biểu diễn cùng Dàn nhạc thính phòng Vienna
Ngô Phương Lan “khoác tay” siêu đầu bếp Pháp dạo Hà Nội
Tái hiện Xẩm tàu điện tại Hà Nội
“Bí quyết” giúp phim Hàn đẩy lùi Hollywood
Ngô Phương Lan “khoác tay” siêu đầu bếp Pháp dạo Hà Nội
Tái hiện Xẩm tàu điện tại Hà Nội
“Bí quyết” giúp phim Hàn đẩy lùi Hollywood
"Những khuôn mặt được trang điểm" là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Văn Cường sau hàng loạt những triển lãm hợp tác trong và ngoài nước. Triển lãm gồm 22 bức tranh sơn dầu của họa sĩ sinh năm 1976, giảng viên đại học Mỹ thuật. Anh từng đoạt giải nhất tại cuộc thi "Dogma - chân dung tự họa" hồi năm ngoái và đã trưng bày tranh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Anh Quốc...
Cố PGS. họa sĩ Nguyễn Lương Tiểu Bạch từng nhận định về
tranh chân dung của Cường như sau: "Diễn tả sâu sắc, bút pháp thoải mái
mà vững vàng, lột tả được tính cách nhân vật. Những con người ấy gần gũi
như ta đã quen, đã gặp ở đâu rồi. Tuy chỉ dùng màu kiệm mà không nặng
nề, vẫn trong trẻo, thanh thoát..." |
Anh đã có được kinh nghiệm gì sau khi đã triển lãm tại Manila, Seoul, Tokyo hay London?
- Nó đã giúp tôi nhìn được rộng hơn, nghĩ được dài hơn về cuộc sống, về con người, thông cảm được với bi kịch của "người trang điểm" và "người phải trang điểm".
Trong các phố đèn đỏ ở Anh, những cô gái phải làm đẹp mình để kiếm sống. Đó cũng là một loại bi kịch, dù là cách tiếp cận cuộc sống của riêng họ. Xét trên một khía cạnh nào đó, điều này hoàn toàn có thể thông cảm, chia sẻ được. Tôi không coi thường mà có đôi chút cảm thương với thân phận của họ.
Không phải chỉ có ở Anh, ở Malaysia, Philippines, Thái Lan.... đều như vậy cả. Và tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng thế, có điều không rõ ràng, minh bạch ra thôi. Ở nước ngoài, cách nhìn cuộc sống của họ thẳng lắm. Một cô gái điếm sẵn sàng nhận mình là gái điếm. Đó là một đặc trưng.
Còn ở Việt Nam, như tôi đã nói, con người thường hay giấu mình đi. Có những người không có tri thức lắm thường bị tổn thương vì điều đó, có khi họ mua bằng cấp để "trang điểm" cho mình.
Như vậy, những cô gái trong bức họa của anh có thể là những gương mặt anh đã từng chứng kiến và ngẫm ngợi lại, chứ không hẳn là mẫu thực?
- Những cô gái biểu đạt mình bằng muôn vàn phương cách. Chân dung một người con gái có thể nhìn hoàn toàn từ phía sau, hoặc thậm chí "nhìn" bằng cách nghe những gì họ nói từ xa. Đó là cách nhìn của người làm nghệ thuật chứ không phải copy thực tế.
Tất cả những người này không phải là những con người cụ thể, nhưng hình bóng họ phảng phất ở đâu đó, trong một cô gái nào đó mà tôi đã đi ngang qua, nhìn thấy và quan sát.
Có một đặc điểm là họ đều nhìn thẳng vào người đối diện, rất tự tin, thậm chí có cảm giác như cô ấy nói "Bạn đang nhìn tôi đấy à, bạn thấy tôi có đẹp không, có thông minh không?". Người phụ nữ trong thời đại này cần mạnh mẽ và năng động hơn nữa. Đây là một xu hướng. Tôi không phê phán chuyện trang điểm. Quan trọng là nó có thuận với bạn hay không.
|
Anh bị người phụ nữ hấp dẫn ở điểm gì?
- Nữ tính. Nhưng đó là nữ tính hiện đại chứ không nhất thiết phải áo dài, tóc dài. Đối với tôi nữ tính là những gì trái ngược với nam tính.
