- Buổi sáng, các bị cáo bị xét hỏi và tranh cãi về chi tiết “tháo dỡ” và “phá dỡ” đối với tài sản của người bị hại.
Thừa nhận thông báo sai
Bị cáo Phạm Xuân Hoa (nguyên Trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Lãng) khai nhận: Được sự phân công của Trưởng ban (ông Nguyễn Văn Khanh, PCT huyện Tiên Lãng), Hoa đã thực hiện soạn thảo, chỉnh sửa thông báo 225 nhiều lần (4-5 lần) sau đó ông Khanh chỉnh sửa sau cùng và ký.
Thông báo 225 có nội dung phân công Hoa làm tổ trưởng tổ 2 thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ các công trình cản trở lối đi, lều trông coi… trên khu vực cưỡng chế.
Bị cáo Phạm Xuân Hoa |
Theo bị cáo Hoa, thông báo 225 không trái với kế hoạch 104 mà chỉ cụ thể hóa kế hoạch 104. Tuy nhiên, khi HĐXX xét hỏi, QĐ thu hồi cưỡng chế không có nội dung tháo dỡ, nhưng trong thông báo 225 có nội dung “tháo dỡ” tài sản trên đất thu hồi của ông Vươn là trái với kế hoạch 104, bị cáo Hoa đã thừa nhận thông báo này có sai trái.
Sau đó, với vai trò là tổ trưởng tổ 2, Phạm Xuân Hoa đã ban hành hai thông báo (số 01, 02) cho các tổ viên của mình. Bị cáo Hoa nói, hai thông báo hoàn toàn phù hợp với thông báo 225.
Bị cáo Hoa khai nhận khi đó đã có mặt tại khu vực cưỡng chế, đôn đốc các tổ viên thực hiện tháo dỡ, có sử dụng các dụng cụ thô sơ như vồ, búa, thang (không nhớ có xà beng) để tháo dỡ các công trình trên đất của Đoàn Văn Vươn, một số công trình phụ của Đoàn Văn Quý.
Riêng khu vực nhà hai tầng kiên cố của ông Quý, các phương tiện thô sơ này không tháo dỡ được nên phải để lại (sang ngày hôm sau).
Bị cáo Hoa cho biết, thời điểm cưỡng chế, Hoa có mặt ở khu vực 19,3ha (phần diện tích thu hồi) nên không nhìn thấy việc đốt dỡ lều coi đầm của ông Đoàn Văn Vươn.
Theo bị cáo này, trước khi chuẩn bị cưỡng chế, UBND huyện tổ chức nhiều cuộc họp nhưng không có nội dung chỉ đạo tháo dỡ. Hoa cho hay, mình không đôn đốc việc tháo dỡ, không kiểm soát được hành vi phá dỡ của các tổ viên nên với vai trò là tổ trưởng, thấy mình phải chịu trách nhiệm này.
Việc phá dỡ, tháo dỡ xảy ra sau khi có hành vi nổ súng chống trả của anh em Vươn, Quý. Bị cáo này cũng không biết ai là người nổ súng vì mình đứng ở xa.
Việc cưỡng chế bắt đầu thực hiện từ thời điểm khoảng 14h30 đến 15h thì xong các công trình khu vực ngoài (giáp biển) của ông Vươn. Tổ 2 đã thực hiện lập biên bản bàn giao vào hồi hơn 15h, Hoa tham gia ký biên bản bàn giao (đo đạc cắm mốc, kê biên tài sản…) cho Ban chỉ đạo.
Bị cáo Hoa cho biết mình không có mặt trong việc cưỡng chế ngày hôm sau (6/1).
Về hành vi “hủy hoại tài sản” bị truy tố, bị cáo này cho rằng mình chỉ là người được giao nhiệm vụ phụ trách tổ phá dỡ, tự bản thân đã nhận thấy trách nhiệm một phần chứ không tham gia toàn bộ việc phá dỡ, nên chủ động khắc phục bồi thường 70 triệu đồng.
Bị cáo Phạm Đăng Hoan khai trước tòa: không tham gia phá nhà ông Vươn (ngày 5/1), bị cáo có đôn đốc chỉ đạo phá nhà ông Đoàn Văn Quý, có gọi điện để thuê xe máy xúc phục vụ việc tháo dỡ.
