- “Về cơ bản” là thống nhất với những thay đổi trong các quy định về quản lý giá thuốc (trong đó có quy định về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng) nhưng thực tế một số chuyên gia về giá và quản lý giá đang tỏ ra hoài nghi về tính khả thi và hiệu quả thực tế nếu thông tư này được thông qua.


Giá thuốc: Sẽ không còn “mua 1 bán 5”?


Không phải khống chế thặng số!

 

Sau khi đọc thông tư về quản lý giá thuốc do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, PGS. TS Ngô Trí Long, Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, phương pháp mà liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương dự kiến sử dụng để quản lý giá thuốc là không đúng với bản chất của việc quản lý giá hàng hóa trong cơ chế thị trường.

 

Bản chất của quản lý giá trong cơ chế thị trường là phải phân nhóm ra sau đó khống chế trần giá cho từng nhóm (kể cả khi Bộ Y tế chỉ giới hạn quản lý giá đối với một thị trường nhất định là trong các bệnh viện và thuốc do BHYT chi trả). Trần giá thế nào là hợp lý hoàn toàn xác định được nhờ các công cụ của Bộ Tài chính.
 

Các chuyên gia về giá, quản lý giá cho biết cốt lõi của vấn đề quản lý giá thuốc là phải phân nhóm rồi đưa ra trần giá cho từng nhóm chứ không phải đưa ra thặng số. Việc Bộ Y tế cho rằng không thể phân nhóm thuốc vì thị trường có tới trên 22.000 mặt hàng là không thuyết phục cả các chuyên gia lẫn dư luận (Ảnh minh họa: Internet)

 

 

“Thuốc thiết yếu, thuốc không thiết yếu, thuốc cùng hoạt chất nhưng có xuất xứ từ Mỹ, từ EU phải khác với thuốc có xuất xứ từ Châu Á, từ ASEAN. Thuốc độc quyền (được định giá, không được định giá), thuốc đặc trị, thuốc cạnh tranh, thuốc không cạnh tranh… phải được chia nhóm và đưa ra trần giá khác nhau cho từng nhóm. Đó mới là gốc gác của vấn đề”, ông Long cho biết.

Trên cơ sở phân nhóm và đưa ra trần giá, cơ quan quản lý có thể đưa ra % xê dịch (do khấu hao, chi phí vận chuyển, …).

 

Tuy nhiên, phương pháp mà ông Long đưa ra không phải Liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương không nghĩ tới. Nhưng trong hầu hết các lần trả lời đại biểu Quốc hội hay các phương tiện truyền thông đại chúng, lãnh đạo Bộ Y tế đều cho rằng trên thị trường dược phẩm hiện có tới trên 22.000 mặt hàng thuốc khác nhau nên việc phân loại rồi đưa ra trần giá theo nhóm sẽ rất khó thực hiện.


Ông Long cho rằng: “Bộ Y tế nói vậy là chưa thỏa đáng. Ngành Dược chỉ là một ngành nhỏ trong hệ thống kinh tế quốc dân. Hệ thống kinh tế Quốc dân có hàng nghìn mặt hàng mà người ta vẫn phân loại được để quản lý thì không có lý gì ngành Dược lại không thể phân loại được. Ông mua thuốc rồi ông lại bán thuốc, ông phải có danh mục và nhất định ông phải biết, phải kiểm soát được danh mục đó chứ”.


Giá thuốc sẽ không thể hạ?


Không phân nhóm và không khống chế trần giá như phương pháp của các chuyên gia quản lý giá mà chỉ đưa ra mức thặng số tối đa, các chuyên gia về quản lý giá vẫn băn khoăn rằng giá thuốc sẽ không thể bình ổn.


Một trong những nguy cơ rõ nhất mà các nhà quản lý nhìn thấy ngay từ khi xây dựng thông tư quản lý giá thuốc là các doanh nghiệp Dược sẽ lách luật để nâng giá đầu vào, khiến giá khởi điểm (trong công thức tính thặng số) sẽ tăng cao, đẩy giá bán cuối cùng tăng cao theo.


