Theo Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội, sẽ bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm bằng nhiều loại bẫy, tiến hành đồng thời với các hoạt động khác cải tạo Hồ Gươm, nhưng vẫn chưa khẳng định cụ thể ngày nào ngoài cái mốc chung chung “cuối tháng hai và đợi trời ấm”.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


Sáng 22-2, tại Hồ Văn Quán, TP Hà Đông (Hà Nội), có ba chiếc lồng nổi hình dáng khác nhau đặt ở một góc hồ, cạnh nhà hàng O2 Garden và Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Rosy Sun. Một nhóm thanh niên ngồi cách vị trí đặt lồng chừng 30m cho biết có thấy rùa tai đỏ trèo lên chiếc bẫy lồng bằng tre. Lúc 10 giờ, chúng tôi thấy có một con bị sập bẫy đang bơi trong lồng.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cho biết phải sớm tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm vì chúng cạnh tranh thức ăn của cụ Rùa.

Chiều 22-2, trao đổi với PV, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội cho hay, việc thử nghiệm các thiết bị và phương án bắt rùa tai đỏ vẫn tiến hành theo đúng tiến độ.

“Kế hoạch triển khai thiết bị bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm giờ chỉ còn phụ thuộc vào phê duyệt kế hoạch tổng thể xử lý hồ Hoàn Kiếm và chữa trị cho rùa Hoàn Kiếm mà thôi”, TS Rao nói.

Đặc biệt, sẽ triển khai tất cả các thiết bị đang được thử nghiệm thay vì chỉ chọn một và thậm chí có thể huy động thêm các phương án bắt rùa tai đỏ khác mà quần chúng và các nhà khoa học hiến kế.

Các cơ quan chức năng Hà Nội vẫn chưa chốt được phương án chữa bệnh cho cụ rùa Hồ Gươm - Ảnh: Hoàng Long
Hiện tại, bảy thiết bị khác nhau đang được thử nghiệm tại hai hồ Mỗ Lao và Văn Quán, đều trên địa bàn Hà Đông. Bảy thiết bị này được dàn trận để bắt con mồi ở hai vị trí, cả trên mặt nước khi con mồi phơi nắng và dưới nước khi con mồi kiếm ăn.

Trong số đó, có hai bẫy nổi điều khiển từ xa do Sở KH&CN thiết kế, được cho là hoạt động hiệu quả nhất. Còn lại là các bẫy thiết kế bởi các tổ chức, cá nhân tham gia hiến kế trong hội thảo khoa học ngày 15-2, như mô hình của một cá nhân ở Phú Thọ, của Cty Cổ phần Công nghệ Xanh…

Việc thử nghiệm được tiến hành ngày 10-2. Suốt từ bấy đến nay, thời tiết lạnh nên rùa tai đỏ ít hoạt động. Dẫu thế, thành tích bước đầu là bắt được tám con, trong đó có sáu con ở hồ Mỗ Lao, nơi chỉ đặt hai bẫy.

Liên quan thời điểm triển khai bắt rùa tai đỏ, TS Rao cho hay, chỉ có thể xác định được sau cuộc họp ngày 25-2 do UBND TP Hà Nội tổ chức vì còn phụ thuộc các đầu việc khác. Hơn nữa, việc bắt sinh vật xâm nhập ngoại lai này chỉ có hiệu quả nếu thời tiết ấm.

ThS Kim Văn Vạn, Trưởng Bộ môn Nuôi trồng Thủy sản-Đại học Nông nghiệp Hà Nội, lại có ý kiến ngược lại. Th.S Vạn không cho là rùa tai đỏ tấn công cụ rùa vì rùa tai đỏ không hung dữ như ba ba. Hơn nữa, rùa tai đỏ có kích cỡ nhỏ, còn cụ rùa có kích cỡ lớn hơn và các sinh vật này ứng xử với nhau theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” chứ ít khi ngược lại.

“Chúng tôi tiếp tục mời tất cả công dân tham gia hiến kế bắt rùa tai đỏ ở hồ Hoàn Kiếm. Các thiết kế sau khi kiểm tra đạt các tiêu chí đặt ra sẽ được mang thử nghiệm ngay”, TS Lê Xuân Rao nói.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thương mại Hà Nội (KAT Group), ông Nguyễn Ngọc Khôi nói: “Nếu có bãi rùa sẽ lên nằm. Nhưng phương án làm bãi cát mà tôi đưa ra, đến ngày 22-2, vẫn chưa thấy TP Hà Nội có động thái gì. Nếu có bãi cát, cụ Rùa sẽ lên nằm phơi nắng, nấm sẽ chết và các vết thương sẽ khô lại”.
Hôm qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã tháo dỡ các ống cống ở Hồ Gươm. Đến ngày 25-2, phải di chuyển xong đường ống và các vật cứng quanh hồ.


(Theo Tiền Phong)

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.