- Một cán bộ công an Hà Nội, từng nhiều năm tham gia phá án, ngày đêm phải đối mặt với các loại tội phạm đã chia sẻ "hạn chế" của người "được phát súng nhưng không dám bắn".

Xung quanh đề xuất cho phép nổ súng bắn kẻ chống người thi hành công vụ, để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với những người trực tiếp trấn áp tội phạm nguy hiểm.

Nổ súng là cần thiết?

Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (CA Hà Nội) khi được hỏi đã bày tỏ: "Quá đồng ý luôn".

Ông Hải đưa ra lý do sự đồng thuận của mình với dự thảo: "Trong thời gian  vừa qua, việc chúng ta đấu tranh những đối tượng chống người thi hành công vụ nhiều khi hơi co vào.

Nhìn rộng ra các nước, người ta đã làm từ lâu việc nổ súng ngăn chặn sớm, huống hồ, trong dự thảo Nghị định quy định rõ, đó là hành vi gây nguy hại cho người thi hành công vụ, cho người dân, cho tài sản của nhà nước, của dân.

Tức là mình rất thận trọng rồi. Cho nên, theo tôi, việc nổ súng là cần thiết!".

Số vũ khí mà lực lượng 141, Công an Hà Nội thu được.

Theo ông Hải, trước tiên, chúng ta phải bảo vệ người thi hành công vụ, bảo vệ dân trước đã.

Đối với những đối tượng cầm dao xông vào chẳng hạn, cần phải trấn áp bằng biện pháp mạnh mới có tính răn đe, phòng ngừa để không để xảy ra hậu quả lớn hơn.

Ông Hải nhấn mạnh thêm: "Giai đoạn này thấy rất cần thiết rồi".

"Được phát súng nhưng không dám bắn"

Chia sẻ quan điểm cá nhân của mình, một cán bộ công an Hà Nội, từng nhiều năm tham gia phá án, ngày đêm phải đối mặt với các loại tội phạm chia sẻ "hạn chế" của người "được phát súng nhưng không dám bắn".

Để dẫn chứng cho "nỗi khổ" này, cán bộ này kể lại câu chuyện xảy ra vào năm 1989, khi anh còn là cảnh sát hình sự, công an quận Đống Đa.

Khi đó, anh cùng hai đồng đội đang đi tuần tra trên đường thì phát hiện một thanh niên đi xe lạng lách, có nhận dạng giống một đối tượng truy nã.

Anh cùng hai đồng đội áp sát đối tượng, yêu cầu kiểm tra. Tuy nhiên, gã thanh niên không chấp hành.

Khi đi đến ngõ Hoàng An, gã thanh niên gọi thêm nhiều đối tượng khác ùa ra để "đánh tháo".

Thấy số người từ trong ngõ ùa ra khá đông với thái độ hung hãn, anh cùng đồng đội đã phải giơ thẻ ngành, rút súng bắn chỉ thiên cảnh cáo.

Thế nhưng, các đối tượng manh động vẫn tiếp tục xông vào, thậm chí định cướp súng của cảnh sát.

Trong trường hợp đó, một đồng đội của anh đã phải gắng nằm đè lên khẩu súng, ngay giữa lòng đường, không để các đối tượng hung hăng cướp được súng, gây hậu quả khôn lường.

Ngay sau đó, các anh được "giải cứu" khi công an phường Lê Đại Hành đi tuần tra nghe tiếng súng nổ (chỉ thiên) đã báo cáo lên công an thành phố. Công an thành phố sau đó đã tăng cường lực lượng "giải cứu" cho ba cảnh sát hình sự.

Thể hiện quan điểm của mình về việc 'được bắn hay không' trong dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, cán bộ này nói: "Quy định này đúng đắn và hơi muộn. Đối với cảnh sát và lực lượng kiểm lâm các nước, người ta có từ lâu rồi. Những quy định trong dự thảo là để đảm bảo cho quyền lợi người dân chứ không phải quyền lợi của cảnh sát!".

Cán bộ này tin rằng, những quy định trong dự thảo là để người dân chấp hành pháp luật tốt hơn, và cũng là để người dân nhìn nhận pháp luật được thực hiện nghiêm minh hơn.

T.Nhung

>> Ai chịu trách nhiệm khi bắn "sai người, sai tội"?
>> Lằn ranh pháp lý của một viên đạn
>> Lo ngại đề xuất 'nổ súng bắn kẻ chống người thi hành công vụ'
>> Đề xuất cho phép bắn đối tượng chống người thi hành công vụ
>> Côn đồ tấn công cảnh sát gây thương tích nặng