- Các ứng viên hàng đầu của giải Oscar thường là nạn nhân của những trò nói xấu, đâm thọc sau lưng.

The King’s Speech bị nói xấu
Gần 6 ngàn thành viên của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ hiện đang tiến hành bỏ phiếu kín để các nhân viên kiểm phiếu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers tiến hành thu thập dữ liệu. Các đề cử sẽ được giữ bí mật cho tới khi cơn sốt háo hức gia tăng vào trước đêm ngày 27/2 khi kết quả được truyền đi trực tiếp trên truyền hình cho hàng triệu người xem.

Đây cũng chính là thời điểm mà các trò nói xấu, đâm thọc sau lưng - vốn bị kết tội là cách vận động hành lang thô thiển và kém trí tuệ - bắt đầu phát tác. Nạn nhân của mùa giải năm nay không ngoài dự đoán, chính là bộ phim dẫn đầu với 12 đề cử - The King’s Speech (Bài diễn thuyết của nhà vua).

Blogger nổi tiếng ở Hollywood Scott Feinberg vừa trích dẫn một email nặc danh nói là của một người bỏ phiếu cho Oscar rằng bộ phim đã lờ đi vai trò của vua George VI trong việc ngăn cản người Do thái chạy trốn khỏi Đức quốc xã.


“Tôi là một thành viên viện hàn lâm, rất nhiều thành viên sẽ không bỏ phiếu cho The King’s Speech vì lý do này”, email viết. Feinberg suy luận rằng bức thư này có thể là một phần của “chiến dịch dàn xếp bôi xấu đối thủ”.

Thời điểm này năm ngoái, Nicolas Chartiernhà sản xuất của The Hurt Locker (Người chặn thương vong, giải Oscar phim xuất sắc nhất) đã bị chỉ trích dữ dội khi gửi email “khuyên” các thành viên Viện hàn lâm không nên bầu chọn cho bộ phim đối thủ Avatar. Kết quả là ông này đã bị cấm tới dự đêm trao giải, chưa kể phải gửi thư xin lỗi vì hành động này.

Năm 2003, kinh đô điện ảnh từng “nóng” lên trong thời điểm này khi tập tài liệu ghi lời khai của đạo diễn Roman Polanski bỗng dưng bị “xì” ra. Hay như năm 2008, Triệu phú khu ổ chuột với 10 đề cử cũng bị cáo buộc “đã trả công rẻ mạt cho các diễn viên nhí được thuê từ các khu ổ chuột ở Mumbai, Ấn Độ”.

Kiến Quân