HTML clipboard - Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cũng đã lên phương án, kế hoạch cụ thể cứu chữa cụ rùa. Theo đó, sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn, với thời gian dự kiến sẽ phải mất hơn 100 ngày.

Khoảng 20h tối qua (28/2), Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu chữa rùa Hồ Gươm đã tiến hành đặt bẫy bắt rùa tai đỏ – loài rùa được cho là một trong những nguyên nhân xâm hại môi trường sống và “tấn công” gây ảnh hưởng sức khỏe của cụ rùa Hồ Gươm.

5 chiếc bẫy được đặt ở các vị trí xung quanh hồ, trong đó khu vực đền Ngọc Sơn được đặt hai bẫy. Theo quan sát, vị trí được chọn để đặt bẫy gần các khu vực có bóng cây tỏa ra um tùm – vị trí mà rùa tai đỏ thường xuyên xuất hiện.









Đo nồng độ oxy trong nước Hồ Gươm

 

Sáng nay (1/3), Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu nước Hồ Gươm để phân tích. Việc đo nồng độ oxy hòa tan trong nước hồ cũng được tiến hành lấy trên 4 vị trí của hồ.

Việc bơm nước sạch để tăng cường lượng nước cho Hồ Gươm cũng vẫn được tiến hành liên tục. Khu vực nạo vét hồ bên phía tượng đài Lý Thái Tổ cũng được duy trì thường xuyên.

Một nhân viên thuộc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết: Công việc nạo vét lòng hồ được tiến hành về đêm để không ảnh hưởng tới giao thông cũng như tránh sự tò mò của người dân và khách du lịch.

Cán bộ chuyên môn của Sở TN-MT Hà Nội tiến hành lấy mẫu nước Hồ Gươm

 

Tối qua (28/2), khu vực chân Tháp Rùa tiếp tục được tiến hành đắp bao cát. Đến ngày 1/3, khu vực chân tháp, các bao tải cát đã được phủ ni-lông.

Chiều 1/3, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo cứu chữa rùa Hồ Gươm sẽ đi thị sát hồ, kiểm tra các hạng mục đầu việc đã giao cho các bộ phận chuyên môn.



Bẫy rùa tai đỏ được đặt ở khu vực Đền Ngọc Sơn.


Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cũng đã lên phương án, kế hoạch cụ thể cứu chữa cụ rùa. Theo đó, sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn, với thời gian dự kiến sẽ phải mất khoảng 100 ngày.

Theo kế hoạch, giai đoạn một, cơ quan chức năng sẽ tiến hành cải thiện môi trường Hồ Gươm, chế tạo dụng cụ bẫy rùa và bể nổi giữ rùa. Giai đoạn này đã được tiến hành ngay từ ngày 26/2, một ngày sau khi Ban chỉ đạo khẩn cấp cứu rùa Hồ Gươm họp thống nhất phương án.

Vị trí bơm nước ngọt vào hồ Gươm ở phía đường Lê Thái Tổ


Việc cải thiện môi trường Hồ Gươm gồm hai việc chính là thu dọn vật cứng và bổ sung nước vào hồ. Thu dọn vật cứng dự kiến kéo dài ba ngày, bắt đầu từ ngày 26/2. Quá trình bổ sung nước kéo dài 20 ngày, bắt đầu từ cuối tháng 2 và sẽ kết thúc vào giữa tháng ba.

Công đoạn chế tạo bể nổi sẽ có hai lựa chọn. Nếu dùng bể bơi sẵn có kiểu như bể thông minh, toàn bộ công việc giai đoạn một (không kể hoạt động cải thiện môi trường Hồ Gươm) dự kiến kéo dài 10 ngày. Còn nếu dùng bể nhân tạo tại hồ, diện tích 250 m2, tổng thời gian giai đoạn một có thể lên đến 30 ngày, do phát sinh các việc mới như chế tạo, vận chuyển, hạ thủy xuống hồ…

Giai đoạn hai sẽ tiến hành bắt và đưa “cụ” lên chữa trị. Tuy nhiên, nếu dùng lưới vét, giai đoạn này dự kiến kéo dài 5 ngày. Nếu dùng bẫy thụ động, tức chờ rùa bò vào, giai đoạn này có thể kéo dài 15 ngày.

Giai đoạn ba, chữa trị và đánh giá kết quả. Quá trình chữa trị gồm có chữa sơ bộ, lấy mẫu, phân tích bệnh, hội chẩn, phác đồ điều trị triệt để.

Kiên Trung

Hồ Gươm bắt đầu được 'chữa trị'
Nếu một ngày, Hồ Gươm vắng cụ rùa…
Cùng hiến kế cứu cụ rùa Hồ Gươm