– “Lai dẫn gấp rút, thô bạo hoặc gây mê để bắt là bức tử cụ rùa!” – ý kiến của nhà khoa học người Việt đang làm việc tại Úc gửi đến VietNamNet.

Hành trình chữa trị rùa Hồ Gươm
Kế hoạch đưa rùa Hồ Gươm lên Tháp Rùa chữa trị hôm 8/3/2011 của các đơn vị được giao nhiệm vụ đã bất thành. Hà Nội khẳng định sẽ bắt được rùa và điều trị, chăm sóc trong thời gian kéo dài 2 năm.

Hàng ngàn ý kiến của bạn đọc trong và ngoài nước đã gửi tới VietNamNet bày tỏ nguyện vọng “hiến kế cứu rùa Hồ Gươm”. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại với việc sử dụng phương pháp lai dẫn cưỡng chễ bằng cách bủa lưới “vây bắt” rùa Hồ Gươm.

Bác sĩ thú y Hoàng Long hiện đang công tác tại một tổ chức của Úc bày tỏ lo lắng: Lai dẫn gấp rút, thô bạo hoặc gây mê để bắt là bức tử cụ rùa.

Bác sĩ Long viết: Trước hết tôi thấy rằng những nỗ lực mà các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đã làm để bảo vệ cụ rùa là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, là một bác sỹ thú y, tôi cảm thấy không yên tâm khi đọc được các thông tin về dụng cụ và kế hoạch lai dẫn cụ vào nơi điều trị của các cơ quan chức năng mà báo chí đã đăng tải.

Theo bác sĩ Long, việc lai dẫn thô bạo sẽ bức tử rùa Hồ Gươm

Trước hết là lộ trình lai dẫn. Tôi không biết đội lai dấn dự định sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để đưa cụ vào tới nơi điều trị kể từ khi quây được cụ vào lưới? Nếu việc này được tiến hành nhanh chóng trong vài chục phút, thậm chí vài giờ như việc bắt một con cá hoặc một gia súc thông thường thì quả là rất nguy hiểm cho cụ.
 
Xem clip 'vây bắt' cụ rùa thất bại
Khoảng 13h chiều ngày 8/3, cụ rùa Hồ Gươm đã thoát khỏi vòng lưới bủa vây trong sự ngỡ ngàng của hàng ngàn người chứng kiến.
Xem cận cảnh những vết thương cụ rùa
Những hình ảnh mới được chụp trong vòng 10 ngày trở lại đây cho thấy khắp cơ thể cụ rùa đầy những vết thương, trong đó có chân còn mất cả móng...
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi bị stress như từ việc đánh bắt thô bạo, hàm lượng acid lactic trong máu rùa tăng cao rất nhanh làm mất cân bằng kiềm toan trong máu. Ngoài ra phần lớn rùa bị stress đều bỏ ăn hoàn toàn. Hai nguyên nhân sẽ làm cho rùa bị rối loạn trao đổi chất, suy kiệt nhanh và hậu quả là khó lường.

Thứ hai là việc dùng thuốc gây mê: không biết đội lai dẫn căn cứ vào đâu để xác định liều dùng khi không biết chính xác trọng lượng của rùa? Thuốc mê định dùng là thuốc nào? Thuốc sẽ được tiêm vào đâu? Ngay cả khi có đầy đủ chính xác các thông tin nêu trên, thì việc một con vật bị mê trong nước là quá mạo hiểm. Ngay cả khi chưa bị gây mê rùa đã phải nổi lên mặt nước để thở rồi.

Như vậy, khi bị mê và chìm trong nước liệu cụ rùa có thể sống? Đó là các câu hỏi hoàn toàn mang tính chất cơ học, còn chưa kể đến tác dụng phụ của thuốc! Thực tế cho thấy, nhiều thuốc mê rất an toàn cho động vật có vú, nhưng lại độc với bò sát.

Chính vì vậy, việc dùng thuốc mê là cực kỳ mạo hiểm. Do đó, ngay cả khi phải di dời những bò sát khoẻ mạnh với kích thước lớn như cá sấu chẳng hạn, người ta cũng hiếm khi dùng đến thuốc mê.

Chúng ta không nên mạo hiểm khi còn có nhiều cách khác an toàn hơn. Một là việc lai dẫn cụ nên thực hiện từ từ, có thể mất một vài ngày nhưng sẽ đảm bảo an toàn hơn. Trước hết nên đưa cụ rùa vào tầm kiểm soát đã. Việc này sẽ không khó nếu túc trực đợi khi cụ nổi sẽ bủa lưới xung quanh, nếu có thể được thì để một hướng mở dẫn vào khu vực điều trị tại Tháp Rùa rồi sau đó dần dần thu lưới từ đằng xa, thu nhỏ vòng vây để cụ tự bơi vào nhà điều trị.

Trong thời gian này, chúng ta nên tiếp cận, cho rùa ăn cá tươi để tập dần cho cụ làm quen với người, như thế vừa giảm được stress, vừa thuận lợi hơn khi chữa trị cũng như chăm sóc sau này.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến độ bền và bề rộng của lưới. Tránh để cụ rùa “độn thổ” qua bùn để thoát khỏi vòng vây. Lộ trình này có thể làm một số người sốt ruột vì cho rằng rùa đang bị ốm nặng cần gấp rút hơn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vì hiện nay rùa vẫn còn tìm kiếm thức ăn, và thậm chí còn ăn cả cá chết. Điều đó cho thấy nếu áp dụng lộ trình trên, được ăn thức ăn và chăm sóc tốt, kết hợp với việc làm sạch hồ, tôi tin là cụ rùa sẽ sớm bình phục.

 
Bác sĩ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Chủ tịch hội đồng chữa trị cụ rùa cho hay, sau khi cụ rùa thoát khỏi vòng vây bắt, các nhà chức trách đã nhận ra lớp bùn ở Hồ Gươm rất dày, nên nếu có chì nặng sẽ rất khó kéo.

Trước đó, tại cuộc họp ngay sau khi việc "bắt" cụ rùa thất bại, bên làm lưới đánh bắt đã nhận lỗi là mua lưới ở chợ, thuộc hàng phế phẩm. Còn nhà “rùa học” Hà Đình Đức thì cho rằng, sức khoẻ cụ còn khá tốt nên mới phá lưới được như vậy.

Vì vậy, cùng với việc làm lưới mới, theo ông Đăng, Hội đồng chữa trị sẽ đề xuất thay phương án mới cứu cụ rùa. Theo đó, sẽ làm một cái “rốn” ở giữa hồ (chứ không dồn cụ vào gần bờ như hôm qua), dùng một thiết bị giống như “lồng bàn khổng lồ”, để úp cụ vào trong, sau đó, dẫn cụ ra “nơi an dưỡng” là tháp rùa...

Dự kiến, chiều nay, Hội đồng chữa trị sẽ lại họp, để trình Thành phố phê duyệt phương án mới.

(Theo VTC)


Kiên Trung (tổng hợp)
 
Mời bạn đọc theo dõi quá trình chữa trị rùa Hồ Gươm và gửi ý kiến bày tỏ quan điểm về banxahoi@vietnamnet.vn.