- Việt Nam bày tỏ quan ngại tình hình tại Libya và đang tìm các biện pháp đảm bảo an toàn cho kiều dân của mình tại quốc gia này.

Ảnh: Reuters
Tình hình tại Libya tiếp tục diễn biến phức tạp khi làn sóng biểu tình chống chế độ của nhà lãnh đạo Moammar Gaddafi ngày càng dâng cao. Trước diễn biến tại Libya, Việt Nam đã bày tỏ thái độ về diễn biến chính trị tại quốc gia này.

“Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Libya”
- người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói, đồng thời mong muốn tình hình chính trị ở Libya sớm ổn định.

Liên quan đến các công dân Việt Nam, bà Nga cho biết hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại quốc gia châu Phi này.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho lao động và kiều dân Việt Nam.

Các cuộc trao đổi điện thoại vào Libya rất khó. Theo phóng viên VOV thường trú tại Cairo, Đại sứ Việt Nam Đào Duy Tiến cho biết, các cuộc biểu tình ở Libya đã ảnh hưởng tới việc làm của nhiều người lao động Việt Nam.

Một số người đã phải đi sơ tán để tránh đụng độ và ảnh hưởng tới tính mạng. Đại sứ và cán bộ nhân viên Đại sứ quán luôn theo dõi sát tình hình để đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng người Việt ở đây.

Trong khi đó, nhiều nước: Nga, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ukraine... có kế hoạch sơ tán công dân khỏi Libya. Pháp cho biết sẽ cử 3 máy bay quân sự tới Libya để sơ tán công dân về nước.

Các đường băng tại sân bay Benghazi của Libya đã bị phá hỏng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh nước này, khiến các chuyến bay dân sự không thể cất cánh hay hạ cánh tại đây.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp kín để thảo luận về tình trạng bất ổn ngày một gia tăng tại Libya.


Không đưa lao động mới sang Libya

 

Trong khi đó, theo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có công văn chỉ đạo đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya . 

 

Cục chỉ đạo các cán bộ đại diện doanh nghiệp tại Libya theo dõi sát tình hình, nếu có ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của lao động Việt Nam, phải báo cáo kịp thời Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán ta tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý. Bên cạnh đó khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người. Cục cũng chỉ đạo các doanh nghiệp không đưa lao động mới sang Libya.

 

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, hiện có 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya trong các công trình xây dựng.

 

Ngày 22/2, Cục đã tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Libya, Cục Lãnh sự và Vụ Tây Á – Châu Phi (Bộ Ngoại giao) bàn biện pháp xử lý.

 

Cục quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối tác để đảm bảo an toàn và đời sống cho người lao động. Cuộc họp cũng thảo luận các giải pháp đối với các tình huống xấu có thể xảy ra trình các cấp có thẩm quyền để triển khai khi cần thiết.

  • L.Thư