- Sáng 26/2, 176 lao động Việt Nam tại Libya đã trở về nước trên chuyến bay mang ký hiệu SHJ của hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha trong niềm vui của người thân.
Niềm vui ngày trở về
Đúng 4 giờ sáng ngày 26/2, chuyến bay mang ký hiệu SHJ của hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha đã đáp sân bay Nội Bài (Hà Nội). 176 lao động Việt Nam đang lao động tại Libya đã trở về Việt Nam trong nỗi vui mừng khôn xiết của người thân.
Ngày trùng phùng, có cả những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc; có những cái bắt tay, ôm hôn thật chặt của người thân. Cả khu vực sảnh sân bay Nội Bài ken kín người. Họ đến, để đón chờ những người con thân yêu trở về từ đất nước Libya xa xôi.
Những người lao động đầu tiên trở về từ Libya |
Trước đó, sau khi nhận được thông tin, rằng trong ngày 25/2, lao động Việt Nam sẽ về nước, rất nhiều gia đình có người thân đang sinh sống và làm việc tại Libya đã có mặt tại sân bay Nội Bài để ngóng chờ người thân. Sau một ngày chờ đợi, nhiều người lả đi vì mệt. Nỗi lo âu hằn rõ lên trên khuôn mặt.
4 giờ sáng, có một cô bé đứng ngồi không yên, mắt đăm đăm nhìn qua tấm gương. Rồi cô khóc, giọt nước mắt hạnh phúc sau nhiều ngày chờ đợi khi thấy anh trai mình đưa tay vẫy vẫy qua khung kính.
Huyền và anh trai tại sân bay Nội Bài |
Đỗ Thị Thu Huyền (quê Nam Sách, Hải Dương) bảo rằng, từ ngày nghe thông tin về tình hình tại đất nước Libya, cả gia đình cô như ngồi trên lửa đốt. Bởi, anh trai Huyền – Đỗ Văn Linh đang mắc kẹt tại đó, chưa tìm cách nào để về quê được. Nhiều lần, gia đình tìm mọi cách liên lạc sang cho Linh nhưng không thể.
Chờ đợi mãi, đến sáng 24, mẹ Huyền nhận được điện thoại từ Linh, rằng anh sẽ về nước vào sáng ngày 25/2. Cả ngày hôm đó, Huyền bỏ việc học hành, lên chờ anh tại sân bay Nội Bài. Cả ngày 25, Huyền đứng ngồi không yên vì chờ mãi mà vẫn không thấy bóng anh đâu. Mãi đến 4 giờ sáng, khi người ta nhốn nháo để đón chờ người thân trên chuyến bay quốc tế, Huyền mới chợt bật khóc khi thấy bóng anh trai trong các lao động đang xuống máy bay.
Linh vừa bước ra khỏi sảnh, 2 anh em đã ôm chầm lấy nhau. Nước mắt lăn dài trên đôi mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ.
Khiếp đảm ở đất khách
Đó là những từ mà chúng tôi nhận được nhiều nhất khi hỏi về tình hình tại Libya. Đến bây giờ, anh Nguyễn Bá Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những ngày người dân Libya xuống đường biểu tình. Anh Kiều bảo, công ty của anh cách thủ đô của Libya khoảng 15 km. Những ngày làn sóng biểu tình dâng cao, ông chủ phải đóng toàn bộ nhà máy. Toàn bộ công nhân ở hẳn trong xí nghiệp, ăn bánh mỳ cầm hơi.
Anh Nguyễn Bá Kiều |
“Cách chỗ chúng tôi khoảng 1 ngàn km, đoàn biểu tình còn đập phá cả công ty, xông vào trong xí nghiệp. Những lúc như thế, công nhân Việt Nam chỉ biết ngồi co dúm lại” – anh Kiều kể lại những thông tin mình được anh em bạn bè gần khu vực bất ổn nói lại.
Đến bây giờ, anh Phạm Quang Hiếu (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) vẫn không dám tin là mình đã trở về Việt Nam. Anh bảo, bởi vì mình là một trong những người may mắn nhất khi được rời khỏi đất nước Libya sớm nhất. Hiện còn hàng ngàn lao động Việt Nam đang nằm chờ ở các sân bay, chưa thể về nước.
Anh Phạm Quang Hiếu |
“Lúc chúng tôi rời Libya, đến sân bay Manta, rồi qua Dubai để Việt Nam, còn có hàng ngàn lao động Việt Nam ăn chực nằm chờ tại các sân bay để mong được trở về. Ai cũng lo sợ điều xấu nhất sẽ xảy ra với mình. Chưa bao giờ, tôi chứng kiến một cuộc chạy nạn lớn như vậy” - anh Hiếu nói.
Bằng mọi giá đưa lao động về nước sớm nhất
Lý giải về việc chậm trễ chuyến bay, ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho rằng, chuyến đầu tiên đưa gần 200 lao động về nước là do Vinaconex Mec chủ động phối hợp với đối tác nước ngoài thuê chuyên cơ riêng.
"Trong thời điểm thông tin liên lạc khó khăn, các nước tập trung di chuyển, việc chậm trễ cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn là lao động đã ra khỏi Libya là thoát khỏi vùng nguy hiểm" - ông Thanh nói.
Bộ LĐTB&XH cũng đã cử 4 tổ công tác sẽ nằm ở các quốc gia có biên giới với Libya để cùng với cơ quan ngoại giao hỗ trợ đảm bảo đưa lao động về nước |
Trao đổi với VietNamNet tại sân bay Nội Bài lúc 4h25 sáng nay (26/2), ông Nguyễn Văn Hiệp, quyền Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex Mec cho biết: “Trước mắt, công ty sẽ đưa toàn bộ lao động về trung tâm dạy nghề của công ty nghỉ ngơi và hỗ trợ trước mắt cho mỗi người 1 triệu đồng để về quê với gia đình”.
Về vấn đề số lao động còn lại đang mắc kẹt ở Libya, ông Hiệp cho hay, phía công ty đang tìm mọi cách phối hợp với chủ sử dụng lao động để di dời người lao động ra khỏi Libya. Do địa phận Libya rất rộng và lao động ở dàn trải nên việc tiếp cận lao động trong tình cảnh đất nước này đang hỗn loạn là việc không dễ.
"Đặc biệt, do lượng người rời khỏi Libya lớn khiến sân bay quá tải cũng khiến cho việc đưa lao động về nước gặp nhiều khó khăn” - ông Hiệp nói.
Còn ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết: “Chính phủ đã điều động chuyên cơ của Vietnam Airlines sang để đưa lao động về nước. Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng đã cử 4 tổ công tác sẽ nằm ở các quốc gia có biên giới với Libya để cùng với cơ quan ngoại giao hỗ trợ đảm bảo đưa lao động về nước”.
Về chính sách hỗ trợ cho người lao động về nước trong bối cảnh bất ổn tại Libya, ông Hải cho biết: Sau khi về nước mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, và sau đó, tùy theo chính sách của từng công ty sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng. Ngoài ra, đối với lao động về nước, nếu có nguyện vọng tiếp tục đi XKLĐ thì các công ty sẽ hỗ trợ để đi làm việc tại nước khác.
Được biết, trong ngày hôm nay, dự kiến sẽ có thêm 400 lao động từ Libya tiếp tục về nước.
- Vũ Điệp - Hoàng Sang
Chùm ảnh: Lao động đầu tiên về từ Libya
Lập ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân VN tại Libya
Gần 200 lao động từ Libya chưa thể về nước
Huy động mọi phương án bảo vệ LĐ Việt ở Libya
'Bù đầu' lo cho lao động Việt tại Libya