Hơn 30 năm làm tài xế với hàng ngàn những chuyến xe chở khách, vì một phút bất cẩn khi cầm lái, người đàn ông đã gây ra thảm nạn kinh hoàng. Hai nạn nhân tử vong tại chỗ, 12 người khác bị thương, cuộc đời bị cáo cũng rơi vào bi kịch.

TIN BÀI KHÁC


Giờ nghị án, người đàn ông ngồi cúi đầu trước vành móng ngựa. Mái tóc bù xù, gương mặt chằng chịt những nếp nhăn, đôi mắt bần thần của bị cáo khẽ ngước lên rồi lại nhìn xuống đất. Giá như đừng vì một phút bất cẩn khi cầm lái thì hôm nay đã khác.

Ngủ gật gây thảm nạn


Bị cáo Lương Anh Dũng (56 tuổi, ngụ Trà Vinh) từng là một tài xế lái xe thuê những chuyến đường dài. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chắc bị cáo chẳng ngờ lại có hôm nay. Bị cáo vào tù nhưng những ám ảnh về vụ tai nạn kinh hoàng vẫn không thôi day dứt. Đó là một ngày định mệnh.

Khoảng 22 giờ tối 24/3/2012, chuyến xe khách xuất phát từ Trà Vinh – TP.HCM do Lương Anh Dũng cầm lái bắt đầu khởi hành. Do công việc bận rộn nên hôm ấy chuyến xe không có phụ xế đi cùng. Chiếc xe du lịch 16 chỗ ngồi gần như không còn một chỗ trống. Sau khi lòng vòng đón khách, chiếc xe lao thẳng về hướng TP.HCM.

Đến 3 giờ 20 phút ngày 25/3/2012, chiếc xe lưu thông đến đoạn km 1912+200 Quốc lộ 1A thuộc phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM. Sau chặng đường dài lại vào đêm nên hầu hết hành khách trên xe thấm mệt, đang say giấc ngủ. Bỗng nhiên một tiếng động lớn vang lên kéo theo là tiếng la ó, kêu cứu thất thanh của những hành khách trên xe du lịch.

Do ngủ gật nên tài xế Lương Anh Dũng đã để đầu xe du lịch lao thẳng vào đuôi chiếc xe tải bị hỏng đang đậu bên phải phần đường dành cho xe tải lưu thông. Vụ tai nạn khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, Dũng cùng 12 hành khách khác bị thương được người dân và lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, Dũng bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

Bị cáo Dũng trong giờ nghị án

Ra tòa, khi phải nhắc lại diễn biến sự việc, giọng nói người đàn ông ấy như lạc đi. Cảm giác thảng thốt, bàng hoàng như sự việc mới diễn ra trước mắt. Ân hận, buồn bã nhưng bất lực vì sự việc đã rồi không thể lấy lại.

Bị cáo khai hôm đó bị cáo không hề sử dụng rượu bia, bị cáo bị cảm cúm kèm theo ho nên hơi mệt trong người. Khoảng 8 giờ tối hôm trước có uống thuốc, khi xe chạy đến đoạn đường trên, bị cáo không biết mình đã ngủ gật từ lúc nào. Nếu biết, có lẽ bị cáo đã dừng lại để rửa mặt hay chợp mắt một chút cho qua cơn ngủ. Và nếu vậy có lẽ đã không có hậu quả hôm nay…

Sau tai nạn, bản thân Dũng cũng phải nhập viện rồi bị bắt tạm giam, kinh tế gia đình vốn chẳng dư giả gì, người chủ xe buộc phải đôn đáo lo bồi thường khắc phục phần nào cho các nạn nhân.

Bi kịch


Một tai nạn nhiều nỗi đau, quả thật đúng với tất cả những người trong cuộc. Nỗi đau của Dũng không chỉ là thương tích mà còn là cảnh lao tù. Phía nạn nhân, hai người đã vĩnh viễn mất đi ở tuổi đời còn trẻ, để lại những đau thương mất mát cho gia đình. Số còn lại, người mang thương tật suốt đời, người trở thành gánh nặng cho con cháu…

Trong số 14 hành khách trên xe có người còn rất trẻ nhưng cũng có người đã ở độ tuổi ngoài 80, độ tuổi mà sự sống vốn được ví như “đèn treo trước gió”.

Trường hợp của ông N.V.T. (60 tuổi) và vợ là bà T.T.N. (61 tuổi) cũng vô cùng đau xót. Đại diện cho cha mẹ, con trai của ông T. và bà N. cho biết: “cha tôi vốn là thương binh sức khỏe yếu, mẹ tôi cũng già rồi, không ngờ sau chuyến xe lên thành phố chơi mọi chuyện lại xảy ra như vậy. Giờ sức khỏe cha tôi càng sa sút. Mẹ tôi thì nằm một chỗ, sống đời thực vật, những công việc nhỏ nhặt nhất của bà phải có người lo. Người con nào không đau xót?…”.

Nghe đại diện nạn nhân nói vậy, bị cáo Dũng cúi gằm chẳng dám nhìn lên. Phía bị hại cho biết người chủ xe đã bồi thường cho cha mẹ mình tổng cộng 30 triệu đồng, khoản tiền này không thể bù đắp cho những mất mát của gia đình và không thấm thía gì cho những chi phí gia đình phải bỏ cho đến hôm nay. Họ đề nghị Dũng bồi thường thêm tổng cộng 163 triệu đồng chưa kể 180 triệu để lo cho bà N. đến lúc cuối đời.

Phía bị hại trình bày, nếu bị cáo không bồi thường tiếp thì không thể có chi phí để gia đình lo các khoản ăn uống, sinh hoạt cho cha mẹ già. Họ cũng trách Dũng từ ngày xảy ra sự việc bị cáo không hề đến nơi thăm hỏi nửa lời.

Nghe bị hại trình bày, Dũng rưng rưng nước mắt. Bị cáo cho biết mình là lao động chính trong nhà, người vợ sức khỏe yếu lại phải chăm sóc mẹ già bệnh tật nên mọi khoản chi phí trong gia đình trước đây hầu hết dựa vào bị cáo. Từ ngày xảy ra tai nạn, đứa con trai duy nhất phải đi làm thuê để lo cho gia đình. Hiện tại bị cáo không có khả năng bồi thường nhưng bị cáo hứa sau này sẽ ra tù sẽ nguyện lao động suốt đời để lấy tiền bồi thường cho bị hại. Nghe Dũng nói, những người có mặt chỉ biết ngậm ngùi.

Cuối cùng Dũng bị tòa tuyên phạt mức án 8 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, buộc bị cáo và chủ phương tiện, những người liên quan tiếp tục bồi thường cho các nạn nhân tổng cộng 152 triệu đồng, nếu sau này có chi phí phát sinh bị hại có thể tiếp tục khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác.

Tra tay vào chiếc còng số 8, bị cáo lầm lũi bước đi. Vì một tích tắc không kiểm soát, bị cáo đã gián tiếp cướp đi sinh mạng của hai người, gây thương tích cho người còn lại và hôm nay, phải trả giá bằng bản án 8 năm tù cùng món nợ đời dài dằng dặc.

M.Phượng