Con đường và cái kết sự nghiệp của Dương Tự Trọng gần giống "lịch trình" của một người được mệnh danh là "Phượng hoàng trên đường phố", nhờ chiến tích săn bắt cướp huyền thoại của mình. Đó là nguyên anh hùng lực lượng vũ trang, cựu Trưởng phòng cảnh sát hình sự CA TP.HCM, thượng tá Dương Minh Ngọc.

Cái tin đại tá Dương Tự Trọng bị bắt, mà lại bị bắt vì tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn, có thể không làm những người thạo tin ngạc nhiên.

Nhưng không ít người biết ông Trọng và nhiều đồng nghiệp cảm thấy một một nỗi buồn, hơn là một sự hoan hỉ. Phần lớn sự hoan hỉ sẽ đến từ các đại ca giang hồ đất Cảng khét tiếng hiện tại hoặc khét tiếng một thời.


Đại tá Dương Tự Trọng

Từ lâu, đội cảnh sát hình sự - săn bắt cướp anh hùng lực lượng vũ trang H88 đã trở thành huyền thoại của công an Hải Phòng.

Bên cạnh những cái tên lãnh đạo đội là nỗi khiếp đảm của dân số má, như thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, thượng tá Nguyễn Trường Tam, có công không nhỏ của một trong những đội trưởng gan góc và sắc bén: Dương Tự Trọng.

Theo nhiều người trong nghề, trong 10-15 năm trở lại đây, nhiều chuyên án hình sự lớn nhất của Tổng cục cảnh sát, ngay cả chuyên án Năm Cam, đều có sự góp mặt của đại tá Dương Tự Trọng, khi thì là tham mưu, khi thì tham gia trực tiếp.

Con đường và cái kết sự nghiệp của Dương Tự Trọng gần giống "lịch trình" của một người được mệnh danh là "Phượng hoàng trên đường phố", nhờ chiến tích săn bắt cướp huyền thoại của mình.

Đó là nguyên anh hùng lực lượng vũ trang, cựu Trưởng phòng cảnh sát hình sự CA TP.HCM, thượng tá Dương Minh Ngọc.

Từ người hùng, người cảnh sát thần tượng của thế hệ trẻ một thời Dương Minh Ngọc, vì không chiến thắng nổi cạm bẫy tiền bạc của ông trùm Năm Cam, đã trở thành tội đồ.

Có một sự trùng hợp cay đắng: Hai người đều là chỉ huy cảnh sát hình sự, đều mang họ Dương. Hai ông cũng có những cái tên rất đẹp: Minh Ngọc (ngọc sáng) và Tự Trọng.

Chắc hẳn, khi con chào đời, các bậc sinh thành cũng muốn gửi gắm, kì vọng thật nhiều vào cái tên đó. Tiếc rằng, ở phần bên kia của cuộc đời, cả hai đều tự phá đổ đi kỳ vọng và thành tựu bao nhiêu năm mới xây được ấy.

Nếu như Dương Minh Ngọc ngã ngựa vì ma trận tiền tài, thì Dương Tự Trọng lại ngã ngựa vì tình máu mủ. Vẫn biết ruột rà là cửa ải khó vượt qua nhất, nhưng người ngoài không thể không cảm thấy tiếc cho ông Trọng.

Một người không gục ngã trước tội phạm khét tiếng, lại gục ngã vì yếu lòng. Người vận động được nhiều tội phạm khét tiếng ra đầu thú, lại vạch kế hoạch chạy trốn cho chính anh trai mình.

Nếu ông Dũng chạy trốn trót lọt thì đại tá Trọng có thể nhẹ lòng với tư cách một đứa em, nhưng ông cũng sẽ đánh mất tất cả lòng Tự Trọng đối với sự nghiệp mà cả bố ông, đại tá công an Dương Khắc Thụ, và ông theo đuổi. Dương Chí Dũng trốn thoát, vụ án gây thất thoát nhiều ngàn tỉ ở Vinalines sẽ gặp khó, hàng triệu người dân đóng thuế “nuôi” Vinaline sẽ phẫn nộ và mất niềm tin vào sự công minh trong định đoạt công tội. Mục đích tối cao của nghề công an là để yên dân. Ở tuổi 52, ông Trọng đi ngược lại điều đó.

Những ngày sau tuổi 52 của ông Trọng, việc phải đồng hành sau song sắt với bao nhiêu tên tội phạm mà ông đã bắt ở những năm bên kia của cuộc đời, vẫn chưa phải là kịch bản đau đớn nhất. Bố mẹ ông, đã chạm cái ngưỡng gần đất xa trời, vẫn còn phải quặn ruột về đứa con không còn nhỏ dại. Cha ông đã rất yếu, hầu như không biết gì, vẫn chưa biết cái tin động trời này. Tất cả gánh nặng nghìn cân ấy dồn lên vai người mẹ đang nuôi chồng bệnh tật.

Ông Trọng, ngoài việc đam mê sửa đồ điện tử như đúng chuyên ngành mình theo học ở ĐH Bách Khoa, còn mê làm thơ. Nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc. Người làm thơ thường có tâm hồn và hay trăn trở. Tôi nhớ một bài thơ ông viết rất cảm động về đấng sinh thành:

“Chỉ có mẹ thôi!
Không bỏ con, dù thế nào đi nữa
Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.
Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời…”

Vì thế, cái đau đớn nhất của tất cả những người con phạm lỗi lầm như ông Trọng chính là khiến cho cha mẹ phải “nhẫn nhục trọn đời” – cho đến lúc xuôi tay, nhắm mắt.

(Theo GDVN)