Có phải anh thể hiện điều đó qua đôi mắt trong sáng và đôi môi gợi cảm?
- Đúng vậy, chúng rất nữ tính. Và trên khuôn mặt, đó cũng là những điểm gợi cảm nhất.
Tại sao anh lại vẽ những gương mặt trông rất trong sáng này đi kèm với mái đầu trọc, tiền bạc hay những hình xăm?
- Người phụ nữ bây giờ phải bày tỏ được cá tính và theo đuổi mục đich của họ. Họ xăm trổ, cạo trọc không phải chỉ để làm đẹp mà còn để người khác nhìn thấy họ là ai, qua hình thức biểu hiện. Tôi muốn người phụ nữ đẹp, trong sáng nhưng vẫn bộc lộ được cái riêng của mình. Với những ngành nghề đặc trưng như giới showbiz, giới nghệ thuật hay một người tự tin, có địa vị xã hội... sẽ có một lối trang điểm khác với người phụ nữ thông thường. Họ làm điều đó để phù hợp với chính họ. Tôi không "định hướng" tích cực hay tiêu cực qua việc trang điểm, nó phụ thuộc vào động cơ và mục đích của người trang điểm.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nói rằng mong anh sẽ vẽ phóng túng, tự do hơn. Anh có nghĩ mình hợp với ý này?
- Nên theo. Vì điều đó phù hợp với tự nhiên, không sắp đặt. Tôi đang hướng tới điều đó. Tranh của tôi không "tả kể" đâu, cũng tự nhiên, đơn giản. Tôi rất lưu ý lời này của anh Cương.
Họa sĩ Nguyễn Văn Cường tại triển lãm "Những gương mặt trang điểm" |
Anh có mục tiêu gì cho mình trong thời gian sắp tới?
- Tôi muốn mình có thể tiếp tục vẽ và sống được bằng nghề. Phải nhấn mạnh ý này vì nếu họa sĩ không thể sống được bằng nghề thì không thể chuyên nghiệp được, họ phải đi làm điều khác.
Tôi luôn luôn là người muốn tranh của mình phải hấp dẫn người xem. Mỹ thuật là ma thuật, là nghệ thuật của thị giác, vì vậy nó phải hấp dẫn mắt người. Yếu tố thông điệp không quan trọng bằng hình thức. Khi đã có hình thức hấp dẫn, mình gửi gắm thông điệp mới có giá trị truyền tải. Nếu người xem phải xem một bức tranh ghê rợn thì có khi sẽ không còn dám nhìn, hay dám nghĩ đến nó nữa.
Muốn đạt được yếu tố "Mỹ", người làm phải là một người có tư duy rất hạnh phúc, vị lai, muốn chia sẻ niềm vui với mọi người. Bản thân tôi có những bi kịch cá nhân, nhưng không bao giờ đem vào tranh. Không có gì độc ác hơn là chia sẻ nỗi đau với người khác. Hãy chia sẻ những gì ngọt ngào nhất.
"Không có gì độc ác hơn là chia sẻ nỗi đau với người khác"?
- Tôi nghĩ vậy! Chia sẻ nỗi đau và bắt người ta phải cảm thông, đó là sự độc ác. Bạn bày tỏ nỗi đau, người khác làm vơi được nó đi thì tốt; nhưng nếu bạn thấy cuộc sống có nhiều bi kịch mà cứ nói về điều đó, thì đó là sự reo rắc bi kịch rồi.
Tôi ví dụ về thực trạng môi trường. Ai cũng biết về điều này. Nhưng khi ra đường đã bụi, vào phòng tranh họa sĩ còn vẽ rác thì có phải là là rất chán không? Hãy vẽ những bông hoa hồng để còn chút ít gì gỡ lại những điều đáng buồn trong cuộc sống.
Xin cảm ơn họa sĩ!
Một số hình ảnh tại triển lãm "Những gương mặt được trang điểm" - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 22 đến ngày 29/10/2012.
|
Cận cảnh một bức tranh |
|
|
Toàn cảnh tại triển lãm |
Ảnh: Angellittlefire