Nơi đó, nhiều người vẫn ngày đêm mải miết cùng cả ba lô "bùa ngải", vốn được dân tìm trầm xem như "bùa hộ mệnh" giúp chống lại thú dữ, tà ma, bệnh tật… những mong tìm được cơ hội đổi đời.

Các tin liên quan

Sẽ khai quật thi thể 5 phu trầm bị giết?

Vụ giết 5 phu trầm, bắt nghi can thứ 3 bên Lào

Vụ giết 5 phu trầm: Giải oan cho nhân chứng

'Kịch bản' kinh hoàng của kẻ giết 5 phu trầm

Khởi tố kẻ giết 5 phu trầm chấn động

Nhưng cuối cùng, luật rừng tàn khốc khiến không ít tay tìm trầm lão làng khó thoát khỏi án tử, để lại bao nỗi đau cho người thân và gia đình...

Trả giá bằng tính mạng

Mấy ngày qua, dư luận không khỏi kinh hoàng trước việc 5 thợ tìm trầm ở hai xã Quảng Sơn và Quảng Minh (Quảng Trạch - Quảng Bình) bị một nhóm người lạ bắt giữ và bắn chết trong khi đang đi tìm trầm ở biên giới Việt - Lào. Ba người trong nhóm sống sót trở về, nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh với nỗi kinh hoàng không thể kể hết…

Trước đó nhiều ngày, nhóm tìm trầm của họ có 6 người, sau 20 ngày đi khắp các khu rừng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), đến ngày 23.3.2013, một nhóm thợ khác có 9 người bị trấn lột, trên đường chạy trốn thì gặp nhóm 6 người nên xin nhập hội.

Hai nhóm thợ rừng nhập lại thành một đội gồm 15 người. Trưa hôm đó, nhóm phân công 7 người cắt rừng trở về lấy gạo, 1 người đi hái rau, còn 7 người ở lại giữ lán trại.

“Khoảng 11h hôm đó, bỗng nhiên có 3 người bịt mặt xuất hiện, 1 người cầm súng AK, 1 người cầm nhiều sợi dây dù, còn 1 người cầm đá ném vào trong lán trại của chúng tôi đe dọa.

Chúng bắt 1 người tự tay trói 6 người còn lại trong nhóm. Sau khi trói xong cả 7 người, chúng dắt tất cả đi vào rừng. Đến khoảng 15h thì dừng lại nấu cơm, nhưng không cho chúng tôi ăn.

{keywords}

Tại đây, chúng đòi mỗi người phải nộp 15 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắn chết”, một nhân chứng may mắn sống sót bàng hoàng kể lại.

“Lúc đó, một người tên Thắng nói không có tiền liền bị một tên bắt cóc lấy dây leo thắt vào cổ. Hoảng sợ, một người khác tên Hà hứa sẽ về nhà đưa tiền cho bọn chúng.

Đi tiếp đến tối, những kẻ bắt cóc dựng một lán nhỏ, trói 6 người lại với nhau, còn anh Hà thì được thả về lấy tiền. Bọn chúng đưa cho anh Hà một cây đèn pin và yêu cầu đến tối 25.3.2013 phải đưa tiền chuộc, nếu không sẽ giết chết 6 người còn lại.

Tối đó, cứ 30 phút, một người trong nhóm bắt cóc lại cầm dao, đèn pin đi vào rừng, sau đó chúng tôi nghe thấy có tiếng đào bới đất. Đến 2h sáng thì nhóm bắt cóc gọi chúng tôi dậy, cho mỗi người một điếu thuốc. Lúc đó, tôi giả vờ ngủ say để tìm cách mở dây trói.

Sau khi hút xong, bọn chúng dắt một người đi ra rừng, lát sau, tôi nghe thấy tiếng đấm đá như đánh vào cây chuối, rồi im lặng. Vài người khác lần lượt bị bọn chúng đưa vào rừng. Khi nghe tiếng hét đau đớn, tôi vội vàng tháo dây trói và thoát chạy. Nhóm bắt cóc thấy tiếng động liền cầm đèn pin đuổi theo...”, nhân chứng kể tiếp.

