- "Em thích nghe nhạc phim Hàn Quốc nên hay xem phim Hàn Quốc. Có lúc xem phim mà em khóc. Con gái Hàn Quốc cũng xinh...", tài năng pianist trẻ Nguyễn Việt trung chia sẻ.
Bác Đặng Thái Sơn nói em nên đi các bảo tàng
Sinh ra trong một gia đình không ai có thiên hướng nghệ thuật, cơ duyên
nào đưa Trung đến với âm nhạc?
- Năm 5 tuổi bố mẹ đưa chị gái đi học đàn nhưng vì không có ai trông nên đưa cả em đi theo cùng. Trong khi chị học, em ngồi trên salon theo dõi. Chị vừa dừng đàn, em liền mon men tới dạo lại giai điệu, bà giáo ngạc nhiên về khả năng của em nên khuyên bố mẹ nên cho em học đàn.
Hai năm sau khi học em đã đạt một giải thưởng lớn dành cho trẻ em ở Ba Lan nhưng phải đến khi em học lớp 6 chuyển sang lớp 7, ba mẹ mới quyết định cho em theo học đàn để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thuở bé ước mơ của em là trở thành cầu thủ bóng đá nhưng anh trai bảo công việc đó phải có chiều cao và sức khỏe tốt nên em quyết tâm học đàn và muốn mình trở thành nghệ sĩ đi biểu diễn khắp thế giới.
Nguyễn Việt Trung |
- Phải nói rằng chú Sơn là người rất giỏi, như ngọn núi để em với. Chú luôn khuyên em nên đi xem các bảo tàng. Trong lúc đánh đàn thì trong đầu phải đặt câu hỏi tác phẩm này ra sao? Nó nói lên điều gì?... Ngoài đời chú Sơn là người sống ngăn nắp, cẩn thận. Cái này em còn yếu.
Tháng 4 vừa qua khi em qua Canada học thêm chú. Chơi không đạt như ý chú muốn, chú Sơn hơi cáu và nói: "Tập thế này thì thi trượt là chắc". Em có hơi tự ái và về nhà dành thời gian tập nhiều hơn. Đến khi chơi lại chú Sơn nói: "Thi thoảng phải cay mũi tí mới khá lên được".
Có khi nào bạn nghĩ mình sẽ phấn đấu làm sao để bằng hoặc vượt người thầy Đặng Thái Sơn?
- Có, em từng nghĩ tới. Em cũng muốn vượt cả nghệ sĩ Lang Lang. Nhưng để được như chú Sơn thì em phải hi sinh tất cả, trong đó có cả bóng đá - môn thể thao em yêu thích. Nói thật là em vẫn chưa được chăm lắm. Vẫn hay ngủ dậy muộn, 10h chẳng hạn và không dậy sớm từ 6h tập đàn trước khi ăn như một số bạn bè khác. Cái này chắc em sẽ phải rút kinh nghiệm từ từ.
Muốn mở một trường nhạc ở Việt Nam
Có điều gì bạn muốn thực hiện và làm được trong tương lai?
- Với người thân thì em có một lời hứa với bố nhưng chưa thực hiện được. Bố em hay hút thuốc lá, em không thích ngửi mùi thuốc, hút thuốc nhiều dễ bị ung thư. Em muốn bố bỏ thuốc nhưng bố nói khi nào em đoạt giải nhất một cuộc thi piano quốc tế tầm cỡ thì bố sẽ bỏ thuốc lá. Trong cuộc thi gần đây lại Tây Ban Nha em giành giải nhì (không có giải nhất) nhưng bố vẫn không chịu bỏ, bố bảo khi nào 1 gạch trong bằng chứ 2 gạch vẫn chưa được. Ngoài ra, em cũng có nói với mẹ là khi nào em già (50 tuổi) em muốn về Việt Nam mở một trường nhạc.
Ở Việt Nam nền âm nhạc bác học chưa được nhiều bạn trẻ quan tâm và theo đuổi. Nếu để nói một điều gì đó với các bạn trẻ, Trung sẽ nói gì?
- Cách đây mấy ngày em có vào Nhạc viện quốc gia Việt Nam chơi và thấy một cậu bé được bố đưa đi học đàn nhưng cứ khóc mãi. Em rất muốn đến bên để động viên, an ủi cậu ấy nhưng rồi lại không dám. Bởi em sợ nếu cậu ấy đã không thích thì cũng không biết phải nói sao? Vấn đề học đàn và chơi đàn là phải thích thì mới học và chơi được.
