- Sứ mệnh của một nhà thơ là thức tỉnh lương tâm, tình yêu và lòng trắc ẩn của con người.

TIN BÀI KHÁC

Nước Nga vẫn là một điều gì đó vô cùng thân thương trong tâm trí những tri thức Việt của thế kỉ trước. Rất nhiều tri thức thành đạt đã có mặt trong buổi ra mắt tập thơ mới nhất "Một thời tôi từng có" của Nguyễn Huy Hoàng - nhà thơ Việt trở về từ nước Nga.


Tập thơ "Một thời tôi từng có" vừa ra mắt tại Việt Nam

Nguyễn Huy Hoàng đã xa Tổ quốc đã gần 30 năm, vắt qua 2 thế kỉ. Là tiến sĩ Ngữ văn, đồng thời là một người thầy đứng trên bục giảng, ông đã đóng góp cho nền văn học nước nhà 8 tập thơ kể từ năm 1995, ngoài ra còn có các tác phẩm như "Lịch sử văn học Nga thế kỉ 19" (1988), "Thi pháp truyện ngắn Gogol" (2001), kí sự "Đếm bước cuộc hành trình" (2012).

Khán phòng của buổi ra mắt tập thơ chật kín người hâm mộ, yêu thơ và bạn cũ. Họ hát những bài hát về nước Nga, tự hào về tiếng Nga và thời thanh niên tươi đẹp. Một người bạn của nhà thơ nói: "Nguyễn Huy Hoàng viết "Một thời tôi từng có", nhưng cũng có thể nói đó là một thời chúng tôi từng có".

Đã 19 năm kể từ khi cô con gái Quỳnh Nga bị lạc tại thành phố Sochi, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng vẫn nhớ đó là ngày 1/8/1993. Sau ngày định mệnh ấy, ông ở lại nước Nga làm việc chờ đợi, không nguôi niềm hy vọng, ấp ủ trong tim nỗi đau buồn. Ngoài những dòng thơ viết cho con gái, trái tim ông cũng chứng kiến những nỗi khổ đau khác của người đời, những người không cùng dòng máu Việt.

Nhà thơ, tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Huy Hoàng tại thư viện Hà Nội (05/11/2012)

Gần 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Huy Hoàng vẫn làm việc liên tục, tích cực. Ông viết thơ như thể người ta viết nhật kí, ghi lại những xúc cảm trước sự biến chuyển của thời gian, những số phận người nghèo khổ, hoang mang trên đất nước Nga rộng lớn, cùng với đó là nỗi nhớ thương nước Việt khôn nguôi.

Nguyễn Huy Hoàng thổ lộ, tập thơ mới nhất của ông dành những người yêu nước Nga, đã từng sống và học tập tại nước Nga hay gắn bó với văn học Nga. Tuy nhiên khi đọc từ những bài thơ đầu tiên đến cuối cùng của tập thơ hơn 200 bài, người ta thấy tác phẩm có độ phổ quát hơn thế.

"Tôi viết với sự chứng kiến và cảm nhận cay đắng thật lòng của bất cứ ai đã từng sống ở nước Nga vào những năm hậu Xô Viết đầy thiếu thốn và bất trắc, không nơi bấu víu. Không chỉ ở Mátxcơva mà dường như khắp cả nước Nga mênh mông đều rơi vào trong cơn hỗn loạn, đâu đâu cũng lẩn quất sự hiểm nguy rình rập với nạn khủng bố tràn lan, sự trỗi dậy của lớp người Nga mới sau chính sách tư hữu hóa, một tâm trạng tuyệt vọng, bế tắc bao trùm lên cuộc sống của xã hội Nga" - nhà thơ bày tỏ.

"Mátxcơva - thiên đường cao vòi vọi
Của lớp người gặp vận, mới phất lên!
Mátxcơva, đáy thẳm sâu cơ cực
Của những người Nga nhỏ bé, thấp hèn!

 Bao quý ông từng ôm hôn cờ đỏ
Thấy cảnh ăn xin, giờ chẳng động lòng
Đám thanh niên kẻ say mê băng nhóm,
Kẻ phớt đời trước mọi cảnh hưng vong
"

(Trích "Mátxcơva bây giờ đã khác")

Năm 2004, nước Nga to lớn đã vươn mình vượt qua cơn khủng hoảng và bất ổn ngày nào, nhưng dường như những người nghèo vẫn còn đó, không chốn dung thân. Tại ga Kiev vào đúng ngày Giáng sinh, Nguyễn Huy Hoàng tiếp tục viết:

"Đám người ăn xin đứng dọc lối vào ga
Những khuôn mặt âu sầu tím lạnh

Dăm bà cụ giơ ngang đầu ảnh thánh
Vài tấm bìa, mảnh giấy kể nguồn cơn.

