– UBND TP Hà Nội vừa công bố chính thức các đầu việc được chia cho các sở, ban ngành trong việc cứu chữa cụ rùa Hồ Gươm.


 

Theo nội dung Thông báo số 33/TB-UBND ngày 01/3/2011 của UBND TP Hà Nội, các đầu việc trong kế hoạch cứu chữa cụ rùa Hồ Gươm đã chính thức được phân bổ cho các Sở, ban ngành chức năng trên địa bàn TP.

Trước đó, trong cuộc họp chiều ngày 25/2/2011, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành, đơn vị liên quan về việc chăm sóc, bảo vệ rùa Hồ Gươm; gồm có ông Lê Xuân Rao – GĐ Sở KH&CN; ông Trần Xuân Việt – GĐ Sở NN&PTNT; ông Lê Văn Dục – Phó GĐ Sở Xây dựng; ông Phạm Văn Khánh – Phó GĐ Sở TN&MT; Nguyễn Đức Hòa – Phó GĐ Sở VHTT&DL; Hoàng Đức Hạnh – Phó GĐ Sở Y tế; Nguyễn Văn Thịnh – Phó Văn phòng UBND TP; lãnh đạo công ty Thoát nước Hà Nội; Công ty nước sạch Hà Nội, Chi cục Thủy sản; các chuyên gia, nhà khoa học…

gioi thieu
Ông Lê Xuân Rao – GĐ Sở KHCN được giao nhiệm vụ Phó Trưởng Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổng hợp tiến độ, kế hoạch chữa trị, chăm sóc bảo vệ rùa Hồ Gươm, cải thiện môi trường hồ và kiểm tra việc thực hiện các giải pháp đã thống nhất.

Ông Trần Xuân Việt – GĐ Sở NN&PTNT chỉ đạo tổ chức thực hiện việc bắt, dẫn rùa về chân Tháp Rùa và tổ chức chữa trị, chăm sóc; bố trí lực lượng chuyên ngành làm 3 ca để dẫn bắt rùa an toàn về địa điểm chữa trị.

PGS.TS Hà Đình Đức là thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan; giám sát việc thực hiện các giải pháp chữa trị, chăm sóc và bảo vệ rùa.

 
Mất 100 ngày để chữa trị cho cụ rùa
Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cũng đã lên phương án, kế hoạch cụ thể cứu chữa cụ rùa. Theo đó, sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn, với thời gian dự kiến sẽ phải mất hơn 100 ngày.
 
Sắp được chữa trị, cụ rùa lại nổi
Ngày 1/3, các đơn vị chức năng của Hà Nội tiếp tục chuẩn bị cho việc giải cứu cụ rùa và Hồ Gươm. Và vào lúc 15h, cụ rùa lại nổi...

 

Sở Xây dựng giao nhiệm vụ cho Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức dọn vệ sinh (cỏ dại, chướng ngại vật, phế thải xây dựng…) khu vực xung quanh Tháp Rùa, đã hoàn thành ngày 28/2/2011; thực hiện bằng phương pháp thủ công việc vét bùn, đất, dọn vệ sinh, chướng ngại vật dưới lòng hồ (ven chu vi hồ từ bờ ra khoảng 10m và xung quanh khu vực đảo Đền Ngọc Sơn và chân Tháp Rùa), bắt đầu từ ngày 26/2, hoàn thành trước ngày 20/3/2011.

Công ty Nước sạch Hà Nội tiếp tục bổ cấp nước vào hồ, không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, kiểm tra thường xuyên mẫu nước và đảm bảo tiêu chuẩn nước an toàn cho rùa Hồ Gươm.

Công ty Thoát nước Hà Nội triển khai đặt các bè thủy sinh từ ngày 10/3/2011 tại khu vưc phía Hàng Khay và Thủy Tạ, số lượng 4 bè mỗi đoạn, kích thước bè 1mx4m, khoảng cách giữa các bè 50m, cách bờ 5m.

