- Trước diễn biến phức tạp của cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và nguy cơ cao có thể xâm nhập vào Việt Nam rồi bùng phát thành dịch lớn, Bộ Y tế Việt Nam vừa thông qua kế hoạch phòng, chống cúm A/H7N9 với 4 kịch bản.

Đây được xác định là căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể tại từng địa phương và trình UBND tỉnh, thành phố đầu tư kinh phí để thực hiện.

Bộ Y tế cho biết hiện tại vi rút cúm A/H7N9 chưa ghi nhận tại nước ta.

Tuy nhiên kinh nghiệm từ phòng, chống dịch SARS, cúm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1/09 thì vi rút có thể lan truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian ngắn thông qua sự di chuyển của người bệnh, người mang vi rút không triệu chứng, qua vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh, chim di cư.

{keywords}
Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân không dùng gia cầm không rõ nguồn gốc

Để đáp ứng hiệu quả với dịch bệnh, có 4 tình huống liên quan đến công tác giám sát và phòng, chống.

Cụ thể: Tình huống 1 là khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Ở kịch bản này, yêu cầu giám sát trong tình huống này là phải phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để từng trường hợp bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 2 là có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người. Yêu cầu giám sát trong tình huống này là phát hiện sớm, không bỏ sót các trường hợp mắc mới, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng.

Tình huống 3 là phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ. Yêu cầu giám sát trong tình huống này là phát hiện sớm và xử lý triệt để từng ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.

Tình huống 4 là dịch bùng phát ra cộng đồng. Yêu cầu giám sát trong tình huống này là phát hiện sớm các ổ dịch mới tại các khu vực chưa có dịch.

Theo Bộ Y tế, ở cả 4 tình huống, việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm thuộc hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia cần phải xét nghiệm thêm để xác định vi rút cúm A(H7N9) và phải duy trì liên tục nhằm theo dõi sự tiến triển của dịch và sự biến đổi của chủng vi rút mới này.

Ở giai đoạn đầu, Bộ Y tế yêu cầu 3 Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chẩn đoán xác định cúm H7N9.

Đối với người bệnh, cần phải cách ly, điều trị bệnh nhân tại cơ sở y tế theo quy định và thời gian cách ly đến khi hết hẳn các triệu chứng lâm sàng.

Đối với cán bộ y tế, người nhà người bệnh, ngoài việc trang bị thiết bị bảo vệ thì cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác.

Hiện bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW (Hà Nội) đã xây dựng phác đồ điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 và ngày mai (9/4), Bộ Y tế sẽ họp hội đồng khoa học để thẩm định phác đồ này.

Hiện nay, cúm A/H7N9 đã khiến 21 người nhiễm và 6 người tử vong tại Trung Quốc. Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân không dùng gia cầm không rõ nguồn gốc

Các biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đưa ra gồm:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm/chết/không rõ nguồn gốc.

- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

- Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế, ... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

- Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

- Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y địa phương trong giám sát dịch bệnh, chia sẻ thông tin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người.

Cẩm Quyên

Các tin liên quan

Việt Nam chuẩn bị 'đối phó' với cúm A/H7N9 ra sao?

Việt Nam họp khẩn để ứng phó dịch cúm A(H7N9)