- Tình hình bất ổn tại Libya khiến nhiều lao động phải trở về nước. Và trong khi họ chưa về, những người thân ở nhà đang sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo vì chờ đợi...


Mỏi mòn ở Nội Bài

Từ sáng 25/2, rất nhiều người thân của lao động đã có mặt tại Nội Bài để đón chuyến bay đầu tiên chở lao động Việt Nam tại Libya về nước. Cả ngày chờ đợi trong mỏi mòn, sau nhiều thông tin hoãn, chậm chuyến, nhiều người đã quá mệt mỏi.

Cùng với người nhà lao động, lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cùng đại diện các công ty XKLĐ và nhiều phóng viên đã phải “ăn trực nằm chờ” tại Nội Bài để đón người lao động.

Cảnh chờ đợi người thân về từ Libya tại sân bay Nội Bài tối 25/2

Chị Đào Thị Duyên cùng con trai 4 tuổi (xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) dắt díu ôm hoa đến đón chồng, bố là anh Đào Tiến Cường từ 6 giờ sáng ngày 25/2, nhưng chờ đợi mãi đến tối khuya vận không thấy anh Cường về.

Không thể giấu chặt nỗi lo vào lòng, chị Duyên kể: Từ hôm nghe tin bạo loạn, cả nhà mất ăn mất ngủ. Con trai lúc nào cũng hỏi bao giờ bố về khiến lòng tôi càng như lửa đốt.

"Hôm anh Cường báo tin, nói ngày 25/2 sẽ về tới Việt Nam, cả gia đình đã mừng đến nỗi không ngủ được..." - chị Duyên nói.

Đi đón chồng, nhưng không thấy về nên chị và con trai quyết ở lại sân bay Nội Bài chờ bằng được. Đến 20 giờ, thấy PV có mặt tại sân bay, chị Duyên đon đả chạy lại hỏi thì biết mãi sáng 26/2, chuyến bay mới đưa chồng chị về đến Nội Bài. Chị Duyên chỉ biết lặng người rồi cùng con ra ghế chờ đợi.

Ngồi trên đống lửa

Chưa bao giờ người dân các thôn Cẩm Bào, Cẩm Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội lại phải sống trong cảnh phấp phỏng lo âu như những ngày vừa qua. Từ khi được tin bạo động tại Libya, cuộc sống của hàng chục gia đình có chồng, con làm việc tại đây như bị đảo lộn.

Chị Khuất Thị Nương (xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất), có chồng là anh Kiều Văn Khà hiện đang ở Libya cho biết: Sau khi nhận được tin có bạo động, chị mất liên lạc với chồng trong 2 ngày. Trong thời gian đó, cả nhà chị ai nấy như ngồi trên đống lửa.

NLĐ về từ Libya sáng 26/2 tại Nội Bài

Cứ tối đến, dù bận việc hệ trọng đến đâu, hoặc đang ăn dở bữa thì chị và các chị em khác có chồng đi xuất khẩu lao động tại Libya cũng ngồi chăm chăm trước màn hình ti-vi để xem thời sự quốc tế, nắm tin tức.

Cũng trong cảnh thấp thỏm ngóng tin chồng, chị Khuất Thị Quyên (xã Cẩm Bào, huyện Thạch Thất) cho biết, anh Nguyễn Văn Thịnh chồng chị mới sang Libya được 1 năm.

Mấy hôm nay, chị gọi điện liên tục để ngóng tin chồng mà sóng điện thoại phập phù, lúc được lúc không. Tin từ chồng chị gọi về cho biết đã nghỉ làm mấy ngày nay, chủ sử dụng cấm anh em công nhân không được ra khỏi trại.

Hiện anh Thịnh và các công nhân Việt Nam khác vẫn bình thường, đang chờ ngày được về nước với vợ con. 

Phải đảm bảo tính mạng lao động
 
Về tiến độ đưa hơn 10.000 lao động về nước, theo ông Thanh, không thể làm ồ ạt ngay được vì cần phải cân nhắc từng hoàn cảnh cụ thể, từng khả năng của phía đối tác. Những nơi nguy hiểm, cấp bách thì di chuyển sang vùng bớt nguy hiểm hơn, di chuyển bằng các phương tiện sang các quốc gia lân cận.

Bởi, việc tập trung người lao động cũng gặp khó khăn do họ không ở cùng một vùng, khó thuê phương tiện, đó là chưa kể khi có phương tiện rồi, trên đường đi lại gặp phải các đoàn biểu tình của người dân…

Trả lời câu hỏi của PV rằng có những người lao động vẫn mong được ở lại Libya làm việc và nếu về họ có được hỗ trợ trở quay trở lại Libya (khi tình hình không còn bất ổn) không, ông Thanh cho hay, hiện ở một số vùng an toàn, lao động Việt Nam vẫn muốn ở lại làm việc.

“Việc đưa lao động về làm tăng chi phí của DN, mất cơ hội việc làm của người lao động. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo tính mạng cho lao động. Nếu tình hình Libya lắng dịu, tiếp tục tiếp nhận lao động và có đơn hàng tốt thì Cục sẽ xem xét phương án đưa lao động trở lại làm việc”, ông Thanh cho biết.

Vũ Điệp - Hoàng Sang