- Lần đầu tiên có một liveshow cho riêng mình, nhạc sĩ Dương Thụ bảo ông không dám nhận đó là đêm nhạc hay nhất nhưng cùng với các ca sĩ, nhạc công... ông sẽ cố gắng làm được những điều tử tế về âm nhạc dành tặng cho các khán giả thủ đô... và ông đã làm được điều đó trong sự ngưỡng mộ của nhiều người.

Vắng Bằng Kiều vì ca sĩ này không thu xếp được thời gian trở lại Hà Nội, Thanh Lam cũng vắng mặt ở đêm đầu tiên vào phút chót vì lý do bất khả kháng  làm giám khảo đêm chung kết xếp hạng Ngôi sao tiếng hát truyền hình tại TP. HCM nhưng những ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Nguyên Thảo, Trọng Tấn và Hà Linh đã làm rất tốt vai trò của mình. 
 
Thế mạnh của Tùng Dương là chất giọng trời phú kết hợp với nội tâm của một con người hiện đại và một mặt bằng văn hoá vào loại tốt nhất so với các ca sĩ cùng lứa. "Mong về Hà Nội" - ca khúc từng được Ngọc Tân, Hồng Nhung, Trọng Tấn... thể hiện thành công nhưng bằng cách xử lý sáng tạo của mình Tùng Dương đã để lại những ấn tượng mạnh cho người nghe.
Phần trình bày của Tùng Dương
 
Thậm chí với một ca khúc mới như "Điều còn mãi" phối theo phong cách semi classic, Tùng Dương cũng làm hài lòng chính tác giả và đông đảo khán giả thủ đô. Nhạc sĩ Dương Thụ bảo rằng không phải vì thấy khán giả vỗ tay nhiều cho Tùng Dương mà ông khen đâu nhưng thực sự thì đây đúng là "nam ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam".
 
Giọng hát Nguyên Thảo rất hay nhưng không lạ nếu hát chân phương, mộc mạc. Tuy nhiên khi cô cất giọng hát "Mơ về mẹ" người nghe tinh tế sẽ khám phá ra sự độc đáo ẩn sau sự bình dị. Cô hát nhẹ như gió, mong manh và bay bổng nhưng rồi có thể đột ngột chuyển sang chất giọng vang như chuông, làn hơi dày và khỏe đến mức đáng khâm phục.
 

Clip Nguyên Thảo thể hiện "Im lặng".

Đi qua nhiều mạch ngầm của cảm xúc trong đời sống và tình yêu, Hồng Nhung đã thể hiện "Họa mi hót trong mưa" nồng nàn và mãnh liệt. Đẳng cấp và độ chín về nghề được Hồng Nhung thể hiện rõ nét trong xử lý ca khúc, câu chuyện của Hồng Nhung được phát triển từ từ với nhiều thang bậc tình cảm, nút thắt được đẩy lên cao trào trong lần hát cuối cùng. 
 
Giọng hát tràn đầy xúc cảm của Bống làm cả khán phòng lặng đi trong giai điệu nồng nàn tha thiết: "Vì sao lại chia tay, vì sao chẳng trở về / Vì sao ngừng mê say, vì sao chẳng mãi mãi...". Nhạc sĩ Dương Thụ có một người con gái mất năm 17-18 tuổi. Có thể bài hát này cũng có phần dành cho cô con gái ấy và Hồng Nhung như đọc được sự trầm buồn trong nhạc của Dương Thụ. 
 
Mỹ Linh hát nhạc Dương Thụ hay nhất là khi cô hát tự nhiên, để cảm xúc phiêu linh trôi theo từng câu hát như tình cảm mộc mạc cô dành cho vị nhạc sĩ đáng kính của mình. Phần song ca "Gọi anh" của nữ diva này với Tùng Dương cũng khiến khán giả thực sự thích thú bởi sự hoà quyện tuyệt vời để có những phút giây thăng hoa trên sân khấu.
Tùng Dương và Mỹ Linh thăng hoa trong "Gọi anh"
 
Dương Thụ xuất hiện vào phần cuối chương trình và trải lòng rằng ông học nhạc vì yêu nhạc chứ không có giấc mơ làm nhạc sĩ. Ông kể rằng thuở nhỏ từng cùng cánh bạn trèo qua ống nước và bị ngã khá đau để vào Nhà hát Lớn xem ca nhạc nhưng chẳng bao giờ dám nghĩ có một ngày mình sẽ được đứng tại đây để thực hiện một chương trình của riêng mình.
 