Đến sáng hôm sau, người này quyết định đón xe lên ngã ba Dân Chủ trên đường 16, giáp biên giới Việt - Lào và đến báo tin cho Đồn biên phòng 601, sau đó anh lại lên trình báo cho Đồn biên phòng Cù Bai (Quảng Trị).

Đến khi bộ đội biên phòng quay trở lại địa điểm xảy ra vụ bắt cóc thì đã có 5 người bị giết, gồm Đinh Xuân Thân (33 tuổi), Trần Văn Trị (34 tuổi), cùng trú ở xã Quảng Sơn; Nguyễn Văn Thắng (45 tuổi), Nguyễn Văn Sáu (23 tuổi) và Trương Thanh Hiền (37 tuổi), trú ở xã Quảng Minh.

Qua điều tra, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xác định, địa điểm 5 người bị giết cách biên giới Việt - Lào khoảng 700m về phía Lào. Theo nhận định ban đầu, đây là vụ giết người cướp của và bắt giữ người để đòi tiền chuộc. Hiện, cơ quan chức năng đã bắt giữ 2 đối tượng nghi phạm là Hồ Văn Thành (SN 1974) và Hồ Văn Công (SN 1975).

Những luật lệ bất thành văn


Sau khi xảy ra vụ 5 thợ rừng bị giết, chúng tôi tìm đến một tay “đi điệu” (cách gọi những người ngậm ngải tìm trầm chốn rừng thiêng – PV) đã giải nghệ để tìm hiểu về nghề của phu trầm.

Ông Phạm Cương, 51 tuổi, trú tại Đại Tân (Đại Lộc - Quảng Nam), người từng có 30 năm lặn lội khắp các vùng trầm từ Quảng Bình tới Khánh Hòa tìm giấc mơ đổi đời, nhưng cuối cùng vẫn trở về với hai bàn tay trắng…

Ông Cương kể: “Hơn 30 năm lăn lộn trong những vùng rừng thiêng nước độc, ngần ấy thời gian đủ để tôi rút ra một điều, dẫu có đủ loại bùa hộ mệnh thì ngay cả những tay “đi điệu” lão làng cũng khó thoát khỏi án tử treo sẵn trên đầu. Với nghề ngậm ngải tìm trầm, mọi sự khinh suất, lơ là đều phải trả giá bằng tính mạng!”.

Cũng theo ông Cương, với những người “đi điệu”, trong quá trình bán mạng giữa rừng già, nếu gặp được trầm kỳ thì phải tuyệt đối kín tiếng, không ai được tranh giành phần hơn, bởi lòng tham là con dao vô hình, khiến các thành viên trong nhóm tương tàn.

Khi khoanh vùng được nơi trầm “trú ẩn” phải khai thác theo kiểu “đánh nhanh rút gọn” rồi chẻ nhỏ, mỗi người giữ một phần tương xứng và nhanh chóng ra khỏi rừng. Việc “ăn lộc Bà” thần tốc như vậy là để tránh bị các nhóm khác dòm ngó rồi giết hại để cướp trầm kỳ.

“Người ta vẫn thường thêu dệt chuyện người hóa cọp khi đi tìm trầm, chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng có một điều chắc chắn mà dân “đi điệu” lâu năm như chúng tôi cũng khó giải thích, đó là chỗ nào có nhiều trầm kỳ là nơi đó nhiều cọp.

Nghe đồn rằng, nếu gặp cọp ở khu vực phát mùi trầm kỳ, chỉ cần lấy ngải đốt xông thì cọp sẽ hiện nguyên hình người. Ngặt nỗi ở nơi rừng sâu hoang vu như vậy, gặp cọp như gặp thần chết nên chẳng ai đủ dũng khí làm cái chuyện xông ngải cho nó hóa người! Thế nên những lời đồn đại cứ lan ra mãi, chẳng biết thực hư ra sao”, ông Cương gật gù nói thêm.

