- Trong khi các cơ quan chức năng chưa đưa ra nguyên nhân vì sao xảy ra vụ va chạm giữa tàu hỏa và container khiến ba toa tàu bị lật, người dân địa phương đã khẳng định: vì không có rào chắn tại điểm giao đường sắt này! Đây cũng là “điểm đen giao thông” hàng chục năm qua ở đây.

Hàng chục năm không có rào chắn

Vị trí xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng với xe container vào chiều ngày 10/7 thuộc điểm giao giữa đường sắt và tỉnh lộ 390B chạy vào trung tâm hành chính huyện Thanh Hà.

Người dân địa phương cho biết: từ khi có điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ này, chưa bao giờ có barie rào chắn; không có điểm để nhân viên đường sắt gác ghi, trực tín hiệu. Duy nhất, nó chỉ có biển báo ở hai bên, và nằm ở vị trí khá khuất nẻo, nếu không chú ý quan sát.

Đoạn đường rẽ từ đường Quốc lộ 5 để vào đường tỉnh lộ 390B, đến điểm giao cắt đường sắt có độ dài chừng 500m.

{keywords}
 
{keywords}
Hệ thống biển báo đường sắt đơn sơ tại điểm giao xảy ra vụ tai nạn lật toa tàu.

Tuy nhiên, đoạn đường này hoàn toàn là một khúc cua; điểm giao cắt lại là một dốc khá cao, hai bên có hai cây xà cừ khá to trùm bóng nên hạn chế tầm quan sát sang hai bên.

Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chiếc xe container mà đầu tàu húc phải đang chạy theo hướng từ Quốc lộ 5 vào thị trấn Thanh Hà. Rất có thể, vì không quan sát hai bên, lái xe đã điều khiển xe băng qua đường sắt khi đoàn tàu tuyến Hà Nội – Hải Phòng đang sắp chạy đến.

Ông N.V.C – người dân bán hàng tạp hóa ngay gần hiện trường vụ tai nạn cho biết: "Đầu tàu đã đâm phải đuôi container, chính vì thế nên thùng container đã bị hất văng xuống đường, bắn vào cột điện làm gãy cột điện".

Theo ông C., xe container này đang vào bãi gửi qua đêm cách điểm giao nơi xảy ra tai nạn chừng 700 mét.

"Mỗi ngày có hàng trăm xe container vào đây gửi qua đêm, nên tuyến đường này mật độ giao thông khá đông. Đó là chưa nói đến, giờ tan tầm công nhân các nhà máy may, học sinh, người dân… đi làm về. Điều khó hiểu là bao nhiêu năm như thế nhưng ngành đường sắt lại không có barie rào chắn!" – ông C. bức xúc.

Quan sát tại thực địa, “tín hiệu” duy nhất để người điều khiển phương tiện giao thông biết sắp có điểm giao với đường sắt, đó là biển báo tàu hỏa.

Một tấm biển khác có tín hiệu yêu cầu “Dừng lại” khi có tàu chạy qua. Cả hai tấm biển này đều được đặt cạnh một gốc cây xà cừ cổ thụ, bóng trùm ra một khoảng lớn, rất khó quan sát hai bên.

Vị trí đèn báo hiệu phía bên kia (hướng từ Thanh Hà ra Quốc lộ 5) dường như thông thoáng hơn vì không có cây nào che chắn làm khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, nó cũng thuần túy là tấm biển báo hiệu “Tàu hỏa”.

"Những người lần đầu tiên đi vào đường này, chắc chắn không ai biết được sắp có điểm giao đường sắt vì rất khó quan sát. Nếu như có một rào chắn barie hay nhân viên trực tàu chốt tại vị trí này, chắc chắn sẽ không để xảy ra tai nạn đáng tiếc!" – ông Bùi Văn Thắng (người dân huyện Thanh Hà) nói.

{keywords}
Hai bãi đỗ xe container cách điểm giao đường sắt chừng 700m.

Theo người dân, tai nạn chết người tại vị trí điểm giao đường sắt này xảy ra khá thường xuyên. Đầu năm 2011, vụ tai nạn thương tâm khiến hai sinh viên học trường ĐH Hàng hải khi về quê đã bị thiệt mạng; tiếp đó là một giáo viên trên đường từ thị trấn Thanh Hà ra thành phố Hải Dương cũng bị tử nạn.

Vì sao công tác giải phóng hiện trường chậm trễ?

Những người chứng kiến cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h tối ngày 11/7. Tuy nhiên, sau khoảng 20 tiếng đồng hồ, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng mới được thông.