Ông đến với âm nhạc như một cái duyên của định mệnh. Và dù không tự nhận nhưng quả thực nghe nhạc của Dương Thụ, người nghe cũng thật khó nhầm lẫn với các tác phẩm khác bởi ca từ thường nhẹ nhõm, trong sáng, đôi khi có một cái gì đó man mác buồn nhưng không bi lụy, khắc khoải, trúc trắc bởi giai điệu nhưng không sướt mướt và quá uỷ mị.
 
Âm nhạc của Dương Thụ (dù không mang một sứ mạng to tát nào) nhưng ít nhiều đã góp phần mang đến cho công chúng một diện mạo âm nhạc mới, đủ mạnh mẽ để níu giữ lòng người giữa một thế giới âm nhạc còn nhiều nhộn nhạo. Và có lẽ điều đáng quý của người nhạc sĩ này là dù đầu đã điểm hai thứ tóc, tuổi bước sang ngưỡng 70 nhưng vẫn khám phá, dằn vặt, vẫn muốn làm hơn nữa, những gì mình đã và chưa làm...
 
Nhạc sĩ Dương Thụ trò chuyện phần cuối đêm nhạc.
  
"Nhiều người bảo văn hoá của chúng ta xuống cấp quá rồi. Làm sao mà xuống cấp được nữa. Thôi thì chúng ta phải leo dốc trở lại tôi. Với cá nhân tôi, vẫn luôn có lòng tin vào những người trẻ. Nếu như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung đã điền vào chỗ trống cho nền âm nhạc tưởng rằng sẽ có "khoảng trống" thì ngày nay thế hệ sau như Tùng Dương, Nguyên Thảo... cũng rất đáng tin tưởng. 
 
Người nhạc sĩ sáng tác cũng thế. Sau thế hệ của tôi, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương... tôi thấy có những đội ngũ kế cận rất tâm huyết và có tài năng như Anh Quân, Quốc Trung, Huy Tuấn, trẻ hơn có Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh, trẻ hơn nữa lại có Nguyễn Đức Cường..." - nhạc sĩ Dương Thụ trải lòng.
 
Đêm nhạc của nhạc sĩ Dương Thụ sẽ trọn vẹn hơn nếu phần âm thanh một vài tiết mục mở màn không bị giảm lượng hơi nhỏ và "nhân vật chính" tâm sự ngắn gọn không diễn giải đến cả nửa tiếng đồng hồ về các ca sĩ, khách mời,... ở phần cuối chương trình khiến đạo diễn Việt Tú - người trước đó đã chỉ đạo từng thước hình, từng line ánh sáng khá chọn lọc và tinh tế đã phải "đứng ngồi không yên" vì khâu chia sẻ hơi dài so với kịch bản dự trù.
 
Một số hình ảnh trong liveshow "Câu chuyên âm nhạc của Dương Thụ":
 
Phút phiêu linh của Nguyên Thảo trong "Bóng tối ly cà phê"
Hồng Nhung và Mỹ Linh hoà giọng với "Lắng nghe mùa xuân về"
Hồng Nhung với "Hoạ mi hót trong mưa"
 
Hà Linh đầy khát khao và mạnh mẽ trong "Bài hát ru cho anh"

Trọng Tấn với "Trở về".

Tùng Dương, Nguyên Thảo, Hồng Nhung cùng hoà giọng. 

Các ca sĩ tham gia cùng cất tiếng hát
Nhạc sĩ Dương Thụ nói lời cảm ơn tới các khán giả Hà Nội.
 
Sơn Hà
Ảnh, clip: Mạnh Thắng