- Người Việt sang Lào mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, chẳng ngại lao động vất vả miễn sao kiếm được đồng tiền. Thợ nề - công nhân xây dựng được cho là khổ nhất, bỏ sức lao động nhiều nhưng đồng lương chẳng ăn thua. Và rất nhiều hiểm nguy rình rập khi chẳng được bảo hộ an toàn khi lao động.

Và khi rủi ro xảy ra thì thật là khủng khiếp. Vụ tai nạn mới đây nhất tại Pắc Xế (Chămpasack) đã cướp mất sinh mạng của 9 người Việt đến từ Nghệ An khi đang khăn gói di chuyển trong đêm sang công trường khác.

Phụ hồ tuổi vị thành niên

Công trình Đại học Chămpasack những ngày đầu năm 2013 nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Ở Lào, giai đoạn này đang là mùa khô nên thời tiết rất thuận lợi cho việc thi công.

Theo anh Trần Trung Dũng, chủ thầu thi công một hạng mục tại công trường này thì đại đa số lao động tại công trình này là người Việt, đến từ các tỉnh miền trung Việt Nam.

Mỗi lao động đến đây với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung mục đích, cật lực lao động để kiếm tiền.

“Lao động Việt Nam được cái nhiệt tình, không ngại khó khăn nên các chủ thầu xây dựng tại Lào khá ưa thích”, anh Dũng nói.

Phút giải lao hiếm hoi của nhóm công nhân đến từ Thừa Thiên Huế tại công trường Đại học ChămPasack.

Đầu năm 2013, em Lê Bá Thiệu, 17 tuổi (quê Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cũng đã tạm biệt quê hương theo chân đàn anh trong làng, sang Chămpasack để làm phụ hồ.

Đối với lao động như em thì thu nhập thấp hơn những người đi trước vì tay nghề còn non, chỉ làm phụ.

Thiệu tâm sự, làm phụ hồ bên này hay bên Việt thì cũng đều cực nhọc như nhau, nhưng làm ở đây được cái ổn định, số công hàng tháng cao hơn bên Việt Nam do thời tiết thuận lợi, chi tiêu ít nên cũng dành dụm được.

Mỗi tháng trừ ngoài những chi phí sinh hoạt, em cũng tích cóp được khoảng 3 triệu đồng.

Theo anh Lê Hồng (SN 1985, Thừa thiên Huế) thì các chủ thầu tại công trình Đại học Chămpasack chủ yếu là người Việt Nam. Sau khi nhận thầu họ về quê tuyển lao động sang làm.

Họ không thích thuê người Lào vì vừa khó khăn trong giao tiếp, lại vừa có nhiều thói quen, cách làm việc không phù hợp.

“Chúng tôi sang từ đầu năm. Đến đầu tháng 3 xin về làm mùa. Đến mùa mưa, bên Việt Nam thời tiết không thuận lợi cho xây dựng, rất ít việc nên anh em lại rủ nhau sang Lào. Biết là xa quê sẽ có nhiều cái khổ nhưng được cái công việc đều anh ạ”, anh Hồng chia sẻ.

Tốp thợ đến từ Hà Tĩnh đang thi công kè mương tại công trình ở Pắc Xế.

Gần với công trình mà em Thiệu đang đang cùng tốp thợ Huế thi công, tại hạng mục rãnh thoát nước khu đại học, một tốp thợ khoảng 10 người đến từ Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng đang hì hục thi công dưới tiết trời nắng như đổ lửa.

Anh Võ Đức, chủ tốp thợ cho biết, họ sang Lào làm từ 6 tháng nay, do nhận khoán nên thu nhập có cao hơn những thợ khác một chút.

Trong tốp thợ chỉ có em Phạm Quốc Việt là ít tuổi nhất. Việt mới 16 tuổi, nghỉ học sớm đi làm phụ hồ ở quê từ lâu. Nay đi theo các đàn anh trong làng sang Lào mưu sinh.

Việt kể, so về độ vất vả thì nghề công nhân xây dựng ở đâu cũng khổ như nhau. Được cái anh em cùng làng nên rất đùm bọc nhau, nhất là những người ít tuổi như Việt.

Cách Thà Khẹt khoảng 350km là tỉnh Salavan ở miền Đông Nam Lào. Theo lời một người Việt sinh sống ở đây, hầu hết các công trình xây dựng dân dụng ở tỉnh này đều do người Việt thi công.

Công nhân xây dựng chủ yếu là dân nghèo đến từ các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Hiểm nguy rình rập

Theo như những lao động người Việt này, họ sang Lào lao động theo dạng theo đường hộ chiếu phổ thông, chỉ biết ký hợp đồng lao động. Còn các chế độ khác như bảo hiểm thì không biết có được chủ thầu đóng hay không.

“Vừa rồi nghe tin vụ tai nạn ở Pắc Xế làm 9 công nhân xây dựng người Việt tử nạn mà khiếp quá anh ạ. Cứ nghĩ đến những lần di chuyển đến các công trình trong đêm mà thấy ớn quá”, em Xíu, đến từ Lý Hòa, Bố Trạch, Quảng Bình, đang làm ở Salavan tâm sự.
 

Mới 16 tuổi, em Phạm Quốc Việt đã phải sang Lào để lao động kiếm tiền.

Nghe Xíu bày tỏ thế, một công nhân lớn tuổi nói xen vào, vụ tai nạn đó là do di chuyển trong đêm trên chiếc xe không được đảm bảo an toàn. Vừa chở người vừa chở hàng tấn vật liệu xây dựng.

Rồi có thể tài xế người Lào đã ngủ gật khi đến đoạn nguy hiểm nên đã không kịp tránh. Chứ xây dựng công trình dân dụng ở Lào thì cũng đơn giản thôi, rất ít khi xảy ra tai nạn.

Một điều dễ nhận thấy trong quá trình tiếp xúc với những lao động Việt tại Lào làm nghề xây dựng là việc dường như họ chẳng được bảo hộ trong quá trình lao động.

Trên người chỉ có bộ quần áo cũ kỹ với chiếc mũ vải để chống chọi với cái nắng rát mùa khô ở Lào.

Anh Lê Hồng tiếp tục chia sẻ, thợ xây, phụ hồ làm cho tư nhân nên ở Việt Nam hay Lào đều thế cả.

Chỉ có biết cúi mặt lao động thôi chứ chưa từng nghĩ đến việc mình được trang bị bảo hộ hoặc bảo hiểm trong lao động để đề phòng rủi ro.

‘’Ai xui thì phải chịu thôi anh ạ. Nghề này nó thế. Khi bị nạn mà được chủ thầu quan tâm, cho tiền như vụ ở Pắc Xế là được an ủi nhiều rồi’’, một công nhân cho biết.
 

Nhóm thợ Việt đang thi công căn biệt thự cho một quan chức tại tỉnh Salavan.

‘’Cũng bất đắc dĩ, vì quê nhà khó kiếm ra đồng tiền ổn định quá nên mới phải kéo nhau qua Lào lao động, chứ chẳng đâu bằng quê hương. Như nghề như bọn tôi, sức lao động bỏ ra nhiều nhưng đồng lương thì bên Lào hay Việt cũng đều thấp như nhau cả.

Có chăng là đi xa thế này còn tích cóp được đồng tiền để về quê tiêu. Chứ ai mà không may, bị ốm đi viện hoặc gặp tai nạn thì chẳng còn gì. Có khi bỏ xác trên đất khách quê người’’,
anh Lê Minh Nam, đến từ Thừa thiên Huế nhận xét.

Duy Tuấn

(còn nữa)