Sở Xây dựng chỉ đạo gia công, lắp đặt hàng rào đẹp, cao 0,6m khu vực xung quanh Tháp Rùa và đường dẫn từ chân tháp đến bể lưu giữ để bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc chữa trị rùa, hoàn thành trước ngày 05/3/2011.

Sở VHTTDL và PGS.TS Hà Đình Đức sẽ tham gia để thiết kế, thi công hàng rào đảm bảo thẩm mỹ, an toàn cho rùa trong quá trình chữa chạy.

Việc thiết kế bể lưu giữ, chữa trị rùa được giao cho ông Nguyễn Viết Vĩnh và Phạm Trọng Yên phối hợp với các đơn vị liên quan. Công ty Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm khảo sát vị trí dự kiến đặt bể lưu giữ để tổ chức nạo vét bùn, đất và hoàn thành vào ngày 02/3/2011. Từ ngày 01/3, Công ty Thoát nước vét bùn, quây rào bể dưới nước, hoàn thành ngày 03/3/2011 để giữ rùa, không chờ gia công bể lưu giữ.

Trong trường hợp rùa không tự bò lên chân Tháp Rùa, thống nhất hình thức bắt, dẫn rùa về chân tháp bằng lưới mắt nhỏ, mềm, không làm ảnh hưởng đến các vết thương trên thân rùa.

Lưới bắt rùa có thể được thiết kế riêng, mua hoặc gia công chế tạo lưới để bắt dẫn rùa xong trước ngày 03/3/2011.

Sở KH - CN tổ chức bẫy, bắt rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm từ ngày 01/3.

Sở TN - MT được giao nhiệm vụ kiểm tra, quan trắc môi trường nước hồ, nước tại bể lưu giữ trong thời gian chữa trị.

Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm gồm có các ông Nguyễn Huy Đăng – bác sỹ thú y, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng; Hoàng Đức Hạnh – Tiến sỹ, Phó GĐ Sở Y tế làm Phó Chủ tịch Hội đồng và một số thành viên khác thuộc các đơn vị; Sở KH - CN, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Viện Bỏng Trung ương, ĐH Nông nghiệp 1, Chi cục Thủy sản Hà Nội.
 

Dọn dẹp, xây bãi cứu thương cho cụ rùa

Chiều ngày 01/3, vài chục công nhân thuộc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã tiến hành dọn dẹp chân Tháp Rùa và tiến hành xây dựng bãi chữa trị cụ rùa ngay tạid đây.

 

Những rác thải vật liệu xây dựng được vứt bỏ dưới chân Tháp Rùa từ nhiều năm nay đã được trục vớt lên. Đây chính là những phế thải vật liệu xây dựng của dự án xây dựng đường dạo ven chân tháp của ngành du lịch Hà Nội mấy năm trước.
 
 

Dự án này bị loại bỏ khi công luận lên tiếng vì xâm hại đến di tích Tháp Rùa.
 



 
Hàng tấn rác thải vật liệu xây dựng rắn được vớt từ chân tháp, chuyển vào bờ bằng xuồng. Lực lượng công nhân được chia làm hai nhóm, một nhóm làm việc bên chân tháp, vớt rác thải vật liệu xây dựng; làm bãi để tiến hành chữa trị vết thương cho cụ rùa Hồ Gươm; nhóm trên bờ chuyển các bao tải cát lên xuồng và các vật liệu thải được vớt.

Phương tiện vận chuyển chính là thuyền. Những người công nhân này dùng dây kéo thuyền từ bờ hồ ra ngoài đảo và ngược lại.

Một công nhân cho hay: việc tiến hành thu dọn rác thải dưới chân Tháp và xây bãi chữa cụ rùa được tiến hành khẩn trương. Có khả năng, việc tiến hành “bắt” cụ rùa lên cạn và cứu chữa sẽ được tiến hành ngay sau khi bãi chữa trị được xây dựng xong.

 

Kiên Trung