- Cụ rùa Hồ Gươm có ý nghĩa
lớn hơn cả một báu vật quốc gia và luôn luôn được nhìn nhận dưới cả góc độ hiện
hữu và tâm linh. Bởi thế, không bao giờ chúng ta đưa ra được một giải pháp làm
hài lòng tất cả mọi người.
Cụ rùa đang bị xâm
hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý
vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về
banxahoi@vietnamnet.vn.
|
Những quốc gia, dân tộc dù trình độ văn minh có phát triển đến đâu thì bao giờ cũng cần những điểm tựa văn hóa tâm linh để cả dân tộc dựa vào, báo công những lúc khải hoàn và mong cầu mỗi khi gian khó.
Sức mạnh dân tộc được xây dựng và gìn giữ từ những giá trị vô hình như vậy. Trong tâm thức người dân Việt Nam, cụ rùa hồ Gươm đã lớn hơn cả một linh vật, lớn đến nỗi không ai gọi là con rùa mà phải là cụ rùa, vừa hiện hữu cụ thể, vừa lung linh huyền thoại.
Bởi thế, ứng xử thế nào với một giá trị sống vừa cụ thể vừa huyền thoại, vừa hiện hữu vừa tâm linh là câu hỏi lớn mà thiết nghĩ, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất…
Cụ vẫn thường nổi lên trong những sự kiện trọng đại của đất nước như một chứng nhân trường tồn của lịch sử - Ảnh: Hoàng Long |
Nói là không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng nhất để cứu cụ rùa hồ Gươm, bởi chúng ta không bao giờ tách biệt được yếu tố tâm linh ra khỏi yếu tố y học thú y. Xét cho cùng, cụ rùa là một cá thể rùa và cần được chữa bệnh như những cá thể rùa khác.
Đó là chưa kể, nếu đúng như
truyền thuyết thì tuổi cụ đã cao lắm rồi, gở mồm nói lỡ cụ "có về với trời
xanh", "với cụ Lê Lợi" thì cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Đó cũng là quy luật "sinh lão bệnh tử" mà chúng ta đều cần phải chuẩn bị tinh
thần chấp nhận.
Nhức nhối hình ảnh những lần cụ rùa nổi
Trong khi Hà Nội đang
chuẩn bị chốt phương án chữa bệnh, thì những ngày qua cụ
rùa Hồ Gươm nổi liên tục đã khiến nhiều người lo lắng.
VietNamNet xin giới thiệu hình ảnh cận cảnh nhất về
những lần mệt nhọc ngoi lên, ngụp xuống của cụ.
|
Đối với người Việt, những gì linh thiêng nhất thường vô ảnh vô hình. Đó là lý do những nhà làm tượng đài nhân vật lịch sử Việt Nam thất bại. Chính bởi thế, mà cụ rùa vẫn tồn tại hiện hữu nhưng không bao giờ người ta muốn đem cụ đi xét nghiệm ADN, lôi lên cân xem cụ nặng bao nhiêu, chính xác thuộc loài rùa nào để còn tìm truyền nhân cai quản hồ cho cụ.
Chính bởi niềm tin vào sự linh thiêng của cụ, nên người ta không xem xét cụ dưới góc độ y học, khám bệnh định kỳ và đưa ra phác đồ điều trị.
Bao năm qua, tất cả chỉ là phỏng đoán, suy luận? Để rồi giờ đây khi thấy dù có là rùa thần thì cụ vẫn bị bọn rùa tai đỏ tấn công, dù có linh thiêng thì cụ vẫn có thể bị viêm phổi, dù bao năm nay nằm dưới đáy hồ thì giờ già yếu cụ cũng có thể cần một bãi cỏ nghỉ ngơi phơi nắng tự chữa bệnh…
Khi cần chẩn bệnh cho cụ,
tất cả các nhà khoa học xúm vào tranh cãi không dứt bởi chẳng có ai nắm được
những thông tin chính xác, có hệ thống và khoa học? Tất cả chỉ là bê kiến thức
chuyên ngành của mình suy luận cho vấn đề cứu cụ rùa?
Như thế, trộm nghĩ, nếu phương án nào được chọn thì áp lực dành cho người khởi
xướng phương án đó hẳn vô cùng nặng nề, bởi những hậu quả có thể đến sau nhiều
năm nữa cũng có thể bị quy cho phương án được chọn bây giờ.
Dư luận những ngày qua đang
đưa các nhà quản lý, những người có trách nhiệm trong việc bảo vệ cụ rùa hồ Gươm
thành những người "đẽo cày giữa đường"? Lúng túng không biết nghe ai bỏ ai, làm
gì trước làm gì sau nên tiến độ triển khai các biện pháp ứng cứu và bảo vệ rất
chậm trễ.
Theo cá nhân người viết, cả trước mắt và lâu dài, chúng ta cần thành lập Ban chỉ
đạo bảo vệ rùa Hồ Gươm và Ban phản biện bảo vệ rùa Hồ Gươm.
Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo thành phố Hà Nội, một số nhà khoa học có uy tín và có quan điểm bảo vệ rùa thống nhất với nhau và nghiêng về góc độ khoa học, chứ không phải văn hóa tâm linh.
Ban chỉ đạo có trách nhiệm đưa ra cả một chiến lược dài hơi từ nghiên cứu bảo vệ rùa, cải thiện môi trường sinh thái Hồ Gươm, tìm kiếm truyền nhân cho rùa và có thể mời các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước tư vấn cho từng vấn đề cụ thể. Mọi quyết định của ban chỉ đạo thông qua bỏ phiếu lấy đa số.
Không biết cụ đang muốn nói gì với chúng ta?! - Ảnh: Hoàng Long |
Ban phản biện bao gồm nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, một số người trực tiếp thực hiện các đầu việc mà ban chỉ đạo đưa ra. Mọi quyết định của Ban chỉ đạo phải được thông báo đến Ban phản biện. Ban phản biện có thể lấy ý kiến nhân dân, họp bàn với nhau và làm việc lại với ban chỉ đạo để đưa ra ý kiến của mình.
Quyết định tối cao cuối cùng vẫn thuộc về ban chỉ đạo. Thời gian của các việc thông báo, phản biện, quyết định cần thống nhất với nhau bằng văn bản, ngay từ khi thành lập các ban này.
Xin nhắc lại, cụ rùa Hồ Gươm có ý nghĩa lớn hơn cả một báu vật quốc gia và luôn luôn được nhìn nhận dưới cả góc độ hiện hữu và tâm linh. Bởi thế, không bao giờ chúng ta đưa ra được một giải pháp làm hài lòng tất cả mọi người.
Điều quan trọng là chúng ta xây dựng được một nhóm người tâm huyết, có trình độ và có quan điểm khoa học thống nhất, dám chịu trách nhiệm để đối phó kịp thời những hiện tượng phát sinh, cũng như xây dựng có hệ thống một chiến lược bảo vệ rùa và hồ Gươm.
Có như vậy, mỗi lần cụ nổi
và bơi sát vào bờ, con cháu mới không phải ngơ ngác nhìn nhau tự hỏi không biết
cụ đang muốn nói gì với chúng ta?!
Trương Công Tú
Cụ rùa đang bị xâm
hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý
vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về
banxahoi@vietnamnet.vn.
|