- "Mục tiêu không phải là để phạt người dân, mà Uỷ ban ATGT Quốc gia muốn thông qua các chiến dịch này vừa xử lý, vừa tuyên truyền người dân cần sử dụng MBH đảm bảo chất lượng, để bảo vệ chính bản thân họ".

Xung quanh việc xử phạt MBH rởm đang xôn xao dư luận, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia:

- Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà Uỷ ban ATGT lại đề xuất xử phạt đội MBH rởm từ ngày 15/3 tới?

Hiện nay, tỷ lệ đội MBH rởm (không phải MBH), không đảm bảo chất lượng chiếm xấp xỉ 70%.

Trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2013, trong số các ca tai nạn liên quan đến chấn thương sọ não nhập viện tại Bệnh viện Việt Đức, có tới khoảng 50% là liên quan đến việc không đội MBH hoặc đội mũ không đảm bảo chất lượng.

Để xử lý vấn đề này, bắt đầu từ ngày 15/3 đến 15/4, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức một chiến dịch truyền thông để giúp ngươì dân phân biệt đâu là MBH thật, đâu là mũ BH rởm.

Cũng trong 1 tháng này, lực lượng quản lý thị trường sẽ ra quân đồng loạt trong cả nước, để kiểm tra, xử phạt mạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh bày bán MBH rởm, để làm sạch thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: "Mục tiêu không phải là để phạt người dân".

- Có ý kiến cho rằng, tại Nghị định 34 và Nghị định 71 chỉ quy định xử phạt người không đội MBH và đội MBH không đúng quy cách khi đi mô tô, xe máy  chứ chưa có quy định phạt người đội MBH rởm?

Về mặt pháp lý, trước hết trong Nghị định 34 và 71 đều có quy định xử phạt hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không đúng quy cách thì bị xử phạt từ 100 đến 200 ngàn đồng.

Có một số chuyên gia, thậm chí có người đang làm trong các cơ quan quản lý cứ phân vân trong quy định không có dòng nào nghi “phạt MBH giả”.

Thế nhưng họ đã hiểu chưa đúng quy định này. Bởi, đội MBH giả như mũ thời trang, mũ nhựa, mũ gián tem giả không đảm bảo chất lượng… đều không phải là MBH, do vậy vẫn bị xử phạt đúng theo Nghị định  34 và 71 là không đội MBH.

Thực tế, theo báo cáo từ lực lượng CSGT, hàng năm lực lượng này vẫn xử phạt 600 ngàn trường hợp không đội MHB chứ không phải đến 15/4 này mới phạt.

- Nhưng MBH rởm, hay nói đúng hơn là mũ “nhái” giống MBH bán trên thị trường sẽ khiến người dân đi mua không dễ phát hiện?

Hiện nay, trên thị trường có 2 loại. Một loại không phải MBH theo kiểu mũ thời trạng và một loại “nhái” giống MBH không đảm bảo chất lượng.

Với loại mũ được “nhái” giống MBH không đạt chuẩn (dù vẫn có tem, nhãn, hoặc có kiểu dáng giống hệt MBH đạt chuẩn) nhưng khi thử nghiệm thì nó không đạt theo yêu cầu, không đạt chất lượng làm người dân rất khó nhận biết.

Với những loại mũ “nhái” này, trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng mà đặc biệt là Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Tổng Cục quản lý đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ).

Hai đơn vị này sẽ có kế hoạch ra quân dẹp bỏ triệt để những mặt hàng mũ “nhái”, mũ rởm này.
 

Để MBH rởm, mũ thời trang không đảm bảo chất lượng bán tràn lan trên thị trường, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý thị trường.

- Trước đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều đợt ra quân xử lý mũ “nhái” MBH không đảm bảo chất lượng được bày bán trên thị trường nhưng vẫn được bày bán tràn lan?

Trước đây đã có một số đợt ra quân xử lý theo kiểu xử lý buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè đối với việc bán mũ “nhái” MBH, mũ thời trang không đảm bảo chất lượng.

Xử lý theo đợt như vậy chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”,  bởi nó không được xử lý triệt để trên địa bàn cả nước và khi ra quân chỉ xử lý trên một số địa bàn thành phố, dẫn đến thực tế bắt chỗ này họ lại chạy đến chỗ khác bán.

Chính vì vậy nên từ ngày 15/3 đến 15/4, Cục quản lý thị trường và Tổng Cục đo lường chất lượng sẽ vào cuộc xử lý quyết liệt.

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường đã cam kết sẽ làm liên tục trong vòng 3 tháng để dẹp bỏ MBH rởm.

Tôi tin nếu các cơ quan vào cuộc quyết liệt thì tình trạng sản xuất, buôn bán MBH rởm sẽ giảm và không còn nữa.

- Ông đánh giá như thế nào khi có ý kiến cho rằng do cơ quan chức năng không quản lý tốt nên mới dẫn tới tình trạng mũ rởm, mũ “nhái” MBH được bày bán tràn lan trên thị trường. Và khi không thể quản lý được cơ sở sản xuất, cũng như thị trường thì quay sang phạt người dân?

Tôi cho rằng ý kiến này đúng, nhưng chưa đủ. Như đã nói, tình trạng mũ “nhái” MBH bày bán tràn lan trên thị trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí có cả chính quyền địa phương.

Thế nhưng, việc có phải vì không quản lý được nên quay sang phạt người dân hay không? tôi khẳng định là không.

Bởi, tại Nghị định 34 (2008) đã có quy định xử phạt những người đi mô tô, xe máy không đội MBH đã bị xử phạt rồi và CSGT vẫn xử phạt từ đó đến nay.

Mục tiêu ở đây không phải là để phạt người dân, mà Uỷ ban ATGT Quốc gia muốn thông qua các chiến dịch này vừa xử lý, vừa tuyên truyền để khuyến khích, nhắc nhở người dân cần sử dụng MBH đảm bảo chất lượng để bảo vệ chính bản thân họ.

- Xin cám ơn ông!

Vũ Điệp  (thực hiện)