- Đến nay, theo đại diện các Sở GTVT đánh giá, việc thu phí bảo trì đường đối với phương tiện xe máy chưa thể triển khai do phải chờ HĐND thông qua.

Địa phương chuẩn bị thu phí xe máy

Để chuẩn bị cho việc thu phí đối với xe máy, Bộ Tài chính đã có Thông tư 197 đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thu phí lại được thực hiện không đồng đều ở các tỉnh, thành. 

Tại Hà Nam, UBND tỉnh đã ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy có dung tích xi-lanh đến 100cm3 là 75.000 đồng/năm, còn loại có dung tích xi-lanh trên 100cm3 là 125.000 đồng/năm.  

Tại tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Ngọc Hòa, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, tỉnh cũng mới đang rậm rịch thành lập Hội đồng quỹ, sau đó mới tiến hành tiếp các thủ tục khác được. 

Các địa phương vẫn lúng túng tìm biện pháp thu phí đường đối với xe máy.

Theo ông Hòa, mức thu cụ thể ra sao đối với xe máy phải chờ kỳ họp thứ nhất năm 2013 của HĐND tỉnh thông qua.

“Song, trước mắt, khi HĐND chưa thông qua mức cụ thể thì mức thu đối với xe máy sẽ là 50.000 đồng/năm, mức thấp nhất theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nhanh nhất cũng phải hết tháng 1, hoặc sang tháng 2, tỉnh mới có thể triển khai được” - ông Hòa cho biết.

Trong khi đó, theo ông Ngô Ngọc Đức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, tỉnh chưa có chỉ đạo, triển khai gì về việc này.

“Chỉ đạo của Bộ Tài chính quá gấp gáp, lại vào dịp cuối năm nên không đưa ra bàn bạc tại kỳ họp HĐND đợt vừa qua được. Muốn thu thì cũng phải chờ mức cụ thể được HĐND đợt tới thông qua” - ông Đức nói.

Chuẩn bị, nhưng… vẫn lúng túng!

Tại Vĩnh Phúc, dù đã được UBND tỉnh thông qua với mức thu tạm thời là 50.000 đồng/xe máy/năm, nhưng ông Phùng Gia Thuận, Giám đốc Sở GTVT nhận định, việc triển khai thu phí đối với xe máy là không đơn giản.

“Chúng tôi cũng mới bắt đầu bắt tay vào làm, chưa biết thực hư ra sao. Nhưng, sẽ là khó khăn vì việc thu phí được giao về cho các xã, phường. Người đi thu sẽ là tổ trưởng tổ dân phố hoặc thôn trong khi, chưa có chế tài gì?” - ông Thuận nói.

Đề cập đến ‘”thuế” đường đối với xe máy, ông Nguyễn Văn Khoái, Giám đốc Sở GTVT kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ Hà Nam cho biết, sau khi tỉnh thông qua, các Sở ban ngành và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát số lượng xe máy từng nhà, vận động người dân để có nguồn thu phí.

“Phí xe máy nên thu theo hộ khẩu thì dễ hơn. Bởi, mức thu là không lớn so với chi phí xe máy hoạt động. Hơn nữa, đơn vị phường, xã có kinh nghiệm thu lệ phí đất đai nên đã quen với cách thu”, ông Khoái khẳng định.
 
Thế nhưng, thực tế việc thu phí xe máy lại không cố định như việc thu lệ phí đất đai. Bởi, tình trạng xe máy đăng ký ở địa phương này nhưng lại được đem tới địa phương khác sử dụng.

Về thực tế này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, ngoài sự kiểm soát của nhà nước thì phải dựa vào tinh thần tự giác của người dân!

Trả lời VietNamNet về những khó khăn khi tiến hành thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đến một lúc nào đó sẽ có cách kiểm soát toàn bộ số xe máy.

Sẽ phối hợp thông qua các hệ thống đăng ký để nắm được xe đó của chủ xe nào, đã đóng phí chưa.

Về cơ bản vẫn dựa trên tinh thần tự khai và tự giác của người dân. 


Vũ Điệp