- Ngày ấy, đoàn làm phim đã thử rất nhiều diễn viên nổi tiếng nhưng chỉ khi tới Đức Lưu, cả đoàn làm phim mới thốt lên rằng: "Thị Nở đây rồi".


Cho đến nay, "gia tài" của NSƯT Đức Lưu chỉ vỏn vẹn với 2 vai chính đó là vai Mận trong Cô gái công trường và Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy. Nhưng chỉ với 2 vai ấy,  bà đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Đã gần 30 năm trôi qua, không hề xuất hiện trong bất cứ một bộ phim nào nhưng NSƯT Đức Lưu vẫn luôn đau đáu với nền điện ảnh nước nhà.

Từng yêu tha thiết nhà thơ Chính Hữu

Nguyễn Thị Đức Lưu quê ở xứ Đoài. 15 tuổi đã thoát ly gia đình vào Bộ đội làm hộ lý băng bó vết thương phục vụ thương bệnh binh trong Trung đoàn 151, Bộ Tư lệnh Công binh. Có chút năng khiếu văn nghệ, chỉ sau một năm công tác ở Trung đoàn 151, Đức Lưu chuyển sang Đoàn ca múa II thuộc Tổng cục Chính trị. Tại đây, chị gặp Đoàn trưởng, nhà thơ Chính Hữu, tình yêu của họ nảy nở mặc mưa bon bão đạn. Năm 1955, cả hai cùng về thủ đô Hà Nội chuẩn bị làm lễ thành hôn. Nhưng rồi vào một ngày định mệnh, họ đã chia tay nhau mãi mãi.

NSƯT Đức Lưu khi còn trẻ

NSƯT Đức Lưu nhớ lại, năm 1959 chị  thi trúng tuyển vào Trường Điện ảnh Việt Nam học lớp diễn viên khóa I. Ra trường chị được về Hãng phim truyện Việt Nam làm diễn viên. Trước khi ra trường, chị cùng các diễn viên điện ảnh cùng khóa đi thực tế ở nông trường Rạng Đông, Hải Hậu, Nam Định. Mải lao động nên ngày thứ Bảy, Chủ nhật do lỡ chuyến xe chị không về kịp tìm gặp người yêu. Và chị không ngờ họ chia tay nhau mãi mãi từ đó.

Nhận vai Thị Nở vì không ai dám nhận

Tình yêu đầu tiên tan vỡ, Đức Lưu lao vào công việc để quên đi sự buồn phiền. Rồi chị gặp anh Trần Hạ Phương tại lớp học tiếng Anh, cả hai mau chóng đồng cảm và yêu nhau. Họ nên duyên vợ chồng không lâu sau đó. Chồng chị là nhà khoa học nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, anh luôn động viên và góp ý cho chị trong diễn xuất.

Sau thành công với vai cô Mận trong bộ phim “Cô gái công trường”, chị được đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa giao cho vai Thị Nở. Ngày ấy, đoàn làm phim đã thử rất nhiều diễn viên nổi tiếng nhưng chỉ khi tới Đức Lưu, cả đoàn làm phim mới thốt lên rằng: "Thị Nở đây rồi".

Dẫu vậy, đạo diễn Phạm Văn Khoa vẫn "lăn tăn" gọi Đức Lưu ra hỏi: Thị Nở xấu thế không biết Đức Lưu có đủ can đảm để đảm nhận vai này được không? "Em chỉ sợ không đủ tài năng thôi chứ xấu mấy em cũng đủ can đảm để hóa thân", Đức Lưu quả quyết.

Và NSND Nhữ Đình Nguyên chính là "phù thủy" đã phù phép cho Đức Lưu từ một khuôn mặt đầy đặn phúc hậu trở thành "người phụ nữ xấu nhất Việt Nam".

