– Bà và gia đình tạo cho chúng tôi nhiều ngạc nhiên khi tiếp xúc. Đó là chuyện bà rơi lệ khi tận mắt chứng kiến cụ rùa nổi trên mặt hồ với thân thể thương tích, gọi điện khắp nơi để cầu cứu các quan chức hãy cứu cụ rùa bằng hành động chứ không phải bằng… hội thảo.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.
 


“Ứa nước mắt nhìn cụ rùa thương tích!”

Qua một đồng nghiệp chuyên chụp ảnh rùa Hồ Gươm, chúng tôi biết và tiếp xúc với bà Trần Thị Quý, một người dân đang cư trú trên phố Hàng Đồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước khi gặp bà, câu chuyện qua điện thoại không được tròn trịa, nhưng cũng đủ để chúng tôi hiểu, một tấm lòng yêu cụ rùa Hồ Gươm – “tình yêu hành động” rất thật và đầy trân trọng.

 

Bà Trần Thị Quý không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cụ rùa ngày một yếu đi (Ảnh: Hoàng Long - chụp sáng ngày 21/2/2011)

 

Gia đình bà Quý năm đời sống ở phố cổ, những khu phố nhỏ bé và sầm uất vây xung quanh Hồ Gươm.

Bà Quý là một tiểu thương trên phố Hàng Đồng, làm nghề buôn bán quần áo, vải vóc. Người đầu tiên chúng tôi gặp, không phải bà, mà là một nhân viên làm thuê tên Dũng.

Chỉ tay về phía người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu đang bế một cháu bé còn ẵm ngửa bên nhà liền kề, Dũng bảo: “Cô em kia. Cả ngày hôm qua tới giờ, cô ấy toàn khóc…”.

Nước Hồ Gươm đã cạn (Ảnh: Kiên Trung)

“Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cụ rùa Hồ Gươm nổi. Nói thì không ai tin, bởi gần 50 tuổi đời, nhà chỉ cách Hồ Gươm vài bước chân, từ khi còn đi học, ngày nào cũng đi qua hồ".

Lúc ấy, cụ rùa nổi lên rất chậm chạp. Trên mình cụ, tôi thấy một vết thương dài gần 30cm. Vết thương há ra khiến khoảng nước hồ tại vị trí đó chuyển màu hồng hồng… Cụ đã yếu quá rồi. Thế là, chẳng hiểu sao, lúc ấy nước mắt tôi cứ trào ra.

Bên cạnh tôi, nhiều người cũng khóc. Lần đầu tiên, tôi ý thức được cụ rùa có ý nghĩa như thế nào đối với Hồ Gươm, ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội.

Mấy tháng nay, nhất là sau tết, câu chuyện về sức khỏe cụ rùa được báo đài nói đến nhiều, người dân phố cổ chúng tôi không ai là không khỏi quan tâm. Tôi hiểu, nếu như không có phương án cứu chữa cụ rùa, thì việc Hồ Gươm sẽ mất cụ là một điều có thể” – bà Quý nghẹn ngào.

Câu chuyện của bà Quý thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi cháu bé nằm trong lòng o e khóc. Cháu bé chưa đầy tuổi, là cháu nội của bà Quý. Nựng cháu xong, bà tâm sự tiếp bằng một câu hỏi: “Thế hệ của cháu tôi, liệu có biết cụ rùa Hồ Gươm, hay chỉ biết đến qua tranh ảnh…?”.

“Tôi tình nguyện đi quyên tiền để cứu cụ rùa!”

Bà kể tiếp, từ chỗ đám đông chứng kiến cụ rùa nổi lên với nhiều thương tích trên người, về nhà, bà cuống cuồng đi tìm số điện thoại của các cơ quan chức năng Hà Nội để… báo tin, sức khỏe cụ rùa đã trầm trọng lắm rồi, các cơ quan chức năng, hãy cứu cụ rùa bằng hành động chứ không phải bằng họp bàn, thảo luận nữa.

Đầu tiên, bà tìm được số liên lạc đường dây nóng của Báo Hà Nội Mới. Người trực ghi nhận ý kiến của bà, cử phóng viên xuống hiện trường, đồng thời cho bà số điện thoại của một cán bộ công tác ở UBND TP Hà Nội.

