- Chiều 23/2, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH)cho biết: Trước tình hình căng thẳng do biểu tình tại Libya, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp khuyến cáo người lao động tại nước này cần tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người.


Trước đó, theo ông Quỳnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đang có lao động làm việc tại Libya chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Libya theo dõi sát tình hình xung đột vũ trang ở đất nước này.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu các cán bộ đại diện phải báo cáo kịp thời Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý, nếu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập.  

Đặc biệt, Cục khuyến cáo người lao động cần tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người.

Được biết, năm 2010, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya là 5.242 người. Đây là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam (chỉ xếp sau các thị trường quen thuộc như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia...).

Hiện nay, có 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động sang làm việc tại Libya trong các công trình xây dựng. Số lao động đang làm việc tại nước Bắc Phi này là khoảng mười nghìn người. Những doanh nghiệp đưa lao động sang Libya làm việc hiện đã và đang có sự chuẩn bị để ứng phó với tình hình.

Lao động Việt Nam tại công trường Libya được khuyến cáo cần tránh xa các địa điểm có biểu tình, nơi đông người. (Ảnh: Nguồn từ Người lao động)
Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco, cho biết: “Số lao động công ty đưa sang Libya tuy không nhiều, chỉ có khoảng 200 lao động. Dù vậy ngoài việc thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng, công ty đã chủ động làm việc với các đối tác, chủ sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn cho người lao động, bảo đảm các quyền lợi và phối hợp giải quyết rủi ro nếu có”.

Báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya và báo cáo nhanh của các doanh nghiệp cũng cho biết, trong tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây, có khoảng hai nghìn lao động đang làm việc tại thành phố Benghazi là thành phố xảy ra bạo động lớn, số còn lại đang làm việc tại Tripoli và các vùng lân cận.

Được biết, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các công trường đều đã tạm dừng hoạt động. Lao động Việt Nam đã được chủ sử dụng yêu cầu ở trong trại hoặc sơ tán đến nơi an toàn và được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm. Cũng theo nguồn tin từ các doanh nghiệp ở Libya báo về, tất cả người lao động Việt Nam vẫn an toàn.

Ông Quỳnh cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Libya; Cục Lãnh sự và Vụ Tây Á – Châu Phi (Bộ Ngoại giao) bàn biện pháp xử lý. Cục đã yêu các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối tác để đảm bảo an toàn và đời sống cho người lao động.

“Hiện Cục cũng đang “bù đầu” về việc lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, và nếu có thông tin gì mới Cục sẽ thông tin cụ thể” - ông Quỳnh nói.

 Vũ Điệp