Nhân vật Thị Nở đã đem về danh tiếng cho NSƯT Đức Lưu

Những lần có cảnh quay, Đức Lưu phải dậy từ 2h sáng để hóa trang. Trong một cảnh quay Thị Nở phải ra sông lấy nước trong một buổi tối trăng sáng vằng vặc, lúc đó soi thấy bóng mình dưới sông, Đức Lưu đã không nín được cười vì không ngờ mình xấu thậm tệ đến vậy. Cười sặc sụa khiến hàm răng giả của chị rơi xuống nước, anh em trong đoàn làm phim phải mò mãi mới tìm thấy.

Vinh tủi từ vai Thị Nở

Cuộc đời đúng là đã đem đến cho Đức Lưu một ân huệ- đó là vai diễn Thị Nở. Tuy nhiên, cái ân huệ đó không phải lúc nào cũng ngọt ngào đối với một người nghệ sĩ. Hàng ngày, có biết bao nhiêu người qua lại nhà chị và chỉ trỏ "Đấy, nhà Thị Nở đấy", "Thị Nở đi chợ à"... Đến chồng chị cũng bị mất tên, ai cũng gọi anh Phương là Chí Phèo. Hai con trai của chị vì bị gọi là con của Thị Nở, Chí Phèo, tức quá đánh bạn nên suýt không được vào Đoàn

Tuy nhiên, trong cái tủi ấy cũng có cái vinh. Một lần khi sang Matxcơva giao lưu với hơn 500 công nhân Việt Nam, khi biết chị từng đóng vai Thị Nở, họ đã công kênh chị lên. Ngay cả vị Đại sứ Nga khi gặp chị cũng đùa rằng: "Cho tôi xin bát cháo hành chị Lưu ơi".

Sẵn sàng cho sự ra đi

Vai Thị Nở là vai cuối cùng trong nghiệp diễn viên của Đức Lưu. Sau vai diễn này Đức Lưu chuyển sang làm công tác tại ban Dân vận Thành ủy Hà Nội. Nhưng dù không hoạt động nghệ thuật, chị vẫn luôn đau đáu về nền nghệ thuật nước nhà.

Chị bảo, nghệ sĩ trẻ bây giờ không dám xả thân vì vai diễn, lên phim lúc nào cũng thích đẹp. Đẹp phải tùy vai, ai lại đi đóng một người nông dân chân lấm tay bùn mà son phấm lòe loẹt. Kịch bản bây giờ cũng không có nhiều kịch bản hay. Mới đây thôi, chị nhận được một kịch bản, đọc xong chị từ chối ngay vì thấy nó nhảm nhí mặc dù với kịch bản này, chị đã được hứa trả cát sê 20 triệu đồng cho 2 ngày quay.

Dù đã ngoài 70 tuổi, NSƯT Đức Lưu vẫn còn giữ được nét đẹp đằm thắm của người con gái xứ Đoài

Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy chăm Chí Phèo rất tận tình lúc ốm. Ngoài đời, chị cũng chăm chồng mình như vậy. Suốt gần 5 năm trời ròng rã, chồng chị - GS-TS Trần Hạ Phương bị tai biến, sống đời thực vật nên chưa một ngày nào chị dám đi chơi xa mà chỉ cũng quẩn quanh bên chồng. Đến bây giờ, khi ông mất được gần 100 ngày, chị vẫn ngày đêm hương khói cho chồng.

Con cái lớn khôn, lại có cổ phần trong trường Kinh doanh công nghệ nên kinh tế không còn là vấn đề lớn, NSƯT Đức Lưu bây giờ chỉ chuyên tâm vào đọc Kinh Phật. Chị ngộ ra được nhiều điều từ lời dạy của Phật. Trước chị không tin có ma quỷ, có kiếp sau, có nhân quả nhưng giờ chị tin hết. Với chị, cái chết bây giờ nhẹ tênh. Chị cũng đã chuẩn bị cho mình một ngôi mộ khá khang trang bên cạnh chồng mình, chị hy vọng lúc nằm xuống chị và chồng lại được đoàn tụ. 

Tình Lê