Bà Quý trong cuộc sống đời thường (Ảnh: Kiên Trung)


“Nói thật với anh, từ hôm qua đến giờ, lúc nào người tôi cũng bồn chồn không yên. Hôm 21/2, lúc cụ rùa nổi lên, mực nước hồ đã cạn lắm. Cụ không bơi được, bốn chân cụ phải chống trên mặt đất và di chuyển rất khó khăn… Nhìn cảnh ấy, không riêng tôi mà ai cũng ứa nước mắt! Nếu không cứu cụ, nếu cụ có mệnh hệ nào thì chúng ta sẽ hối hận, sẽ có lỗi nhiều với cụ, với con cháu của chúng ta…”.

Câu chuyện của bà Quý trôi về hoài niệm. Trong gia đình, bà là đời thứ năm sống ở phố cổ, gần Hồ Gươm. Trước, bà là nữ sinh trường Lý Thường Kiệt, ngày nào  cũng đi qua hồ. Khi ấy, nước hồ trong xanh chứ không bị ô nhiễm, không có những váng bẩn bị gió đánh dạt vào mép hồ như bây giờ…

Lại một câu chuyện buồn mà bà là người chứng kiến: Cách đây khoảng 4 năm (khoảng năm 2006 – 2007), một người đi câu cá trộm bắt được một “cụ rùa” to bằng khoảng hai cái quạt nan. Bắt được rồi, người này ôm chạy. Một thanh niên đuổi theo ra đến tận đường Trần Quang Khải hỏi mua, với giá 200 ngàn thì phải.

Một ông cụ bí mật bám theo người thanh niên vừa mua lại “cụ rùa” này, cụ còn cẩn thận ghi biển số xe, ghi lại số nhà… sau đó báo cho công an.


Hôm sau, công an đã đến nhà anh thanh niên này yêu cầu trả lại, vì đó là tài sản quốc gia chứ không phải là một loài thủy sinh bình thường. Sau đó, “cụ rùa” này được chăm sóc, và lại được trả về Hồ Gươm.

“Tôi thấy, trong nhiều nguyên nhân gây tổn thương sức khỏe cụ rùa, có nguyên nhân người dân phóng sinh rùa tai đỏ. Nhiều năm nay, tôi bắt các con phải mang ra tận sông Hồng phóng sinh chứ không được thả ở hồ”.

Câu chuyện trở lại đề tài cụ rùa Hồ Gươm đang lâm nguy. Giọng bà Quý nghẹn ngào: “Chúng tôi thỉnh cầu các cơ quan chức năng hãy vào cuộc, hãy nhanh chóng tìm ra phương án để cứu cụ rùa. Cụ đang cần và chúng ta phải có nghĩa vụ cứu chữa  bảo vệ cụ. Đó là linh vật quốc gia chứ không chỉ của riêng Hồ Gươm! Dù là giải pháp gì, miễn là cứu chữa và bảo vệ cụ, chúng tôi đều ủng hộ”.

“Bản thân mình, tôi sẵn sàng đóng góp tiền bạc để cải tạo, nạo vét Hồ Gươm, bắt rùa tai đỏ… để cứu cụ rùa. Không riêng gì tôi, tất cả các hộ dân sống ở phố cổ đều sẵn lòng đóng góp. Nếu được sự đồng ý của UBND thành phố, tôi xin được đứng ra chịu mọi phí tổn để thuê người về bắt rùa tai đỏ đang cư trú ở Hồ Gươm…” - bà nói.

Tôi hiểu, không chỉ một mình bà, còn rất nhiều người dân cũng có tình cảm, cũng lo toan, sốt sắng như vậy, từng ngày từng giờ ngóng trông, mong đợi… về sức khỏe của cụ, lo lắng cho cụ rùa...

Chào bà ra về, câu nựng đứa cháu nội còn ẵm ngửa của bà Quý: “Rồi đây, thế hệ của cháu tôi có còn được biết đến cụ rùa nữa không…” cứ ám ảnh mãi. Đó là những tình yêu hành động, xuất phát từ tận đáy lòng.


  • Kiên Trung