"Vụ tai nạn này chỉ có duy nhất lái tàu bị choáng váng nên được đưa đi bệnh viện ngay. Nhưng mấy chục giờ đồng hồ mới thông được đường thì quả là quá chậm chạp" – ông Thắng (60 tuổi, một người dân huyện Thanh Hà) nhận xét.

Nhiều người có mặt tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra bàn tán, đây là vụ tai nạn cực kỳ may mắn: trước hết là do tàu hỏa đâm vào đuôi xe container, chứ nếu để xe container đâm phải tàu hỏa thì có lẽ cả đoàn tàu sẽ lật. 

{keywords}
“Điểm đen giao thông” vì hàng chục năm không có barie rào chắn tại vị trí xảy ra tai nạn.

Thứ hai, chiếc xe container này đang vào gửi bãi nên nó là xe không tải, nếu như nó đang chở hàng nặng hàng trăm tấn, có lẽ sức va đập sẽ gây phản lực khiến cả đoàn tàu bị dồn toa.

May mắn hơn nữa, là trưởng tàu đã kịp nhấn nút ngắt toa. Toa tàu bị văng ra bên ngoài là hai toa phòng máy lạnh, rất ít khách và một toa hàng khác.

Hiện trường xảy ra vụ tai nạn, đầu tàu bị chệch ra khỏi đường ray (bên phía đi về huyện Thanh Hà); một toa nằm trên đường ray, một toa văng sang hướng phía đường QL5. Vị trí điểm giao này không có nhà dân ở, nếu như mật độ nhà dân ở đông đúc như các nút giao khác, có lẽ sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng.

Ông Lê Đình Mạnh - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng (UBND huyện Thanh Hà) trao đổi với VietNamNet: các tuyến đường đi vào trung tâm huyện Thanh Hà có ba điểm giao đường sắt với đường bộ, trong đó một điểm có barie rào chắn; một điểm là cầu vượt; điểm còn lại là nút giao tỉnh lộ 390B – không có rào chắn barie.

Theo ông Mạnh: Đầu năm 2012, UBND huyện Thanh Hà đã kiến nghị với UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh Hải Dương về đề án làm đường gom để có nút giao tập thể tại một vị trí thuộc xã Nam Đồng – Ái Quốc nhằm xóa bỏ điểm giao này.

"Điểm giao nơi xảy ra tai nạn nằm trên một sống đê khá cao, từ Thanh Hà ra đường QL5 rất dễ quan sát, nhưng từ đường 5 đi vào thì tầm nhìn rất hạn chế.

Ban ATGT huyện năm nào cũng đi phát quang bụi rậm, cỏ dại, chuối… để không hạn chế tầm nhìn cho người tham gia giao thông".

Cũng theo ông Mạnh: khi tai nạn xảy ra, chúng tôi không biết gì cả. Mãi tối, xem tivi thấy Đài TH Hải Dương đưa tin nên mới biết.

Khi được hỏi, các ban ngành của UBND huyện Thanh Hà có tham gia công tác cứu hộ, giải phóng hiện trường hay không, ông Mạnh thật thà: "Chúng tôi không tham gia gì cả, vì nhân lực, phương tiện… đều thiếu và không có.

Hơn nữa, thẩm quyền và trách nhiệm thuộc về các cơ quan, ban ngành chức năng của tỉnh, vì vị trí vụ tai nạn là thuộc tỉnh lộ do cơ quan cấp tỉnh quản lý!".

Về hai bãi đỗ xe container trên địa bàn xã Hồng Lạc – cách vị trí xảy ra tai nạn vài trăm mét, ông Mạnh cho biết: "Hai bãi đỗ xe đó (nếu có) là trái quy định, vì huyện chưa cấp phép cho đơn vị nào như thế".

Kiên Trung

Ngày 11/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp khẩn về vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe container. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thăng nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty ĐSVN - ông Trần Ngọc Thành vì chậm trễ trong việc thông tin, xử lý vụ tai nạn và khắc phục chậm.

Bộ trưởng chỉ rõ: Vụ tai nạn xảy ra mà Bộ trưởng biết thông tin trước cả các bộ phận chuyên môn. Trong khi đó, lãnh đạo ĐSVN không kịp thời có mặt ở hiện trường vụ tai nạn (khi Bộ trưởng Thăng điện thoại cho lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN thì đồng chí này vẫn đang ngồi trong phòng làm việc).

“Dù không xảy ra thiệt hại về người, nhưng đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự yếu kém, phản ứng chậm chạp trong khắc phục sự cố và tai nạn giao thông đường sắt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.