Người phế binh, ngực lủng lẳng huân chương
Bùn lấm áp nơi ống quần buộc túm.

Người mẹ trẻ ôm đứa con vàng bủng
Mắt thâm quầng, chân buông thõng khẳng khiu.

Ông già mù miệng lẩm bẩm đâu đâu
Tay run rẩy chìa hoài về phía trước.

Kẻ tật nguyền quấn chăn nằm một góc
Chiếc mũ lông lăn lóc để bên mình.

Phía cuối đường túm tụm đám Digan
Vừa xem bói, vừa xin tiền bố thí.

Kéo ac cooc, một anh gù thấp bé
Thở dập dồn, cổ chằng chịt gân xanh.

Người chị gầy dắt díu một đàn em
Bố mẹ mất, ngửa tay chờ thiên hạ....

Tôi đi giữa cơn xoáy ngầm bể khổ
Cảnh cơ hàn, tủi cực cuộc mưu sinh
Ở đâu hỡi, nơi ứ thừa no đủ
Hãy về đây, xem những kiếp dân tình!
" ("Lối vào ga" 25/12/2004)

Phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện ngắn với nhà thơ vừa trở về từ xứ sở bạch dương.

Những người nghèo ở nước Nga hiện nay ra sao, thưa ông?

- Sau "Mátxcơva bây giờ đã khác" tôi có viết thêm "Làng quê một thưở" và "Ga Kiev". Trong những năm 90, cảnh tượng như vậy diễn ra rất nhiều. Sau khi nước Nga Xô Viết tan rã người lao động mất hết quyền lợi trước kia. Từ nông thôn, tất cả mọi người kéo về thành thị. Họ bị lạc lõng trong xã hội mới, không nơi bấu víu - như bạn đã thấy về em bé ăn xin không cha mẹ ngủ ở ga tàu điện ngầm.

Một nhà thơ Việt Nam có nói: "Tôi đứng về phía những người nghèo khổ". Tôi cũng là đi theo điều đó.

Hiện nay, những người Nga bắt đầu được đảm bảo cuộc sống hơn, người lao động bắt đầu nhìn thấy tương lai. Những cảnh nghèo vẫn còn nhưng dần dần sẽ đổi khác. Nhìn lại những hình ảnh đáng thương, đau buồn ấy để ta thêm quý, thêm trân trọng giai đoạn mới hơn.

Khi trở về nước, ông có thấy những số phận tương tự tại Việt Nam?

- Trong giai đoạn hiện nay, quả thật ở Việt Nam vẫn còn những điều bất cập trong việc sắp xếp lại sản xuất. Người dân ở nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Những người Việt ở nước ngoài - đặc biệt là các doanh nhân - phải nhìn thấy trách nhiệm ở đó, tìm cách tạo điều kiện, công ăn việc làm. Người Việt cũng phải phát huy thế mạnh cần cù, sáng tạo trong công cuộc hội nhập.

Dường như cảm xúc của ông này sinh từ mọi nơi ông đi qua. Vậy ông ghi lại chúng, viết lại chúng vào thời gian nào?

- Tôi có một thói quen xấu: ban ngày làm việc, ban đêm ngồi viết một mình. Đây cũng là chuyện hơi lạ lùng ở nước Nga. Có câu thơ  "Người ta đi kiếm giàu sang cả, tôi thì mơ toàn chuyện viển vông" - tức là chỉ làm thơ trong cuộc sống tất bật, xô bồ. 

Họ hỏi tôi: "Chắc cuộc sống của anh khó khăn lắm?". Tôi nói người trồng hoa có niềm vui trồng hoa, người gặt lúa có niềm vui gặt lúa. Tôi làm thơ và cũng coi đó là một niềm vui.

Rất nhiều bạn bè, học trò, đồng nghiệp, cả cô giáo cũ của ông cũng đến chia vui với ông ngày hôm nay. Cảm xúc của ông ra sao?

- Cảm xúc của tôi nhiều lắm. Có thể nói mấy điều này. Thứ nhất: tôi thấy nước Nga vẫn để lại dấu ấn rất sâu trong lòng người Việt. Thứ hai: một số người nói văn hóa đọc bắt đầu bị tàn lụi, chỉ còn văn hóa nghe, văn hóa nhìn... nhưng qua buổi hôm nay tôi thấy người ta vẫn dành cho thơ một sự ưu ái. Người yêu thơ và người đọc thơ vẫn rất nhiều. Thứ ba: tôi mong thời gian tới nước Nga sẽ ngày càng hùng cường, tình cảm gắn bó của nước Nga với nước Việt sẽ nhiều hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!


Vân Sam
Ảnh: Angellittlefire