- Sau những vụ cướp tàn bạo, manh động xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều độc giả ở TP.HCM chia sẻ rằng, họ đã phải tự làm xấu mình mỗi khi ra đường vì sợ “lọt vào mắt xanh” của bọn cướp, giật.

Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng 20h ngày 14/12, anh Bùi Như Đào (21 tuổi, quê Thanh Hóa), khi đang nói chuyện điện thoại với vợ thì bị cướp tấn công. Một trong 2 tên đã rút mã tấu dài khoảng 50cm chém mạnh vào tay trái sau đó đoạt chiếc điện thoại Iphone giả của anh Đào.

Vụ cướp đã thực sự làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận. Quá trắng trợn, manh động, coi thường pháp luật là hầu hết các ý kiến của độc giả VietNamNet trước vụ cướp kinh hoàng này.

“Ra đường là phải ngụy trang”

Trên VietNamNet, độc giả Hà My nhận định: “Liên tiếp xảy ra 2 vụ chặt tay nạn nhân để cướp đều do bọn cướp lóa mắt trước tài sản của người dân. Lần trước là chiếc SH, lần này là Iphone giả càng khiến tôi không dám ăn sang mặc đẹp mỗi khi ra đường”.

Trong một diễn đàn khác, bạn đọc Thuy_kha cũng đồng tình: “Mình đi con xe Wave được 5, 6 năm nay. Vừa rồi định đổi xe ga nhưng tự nhiên nghĩ đến việc bị cướp giật lại thôi. Giờ ra đường sợ quá, mình hay mặc đồ bình thường, trùm thêm áo khoác lùi xùi y như mấy người đi chợ cho an toàn, đỡ gây chú ý”.

Anh Bùi Như Đào nạn nhân của bị cướp chém lìa tay để cướp Iphone - (Ảnh: VietNamNet)

Trên Webtretho, một thành viên chia sẻ: “Trước đây tớ đi xe Vespa, buổi tối đi làm về trễ hễ thấy ai đi gần mình rồ ga mạnh là tớ run và sợ. Bây giờ dùng lại chiếc xe tay ga cũ 10 năm rồi, chiếc điện thoại dỏm, đi làm thì không cần gì, chỉ để sẵn ở công ty 1 bộ trang điểm, ra đường thấy an tâm hẳn".

“Lúc trước nhà cũng có chiếc SH nhưng bố mình vì lo sợ kẻ xấu dòm ngó nên phải bán gấp. Bây giờ ra đường tốt nhất là chỉ cầm cái túi nilon đen nhầu nhĩ, bên trong để đúng cái ví nhỏ với cái điện thoại, chả dám đeo cái gì”, một độc giả khác tán thành.

Nhiều chị em cũng nhắc nhở nhau hạn chế ra đường vào buổi tối và tránh những con đường không còn đèn, vắng người.

Tuy nhiên bạn đọc có nickname Ilangilang lại thắc mắc: “Nếu nói như các bạn thì trường hợp của tôi phải làm sao. Tôi vẫn phải đi ra ngoài buổi tối, đi chơi với bạn bè thì thu xếp về sớm được, chứ chẳng lẽ đi gặp khách hàng, người ta hẹn 8h mà 8h30 xin phép về kẻo sợ cướp?”.

Thành viên Webtretho có nickname matongnghe chia sẻ: “Mình có cô bạn cứ ra đường là để túi xách hớ hênh, cổ đeo dây chuyền, tay đeo nhẫn hột xoàn to đùng. Đó cũng là 1 cách "khiêu khích" bọn cướp. Vậy nên có muốn đeo hay khoe đồ gì thì cứ cất trong cốp xe, đến nơi đeo vào cũng không muộn”.

Độc giả có nickname MeNai2002 cũng khuyên: “Mọi người ra đường nên chịu khó cất đồ đạc vào cho khuất mắt bọn chúng. Xe ai cốp nhỏ cứ lấy cái áo mưa choàng lên cái túi xách cho lành. Cô bạn mình vừa bị té xe vì bị giật túi xách, trầy xước hết cả người đầu đập xuống đường, may mà đội mũ bảo hiểm tốt nên đầu không sao”.

