- Trong 10 năm qua, Việt Nam cùng thế giới đã trải qua nhiều dịch cúm nguy hiểm và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác điều trị, phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, để có được những kinh nghiệm đó không hề dễ dàng. Sau mỗi đợt căng mình đối phó với dịch đều để lại cho các bác sĩ nhiều kỷ niệm khó quên.

“Trưởng thành qua các trận đại dịch”

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức – cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là một trong những người có nhiều kỷ niệm với các dịch cúm nguy hiểm.

Như đã biết, trong 10 năm qua chúng ta lần lượt trải qua các đại dịch gây suy hô hấp cấp, nguy cơ tử vong cao như dịch Sars vào năm 2003, cúm A/H1N1 vào năm 2009, rồi cúm A/H5N1 và bây giờ chuẩn bị là cúm A/H7N9.

Bác sĩ Hảo còn nhớ như in về đợt dịch Sars 'quét' qua Việt Nam.

{keywords}h
Một bệnh nhân nặng đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức – cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

“Khi Hà Nội có ca nhiễm Sars, chúng tôi hoang mang lắm. Mọi người lại càng thêm lo lắng vì biết cả nhân viên y tế cũng nhiễm Sars và…tử vong. Lo ngại ở chỗ độc lực của virus này rất mạnh, nhiễm là chết.

Hồi đó, có một ca nghi nhiễm Sars chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Các y, bác sĩ đều không quản nguy hiểm, tiếp cận làm hồi sức cho bệnh nhân (tất nhiên được trang bị đồ bảo hộ).

Sau đó cũng chính các bác sĩ ấy tuy chẳng nói ra nhưng…họ không dám về nhà, cứ loanh quanh ở khoa. Bản thân mình bị gì cũng không hối hận, nhưng nhỡ lây cho gia đình thì sao ? Mãi tới khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm không phải Sars anh em mới thở phào và đi về nhà”, bác sĩ Hảo cười.

Dịch Sars qua đi để lại nhiều kỷ niệm. Bác sĩ Hảo kể, lúc đó các bệnh viện tuyến dưới không hiểu, cứ bệnh nhân nào có dấu hiệu viêm phổi là…sợ không dám chữa, chuyển hết về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

“Hóa ra các bệnh nhân đó không phải bị Sars mà viêm phổi do nguyên nhân khác. Nếu chúng tôi cũng ngại, sợ chết, không dám lại gần thì chắc mấy bệnh nhân kia không thể qua khỏi”, bác sĩ Hảo nói.

Trải qua dịch Sars, tới dịch cúm A/H1N1, tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã 'trưởng thành' hơn rất nhiều. Có bác sĩ còn dí dỏm nói: “Tụi mình ở đây quen rồi, giờ chẳng thấy sợ nữa”.

Niềm vui khi cứu sống ca nhiễm cúm nặng

Nhờ phối hợp chặt chẽ, bài bản mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã cứu được khá nhiều trường hợp nặng.

Trường hợp thoát chết của một phụ nữ mang thai nhiễm cúm A/H1N1, ngụ tại Châu Đốc khiến bác sĩ Hảo và đồng sự rất hạnh phúc.

{keywords}
Các bác sĩ cho rằng, người dân không nên sử dụng gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc để phòng bệnh

Bác sĩ Hảo nhớ lại: “Khi ấy, chị ta đang mang thai 36 tuần. Chúng tôi hội chẩn với Bệnh viện Từ Dũ, bằng mọi cách phải lấy đứa con ra mới có cơ cứu mạng hai mẹ con. Chậm trễ chắc chắn ta sẽ mất cả đứa bé lẫn bà mẹ.

Bệnh viện Từ Dũ đồng ý, bằng phương pháp giục sinh, cho bà mẹ chuyển dạ sớm. Ngay khi đứa con ra đời, chúng tôi tập trung toàn lực điều trị cho bà mẹ. “Trời không phụ lòng người”, cả hai mẹ con cô ấy đều qua khỏi”.

Không chỉ vậy, bác sĩ Hảo cũng không thể quên trường hợp hai thanh niên nhiễm cúm A/H5N1 vào năm trước.

Nguyên cả nước lúc đó có 4 ca nhiễm cúm A/H5N1, 2 ca trong số đó đã tử vong, còn 2 ca chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Trước mắt bác sĩ Hảo là hai thanh niên trẻ gần như…cầm chắc cái chết. Phải nói việc cứu sống được hai thanh niên đó khiến không chỉ bác sĩ Hảo mà tập thể bệnh viện rất phấn khởi.

“Chúng tôi cho hai bệnh nhân đó dùng tamiflu sớm, thở máy với chế độ phù hợp, không đặt ống, không xâm lấn phổi. Kinh nghiệm cho thấy các bệnh nhân như thế này phổi đang bị tổn thương rất nặng, nếu cho thở máy chế độ không phù hợp dễ làm phổi tràn khí khiến tình hình thêm trầm trọng”, bác sĩ Hảo kể.

Giờ đây, cúm A/H7N9 đang trỗi dậy, tuy còn ở Trung Quốc nhưng tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM luôn trong tư thế sẵn sàng ứng chiến.

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho rằng, y học luôn đứng trước thách thức dịch bệnh trỗi dậy. Những dịch bệnh do siêu vi gây ra là nguy cơ của cả loài người.

Hiện, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh do siêu vi. Vì thế, để đối phó với dịch, ngành y tế một mặt tập trung nghiên cứu thuốc, bên cạnh đó phải phát hiện sớm để cắt nguồn lây.

Đối với nhân viên y tế tất nhiên sẵn sàng dấn thân nhưng không có nghĩa là liều mạng. Y, bác sĩ phải nắm rõ đường lây của bệnh, thực hiện trang bị bảo hộ đúng cách. Khi bị phơi nhiễm cũng phải có phương án dự phòng.

Quan trọng nhất đối là bác sĩ về bệnh nhiễm cần có ý thức dự phòng phổ quát.

Thanh Huyền

Các tin liên quan

Cảnh giác cúm A/H7N9 ở người cao tuổi

Cùng H7N9, nhiều dịch cúm trỗi dậy

Chim yến chết hàng loạt vì cúm H5N1