Phạm Đăng Hoan thừa nhận có nhận thức về hành vi chỉ đạo phá nhà ông Đoàn Văn Quý là sai trái nên đã tự nguyện nộp 70 triệu tiền của gia đình, bản thân và vay mượn bạn bè để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Lê Văn Liêm |
Bị cáo Lê Thanh Liêm, nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang khai trước tòa: UBND xã Vinh Quang được mời tham gia đoàn cưỡng chế, được giao nhiệm vụ chuẩn bị các dụng cụ phục vụ tổ công tác.
Về sự việc phá dỡ nhà ông Đoàn Văn Quý vào ngày 6/1, bị cáo Liêm khai: đây là nhiệm vụ xã Vinh Quang được huyện giao nên Liêm và Hoan đã chỉ đạo, đôn đốc việc phá dỡ vào sáng ngày hôm sau.
Khi phá dỡ xong đã tiến hành kê biên để báo cáo Ban chỉ đạo đồng thời chuyển các tài sản, vật dụng sau khi tháo dỡ về nhà kho của UB xã.
Trước và sau khi tiến hành cưỡng chế, bị cáo Liêm cũng được tham dự nhiều cuộc họp của UB huyện họp bàn về vấn đề này, nhưng không có nội dung nào nhắc đến việc “tháo dỡ” tài sản trên đất của Vươn – Quý.
Theo bị cáo Liêm, bị cáo ý thức được hành vi tham gia tháo dỡ nhà ông Quý là vi phạm pháp luật nên đã chủ động tự nguyện nộp 70 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Nguyên PCT Tiên Lãng giải trình trước tòa
Trái với các lời khai của Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm, bị cáo Nguyễn Văn Khanh (nguyên PCT huyện, Trưởng ban chỉ đạo) cho rằng, tại các cuộc họp trước khi quyết định cưỡng chế đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, nội dung “tháo dỡ” tài sản trên đất đã được đưa ra trước cuộc họp.
Bị cáo Nguyễn Văn Khanh |
Bị cáo Khanh cho biết: cá nhân bị cáo phản đối việc cưỡng chế, thu hồi 19,3ha đầm của Đoàn Văn Vươn, bản thân bị cáo đã ủng hộ việc cho ông Vươn thuê tiếp diện tích này từ thời điểm 18/10/2010.
Cũng theo bị cáo Khanh, thông báo 225 do Phạm Xuân Hoa soạn thảo có chi tiết “phá dỡ” nhưng chính Khanh đã xóa chứ này đi, và yêu cầu thay bằng chữ “tháo dỡ”.
“Điều này phù hợp với tinh thần chung của các cuộc họp, kế hoạch cưỡng chế… được nêu trong các cuộc họp của UB huyện, phù hợp với thực tế tình hình. Trước ngày cưỡng chế, tôi đã xuống thực địa đầm bãi của ông Vươn và nhận thấy có nhiều hàng rào được dựng, có lều coi ở giữa đầm, hộ của ông Vũ Văn Luân (xã Hùng Thắng, cũng nằm trong diện cưỡng chế) còn xây thêm một bờ tường mới, vì thế cần phải tháo dỡ để lấy mặt bằng” – bị cáo Khanh.
Chi tiết gọi điện thuê xe xúc vào chiều 5/1, bị cáo Khanh cho biết: thời điểm cưỡng chế đầm của ông Vươn vào chiều 5/1, Khanh không có mặt tại khu vực 19,3ha mà có mặt tại điểm cuối của khu vực 21ha giáp ranh với khu đất bị cưỡng chế.
Lý do: khi xảy ra sự việc chống đối của anh em ông Vươn, buổi chiều có lực lượng khám nghiệm hiện trường nên Khanh có mặt tại khu vực này.
Khoảng 17h chiều, Phạm Đăng Hoan (bí thư xã Vinh Quang) có nhờ Khanh gọi điện thuê xe máy xúc.
Kiên Trung
Các tin liên quan |
Đang xét xử các cựu 'quan huyện' Tiên Lãng |