Bạn đọc HoaThu cũng chia sẻ trên VietNamNet: “Đợt mình đi đám cưới thấy con bạn ăn mặc xuề xòa lắm, đến nơi nó chui tọt vào nhà vệ sinh. Sau mấy phút nàng ta bước ra với đồ mới, dây chuyền, lắc tay đeo lủng lẳng. Ra về nàng lại vào nhà vệ sinh thay bộ đồ tuềnh toàng. Hỏi ra mới biết nàng sợ cướp. Nó còn đùa: “Mày xem tao có như lọ lem đi dự tiệc không”.

Độc giả Lâm Minh cũng cẩn thận: “Trước nay, mình đi ra đường không bông tai, dây chuyền, lắc tay gì hết. Mình chỉ dám đeo mỗi cái nhẫn be bé hoặc lâu lâu đeo mấy cái bông tai giả thôi. Nhưng từ khi đọc bài báo này thì đồ giả mình cũng từ mặt luôn kẻo bọn cướp lại tưởng bở như chuyện cái Iphone đểu kia”.

Xử trộm, cướp còn “giơ cao đánh khẽ?

Một số độc giả nhận định: Năm 2012 là năm cướp lộng hành kinh hoàng nhất ở TP.HCM. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng: “Nạn cướp giật ở đây có từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Năm 2012 chỉ là năm có nhiều vụ cướp trắng trợn hơn mà thôi”.

Băng cướp gây ra vụ chém lìa tay cô gái trẻ để cướp xe SH vào ngày 24/11 vừa qua - (Ảnh: VietNamNet)

Bên cạnh những nỗi lo lắng, tư vấn các biện pháp phòng thân mỗi khi ra đường, nhiều độc giả cũng đi tìm câu trả lời về nguyên nhân khiến cướp giật có thể tung hoành ngày càng nhiều ở thành phố sôi động bậc nhất này.

“Kinh tế khó khăn, tình trạng thất nghiệp gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến người dân cứ ra ngõ là gặp cướp”, độc giả Lê Sơn nhận định.

Bạn đọc KhoaNguyen lại cho rằng: “Chính thói vô cảm của người dân cũng góp phần giúp bọn cướp khi gây án. Nhiều người thấy cướp làm ngơ, không dám lên tiếng, nghoảnh mặt khi nạn nhân cầu sự giúp đỡ. Thậm chí khi bị cướp nạn nhân còn chẳng dám kêu cứu với tâm lý của đi thay người. Điều này càng khiến bọn cướp giật chả kiêng sợ gì ai”.

Khác với các ý kiến trên, 1 độc giả giấu tên lại cho rằng: “Tội phạm hoành hành không thể đổ lỗi cho người dân để tài sản hớ hênh khi ra đường hay phải giấu kĩ tài sản khi đi ra ngoài, chẳng lẽ chúng ta phải dấu giếm tài sản cả đời? Theo tôi, các cơ quan chức năng liên quan phải nhận trách nhiệm về vấn đề này”.

Bạn đọc ở địa chỉ: Trieunguyen842303@gmail.com cũng cho rằng: “Cần phải xử lí nghiêm, xử phạt thật nặng cho hành vi cướp giật. Có lẽ nên là các mức án như chung thân, tử hình chứ một khi đã hành động man rợ như thế này thì khó có thể hối cải. Cái tính cướp, giật đã ăn sâu vào trong tiềm thức rồi”.

“Thật buồn lòng và cảm thấy bất an khi hầu như ngày nào mở báo ra cũng có xảy ra việc đâm chém người để cướp của. Rất mong các cấp có thẩm quyền mau chóng trấn áp bọn tội phạm để người dân được đón một mùa Giáng Sinh và một Năm mới thật bình yên và an lành”. Đó là ý kiến của một độc giả cũng là ý kiến chung của nhiều bạn đọc trên diễn đàn báo VietNamNet.

L.Lan (Tổng hợp)