- Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế sáng 20/6 đã có cuộc họp báo về vấn đề sử dụng vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Vắc xin “đảm bảo an toàn”
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong thời gian tạm ngừng sử dụng vắc xin để đánh giá tính an toàn, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tiến hành một số biện pháp cần thiết để đánh giá chất lượng vắc xin và các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Bộ Y tế đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tiêm vắc xin Quinvaxem trong thời gian tới |
Các kết quả đánh giá cho thấy: Trong số 43 trường hợp nặng (từ năm 2010 đến nay) có 27 trường hợp tử vong đều không liên quan đến tiêm chủng.
Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vắc xin Quinvaxem nhưng đều hồi phục.
Các trường hợp còn lại được xác định không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin.
Từ đầu năm 2013 trở lại đây có 5 trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem, theo đánh giá của nhóm chuyên gia đều không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin.
Đoàn chuyên gia đánh giá đã nhận định không có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến tính an toàn của vắc xin và kỹ thuật tiêm chủng vì các bằng chứng lâm sàng không cho thấy cơ chế bệnh lý chung đối với các trường hợp này.
Cuộc họp của Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng đã xem xét tất cả các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin 5 trong 1 trong đó có Việt Nam và nhận định không có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong liên quan tới việc sử dụng vắc xin.
Cục Y tế dự phòng cho biết kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh đối với mẫu vắc xin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 – các lô vắc xin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đã được kiểm định chất lượng tại phòng xét nghiệm độc lập thuộc Viện.
Kết quả kiểm định ngày 14/6/2013 cho thấy các lô vắc xin nói trên đạt các yêu cầu về chất lượng.
Ngày 17/5/2013, Tổ chức Y tế thế giới và Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc cũng đã có thư gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét tiếp tục đặt hàng vắc xin Quinvaxem.
Bộ Y tế cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem. Việc tạm dùng càng lâu thì nguy cơ trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm càng lớn.
Tiến sĩ Craig Burgess, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, bộ phân cung ứng văcxin sẽ luôn sẵn sàng tiếp tục cung ứng văcxin cho Việt Nam một khi quyết định cuối cùng được đưa ra.
Hàn Quốc sử dụng vắc xin đắt gấp 10 lần Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nước sản xuất vắc xin Quinvaxem là Hàn Quốc không sử dụng vắc xin này trong chương trình tiêm chủng do có chứa thành phần ho gà toàn tế bào, gây nguy cơ tai biến cao, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – ông Takeshi Kasai - đã đưa ra phân tích khá rõ.
Vắc xin Quinvaxem sẽ được đưa vào sử dụng lại trong thời gian tới |
Theo thông tin mà ông Takeshi Kasai có được thì ở Hàn Quốc có quy trình, lịch tiêm chủng vắc xin khác các nước khác.
Một đặc điểm nữa là bệnh viêm gan tại nước này cũng khác với quốc gia khác. Do đó họ tiêm vắc xin viêm gan và các bệnh khác theo chu trình khác, chứ không sử dụng vắc xin như Việt Nam.
Một lý do nữa, như GS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã nói: Hiện có 2 loại vắc xin được sử dụng song song, một là nguyên tế bào, một loại là vô bào.
Cả hai loại vắc xin đều cho kết quả phòng bệnh rất tốt. Loại hiện đang sử dụng ở Hàn quốc (vô bào) là rất đắt, gấp 10 lần Quinvaxem.
“Về những phản ứng nhẹ, tại chỗ như sốt, sưng đỏ nơi tiêm thì vắc xin được sử dụng ở Hàn Quốc có ít hơn, vắc xin sử dụng ở Việt Nam có nhiều phản ứng này hơn nhưng xin lưu ý đây đều là những phản ứng nhẹ. Liên quan đến phản ứng nặng, cả hai loại vắc xin (mà Việt Nam và Hàn Quốc dùng) đều có tỷ lệ tương đương nhau’, ông Takeshi Kasai cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu không phải vì chất lượng và kỹ thuật tiêm chủng thì vì sao các tai biến nặng lại tập trung nhiều vào vắc xin Quinvaxem chứ không phải các vắc xin dịch vụ khác, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết:
“Với 43 trường hợp phản ứng sau tiêm, chúng tôi cùng WHO ngồi rà soát từng ca một thì thấy có 9 ca liên quan đến vắc xin. Nếu tính tỉ lệ trên 14 triệu liều sử dụng thì tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với ước tính.
Trong số đó, có 17 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lý của trẻ, trong 17 trường hợp này có 14 tử vong. 17 trường hợp khác không có đủ thông tin để kết luận” - ông Hiển nói.
Đại diện của WHO cho biết thực tế này đã khiến quyết định của Bộ Y tế và chính phủ trở nên đặc biệt khó khăn. Nếu tai biến cao vút lên thì sẽ dễ quyết định nhưng trong trường hợp này vẫn trong giới hạn cho phép cho nên phải làm những điều tra và cân nhắc trước khi đưa đến quyết định.
Thách thức lớn trong tiêm chủng “Chúng ta nhìn thấy trước một điều là khi sử dụng lại vắc xin Quinvaxem trong thời gian tới sẽ lại có những phản ứng phụ không mong muốn tiếp tục xảy ra. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, không vắc xin nào an toàn tuyệt đối, không có loại vắc xin nào phòng bệnh cho tất cả mọi người mà lại không có phản ứng nào ngoài mong đợi”, đại diện WHO nhấn mạnh. GS Nguyễn Trần Hiển cho biết Việt Nam đứng trước thách thức khi dùng lại sẽ vẫn có những báo cáo về ca tử vong. Tuy nhiên, ông khẳng định không vắc xin nào là an toàn 100%, phản ứng sau tiêm không có nghĩa là do vắc xin, mà là do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Chúng tôi cố gắng tối đa về sự an toàn cho người dân và trẻ em”, ông Hiển nói. Đại diện Bộ Y tế cho biết trong kế hoạch đưa vắc xin Quinvaxem vào sử dụng lại trong thời gian tới sẽ có chiến lược truyền thông để người dân không hoang mang, lo lắng. Ngoài ra, trong thời gian tới, việc tái sử dụng vắc xin Quinvaxem sẽ được tiến hành song song, chặt chẽ với việc tư vấn, sàng lọc, giám sát sau tiêm chủng để có thể sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ. |
Cẩm Quyên