Trở về Việt Nam, điều gì khiến bạn thích thú và ngược lại?
- Em về Việt Nam, anh trai và chị dâu dẫn đi ăn ở vỉa hè. Chị dâu vừa vẫy tay vừa gọi bà bán hàng: "Chị ơi, chị ơi, cho em món...". Em thì không làm như vậy được. Ở bên Ba Lan em thấy mình giống người Việt Nam còn về Việt Nam em lại thấy mình không giống người Việt Nam lắm.
Ở Việt Nam ra đường rất ồn ã, xe máy đi lại đông đúc. Ở Ba Lan không như vậy. Rất yên tĩnh. Nên mỗi năm cứ hai lần em lại về Việt Nam khi thì biểu diễn khi thì thăm gia đình vì ở bên Ba Lan chỉ có em và mẹ sống với nhau còn ở Việt Nam có cả bố và vợ chồng anh trai. Em muốn về Việt Nam để thay đổi không khí.
Nổi tiếng quá thì khó lấy vợ!
Trong tương lai bạn có sẵn sàng hi sinh tất cả để trở thành một danh cầm nổi tiếng?
- Nổi tiếng quá thì khó lấy vợ. Em sợ sống cô đơn. (cười)
Ngoài âm nhạc, bạn có sở thích gì?
- Em thích nghe nhạc phim Hàn Quốc nên hay xem phim Hàn Quốc. Có lúc xem phim mà em khóc. Những đoạn cao trào trong phim như hai người yêu nhau rồi chia tay hay ai đó bị chết chẳng hạn - những lúc ấy rất hay có âm nhạc và âm nhạc ấy rất hay, em rất thích. Con gái Hàn Quốc cũng xinh.
Về Việt Nam, đi ra đường mọi người nhìn bảo em giống Hàn Quốc - chắc tại em để tóc và cách ăn mặc có nét giống các diễn viên Hàn Quốc. Em đi chơi bắt taxi đến khi lên xe anh lái hỏi: Em là người Hàn Quốc à? Vì anh thấy cách em bắt taxi khác người Việt Nam là giơ một tay ra vẫy vẫy còn em thì đưa hai tay lên đầu rồi lại hạ xuống - cách vẫy khác thói quen của người Việt Nam.
Chị dâu bạn - người đẹp, MC Dương Thùy Linh là người khá nổi tiếng. Vậy trong mắt bạn chị dâu là người thế nào?
- Chị Linh là người năng động. Em có chơi facebook thấy chị ấy viết hoặc post lên liên tục, lắm lúc em cũng hơi khó chịu nhưng rồi nghĩ chị ấy là người nổi tiếng nên có thể cần như vậy. Mỗi lần chị Linh sang Ba Lan chơi là nhà em có tiếng người nói. (cười) Chị ấy cũng hay chia sẻ khi ba mẹ mắng hay nhắc nhở em chuyện gì đó nhưng mỗi tội chị nói hơi nhiều.
- Cảm ơn Trung về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Việt Trung từng giành giải nhất cuộc thi piano dành cho
trẻ em ở Ba Lan năm 2003. Năm 2005 giải nhất cuộc thi piano dành cho
pianist trẻ mang tên Emmy Alberg tại Lodz, Ba Lan. Năm 2006 đoạt
giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi piano dành cho pianist trẻ
tại Zyrardow, Ba Lan. Cũng năm này, Trung còn đoạt giải Nốt nhạc
vàng dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart hay nhất.
Năm 2007 giành giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Glubczyce và đoạt giải dành cho tay đàn thể hiện bản nhạc thế kỷ XX hay nhất. Năm 2008 đoạt giải khuyến khích cuộc thi quốc tế mang tên "Fredirk Chopin". Cũng năm này Trung đoạt giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock. Năm 2010, Trung giành giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên "Chopin cho người trẻ tuổi" tại Warszawa. 2011, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi Rotaract - Rotary Piano Competition. Tháng 3/2013, Việt Trung là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới được mời tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan cùng giáo sư nổi tiếng Andrea Bonatta. |