- Dưới chân họ là một đống đổ nát có độ dày hơn 3m trải rộng trên diện tích của 3 căn nhà. Những mảng tường, những cây cột có thể sập bất cứ lúc nào. Và họ đã quên mình cần mẫn trong suốt 12 tiếng để đem 10 thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường.
>> Ngậm ngùi đại tang vụ tai nạn cháy nổ khiến 10 người chết
>> Nghi vấn xung quanh vụ cháy nổ 10 người chết
>> Thời sự tuần qua: Nổ kinh hoàng, 10 người chết
>> TP.HCM họp khẩn sau vụ nổ làm 10 người chết
>> Nỗi đau cùng cực sau vụ nổ 10 người chết
Từ tiếng kêu yếu ớt
Sau vụ tai nạn làm sập 3 căn nhà và 10 người chết tại TP.HCM, chúng tôi có mặt tại Phòng cảnh sát cứu nạn cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Đại tá Đặng Tiến Dũng giới thiệu thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng đội Cứu nạn cứu hộ, người trực tiếp phụ trách công tác cứu nạn tại hiện trường vụ sập nhà vào rạng sáng 24/2 trên đường Nam Kỳ khởi nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM).
Đào bới và tìm kiếm |
Đội trưởng Tuấn mới 33 tuổi. Gương mặt sạm đen, rắn rỏi, giọng nói nhỏ nhẹ anh lần lượt làm sống lại trước mắt chúng tôi cảnh hoang tàn đổ nát.
Thượng úy Tuấn bắt đầu kể...
Chúng tôi đến hiện trường lúc 1h sáng. Chú tư Dương (Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở PCCC TP.HCM – PV) đã có mặt. Lúc này, lửa vẫn còn và khói bốc lên cuồn cuộn.
Anh em chữa cháy quận 3 đang tích cực dập lửa. Chú Tư căn dặn chúng tôi “có nhiều người trong các căn nhà đổ sụp bị chôn vùi. Bằng mọi giá, trong thời gian ngắn nhất các anh phải tìm cho được những người còn sống....
Lao ngay vào cuộc, đi trên đống đổ nát, chúng tôi xác định độ dày phải trên 3m. Bên dưới có nhiều người bị nạn.
Trong lúc lay hoay, hạ sĩ Nguyễn Thanh Tuyền lắng nghe được tiếng rên la kêu cứu. Tiếng kêu yếu ớt và đứt quãng từ dưới vọng lên. Lập tức khoanh vùng. Bằng mọi cách giảm tải ở vùng phát ra tiếng kêu.
Hiểm nguy rình rập |
Trong khi đó, dưới tấm sàn bị sập lửa vẫn đang hoành hành dữ dội. Không thể dập tắt được, vì bị tấm sàn che khuất, khói bốc ra mù mịt.
Chúng tôi chia ra làm 2 nhóm. Một nhóm do tôi phụ trách bò vào bên trong dưới tấm sàn.
Tối quá, phải dùng đèn cá nhân soi rọi. Sau 25 phút lục soát, nhóm chúng tôi trở lên với kết quả không tìm thấy người nào.
Chúng tôi phán đoán khi xảy ra nổ, nhiều người hoảng loạn sẽ chạy ra cầu thang. Nhóm còn lại đi cùng Trung tá Nguyễn Văn Công, cùng lúc mang khí tài phòng độc vượt qua cầu thang tìm kiếm, phát hiện có một tấm sàn khác bị sụp một bên, khả năng có người bị đè bên dưới. Ở đó vừa tối vừa nhiều khói.
Không thể phá tấm sàn này vì khả năng sẽ gây nguy hiểm nếu có người bị nạn ở đó.
Vì thế, chúng tôi quyết định đào sâu xuống. Qua được hơn 2m xà bần đổ nát, một bàn tay ló ra. Còn vui mừng nào hơn?
Phát hiện này giúp anh em phấn chấn hẳn và tiếp tục tìm kiếm.
Một nạn nhân nữ nằm dưới một cái tủ đã dập nát (hay một cánh cửa) được che khuất và có không khí để thở nên vẫn còn sống. Sau gần 2 tiếng đào bới, đến 3h15 chúng tôi đưa nạn nhân đầu tiên ra ngoài.
Đó là bà Lưu Thị Rép (70 tuổi). Bà rất may mắn chỉ bị chấn thương nhẹ.
Từ vết máu và mùi nước hoa
Công cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục, anh Tuấn kể tiếp với chúng tôi. Anh nói, lúc bấy giờ thông tin từ bên ngoài cho biết chỉ còn 4 người.
Đưa thi thể nạn nhân ra ngoài |
Nhóm của Trung tá Công có sự tham gia của chú Tốt (ông Nguyễn Ngọc Tốt, một công chức lưu dung có thâm niên và nhiều kinh nghiệm trong công tác cứu nạn – Pv) quan sát toàn bộ hiện trường.
Một tấm sàn bị sụp theo hình chữ V hướng về nhà 384/7A.
Cả nhóm dựa theo bức sàn sụp này tiến xuống dưới, bởi rất có thể khi xảy ra sự cố nhiều người đang ngủ trên tấm sàn đó. Vừa đào bới, vừa lắng nghe hi vọng có tiếng kêu cứu. Anh em làm việc hết sức thận trọng, nhẹ nhàng.
Trong lúc đó, chú Tốt nghe có mùi nước hoa thoang thoảng. Lần theo vị trí phát hiện ra bà Rép, có nhiều vết máu chạy dài ra hướng cửa nhà, anh em phát hiện hai thi thể một nam một nữ nằm cạnh nhau đang bị một đoạn bê tông cột đè. Đầu nạn nhân đã biến dạng.
Lúc này trời đã mờ sáng...
Chuyển nạn nhân về nhà xác |
Cùng thời điểm đó, nhóm của chúng tôi cũng vừa phát hiện ra hai thi thể khác. Đào xuống bên dưới, một thi thể cháy đen không còn nhận dạng được cũng đã tìm thấy.
Thi thể cả 5 nạn nhân được đưa ra khỏi vị trí bàn giao cho y tế vào lúc 8g sáng.
Hai người nam nữ bị cột bê tông đè được xác định là vợ chồng ông Phương. Ba người còn lại là bà Xuân, Kiều Anh và một người không xác định được.
Lực lượng cứu nạn với 79 cán bộ chiến sĩ đã vật lộn với những hiểm nguy gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Bất chấp những tai nạn rình rập chờ chực, các anh em đã không quản ngại vượt qua tất cả với một mong muốn xoa dịu bớt phần nào nỗi đau.
Trần Chánh Nghĩa