Nói vậy có nghĩa thuốc nào sản xuất ra với giá thành sản xuất thấp thì giá bán sẽ thấp, thuốc nào sản xuất với giá cao thì giá bán sẽ cao. Vậy mục tiêu “bình ổn giá” có đạt được?


Nếu Cục Quản lý Dược có sự phân nhóm rồi đưa ra giá trần cho từng nhóm, thì rõ ràng các doanh nghiệp dẫu có tìm mọi cách để nâng giá đầu vào cũng sẽ phải tính toán sao cho giá cuối cùng đưa ra không thể vượt trần.


Đây cũng chính là các lý do khiến các doanh nghiệp Dược phẩm tỏ ra “yên tâm” và ít “thắc mắc” về công thức tính cũng như các mức thặng số mà liên Bộ đưa ra trong thông tư mới! Khi được hỏi, chính lãnh đạo các doanh nghiệp cũng băn khoăn: “Không biết có quản được bằng thặng số không nữa!”.


Xoa dịu dư luận?


Đánh giá việc Liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương làm được nhưng không sử dụng cách tối ưu theo đúng bản chất của quản lý giá trong cơ chế thị trường như trên (phân nhóm rồi khống chế giá trần cho từng nhóm), ông Long cho rằng “Liên Bộ Y tế, Tài chính và Công Thương muốn xoa dịu dư luận, vì giá thuốc trong thời gian vừa qua đã trở thành đề tài nóng bỏng”.


Ông Long còn băn khoăn: “Nếu sử dụng cách quản bằng thặng số thì cơ chế xin – cho vẫn tồn tại, dẫn đến những tiêu cực như hiện nay”.
 

Giá thuốc luôn là đề tài nóng bỏng trong dư luận. Người dân luôn kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ đưa ra những biện pháp quản lý triệt để để giá thuốc không còn “loạn” như thời gian qua (Ảnh minh họa: NLD)

 
Nhìn từ khía cạnh khoa học về quản lý giá, TS Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Nếu khoanh vùng khu vực thuốc do ngân sách nhà nước và BHYT thanh toán để quản lý giá thì theo tôi có thể chấp nhận được. Nhưng nếu áp dụng thặng số tối đa để quản lý giá thuốc trên toàn thị trường thì không ổn, bởi bản chất của thị trường là cạnh tranh tự do”.
 

Theo ông Ánh, quản lý giá thuốc thực chất không thể “chặt” riêng phần giá ra được mà còn phải quản được cả nguồn cung lẫn cầu. Trong điều kiện hiện nay, với gần 50% thuốc sử dụng là thuốc nhập khẩu, hơn 50% còn lại là thuốc sản xuất trong nước (nhưng lại nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu) thì rõ ràng ngành Dược Việt Nam chưa thể chủ động hoàn toàn được nguồn cung (kể cả khi Cục Dược tăng cường cấp số đăng ký, giấy phép nhập khẩu).


“Trong khi đó, với thuốc, không phải anh không dung hòa được các điều kiện đưa ra với bên bán là anh không mua, vì không mua thì có thể anh sẽ chết vì không có thuốc. Cho nên, để không bị “lép vế” trong vấn đề quản lý giá, Cục Dược phải chủ động tìm được nguồn cung hợp lý và đảm bảo chất lượng”, TS Ánh nói.


Vì thế, đưa ra thặng số mà không có sự phân nhóm rồi khống chế trần giá (như cách nói của PGS Long) và không chủ động được nguồn cung (như quan điểm của ông Ánh) thì khi tính thặng số, có điểm đầu và điểm cuối, nếu nâng giá khởi điểm lên cao thì quy định về thặng số còn có ý nghĩa gì?


“Dù có sáng tạo thế nào cũng phải căn cứ trên các quy luật cơ bản. Chúng ta hãy cùng đợi kết quả trên thực tế sau khi thực hiện thông tư này”, ông Long nói.
 

  • Cẩm Quyên