Với nghề ngậm ngải tìm trầm, việc ra đi phải hoàn toàn bí mật. Và vì trầm hương là kết tinh của trời đất núi rừng, là thứ sản vật sạch sẽ, thơm tho nhất trần gian nên kẻ “đi điệu” muốn gặp được trầm kỳ nhất thiết phải thanh tâm. Đó là luật lệ bất thành văn.

Thường mỗi chuyến xuyên đại ngàn như thế, nhóm dân “điệu” sẽ bầu chọn “bầu trưởng”, là người chỉ huy chuyến đi, rồi cùng nhau cắt máu ăn thề, theo kiểu “phước cùng hưởng, họa cùng chịu”. Người được chọn phải có sức khỏe, trí tuệ, uy tín, sự gan dạ và quyết đoán hơn người.

Khi hỏi về chuyện “ngậm ngải”, ông Cương quả quyết nói: “Ngậm ngải tìm trầm là chuyện hão huyền, bởi “ngải” ở đây chỉ là một thứ củ rừng giúp tránh rắn rết mà thôi. Rừng già khắc nghiệt lắm, nếu không thề sống chết có nhau thì rất khó sinh tồn.

Ngoài việc luôn đề cao cảnh giác, sống chết có nhau, còn có vô số luật lệ khác mà dân ngậm ngải bắt buộc phải tuân theo. Ví như trước khi đi không được gần gũi phụ nữ; phải làm lễ khấn Bà, cúng Bà, cầu xin Bà ban lộc.

Trong rừng, mọi người không được ăn nói lớn tiếng, tránh làm kinh động chư thần, không ai được nhen nhóm hận thù, không tham - sân - si..., bởi theo dân gian, những ai thành tâm, kiên trì, có đức tin, giữ lòng mình trong sạch… mới được Bà “ban lộc”.

Còn có những luật định bất thành văn khác trong nghề “đi điệu” như lúc gặp “lộc Bà”, những ai có mặt ở đó đều được chia phần, ví như có 100 người thì chia đều cho 100, tất nhiên người phát hiện khúc kỳ sẽ được phần hơn.

Đặc biệt, không được khai thác theo kiểu “tận diệt” mà phải để lại một phần cho người khác hưởng “sái”, cũng đồng thời là cách phòng thân, chẳng may trong quá trình ra khỏi rừng bị các nhóm khác trấn cướp thì còn có cơ hội quay lại điểm cũ để gỡ gạc.

Khi ra khỏi rừng, việc mua bán phải được tiến hành nhanh chóng để tránh thiên hạ nhòm ngó, hoặc bị trộm cướp. Bán được tiền rồi thì phải làm lễ tạ ơn Bà, giúp đỡ những người khốn khổ xung quanh mình”.

Tôi hỏi: “Đi trầm nhiều năm như thế, ông đã được Bà ban lộc chưa?”, ông Cương gật đầu bảo: “Cũng có đôi lần, nhưng rồi của thiên trả địa hết”.

Bên mái bếp nghèo, ông Cương cười chua chát: “Đó như là định mệnh của những người nuôi ước mơ tìm trầm, chấp nhận sinh nghề tử nghiệp. Mỗi bước chân ra đi, họ luôn để lại phía sau biết bao nỗi lo lắng cho cha mẹ, vợ con nơi quê nhà.

Cho đến bây giờ, dẫu "cơn sốt" trầm kỳ có phần lắng xuống, nhưng vẫn không kìm được những bước chân cuồng vọng của đội quân ngậm ngải tìm trầm, những cánh rừng vẫn đang từng ngày đổ lệ vì các cuộc bới đào của hàng ngàn lượt người tìm kiếm "máu" của rừng...”.

(Theo Kinh Tế Nông Thôn)