- Sau khi có 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), lô vắc xin viêm gan B trên đã tạm dừng sử dụng, phục vụ công tác điều tra nguyên nhân gây tử vong của trẻ.

Chưa đủ bằng chứng khoa học

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết ông cùng chuyên gia của Bộ Y tế đã có mặt tại Quảng Trị để giải quyết sự việc.

Tại buổi làm việc chiều 21/7, ông Trần Văn Thanh, GĐ Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, đã báo cáo kết luận giám định tử thi của 3 trẻ sơ sinh.

Theo đó, kết quả khám nghiệm cho thấy mặt của các trẻ bị phù; mặt, môi, móng chân và tay tím; đùi phải có vết tiêm chích nhỏ bằng đầu đinh ghim và có hiện tượng phản ứng cơ điện 4 x 4 cm thâm tím; các khoang màng phổi có dịch xuất tiết; xuất huyết thâm mạc phổi và ngoại tâm mạc, ngoài màng cứng não; xung huyết gan, thận; phù não...

 

{keywords}

Gia đình 3 trẻ sơ sinh xấu số ở Quảng Trị đưa các cháu về mai táng (Ảnh: VietNamNet)

Với các dấu chứng trên, theo Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị là do tình trạng sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin.

Ông Hiển cho biết, các giả thuyết khiến 3 trường hợp tử vong sau tiêm viêm gan B đã được đưa ra.

Có thể do chất lượng vắc xin, chất lượng bảo quản sinh phẩm, cách tiêm, bệnh tật của trẻ.

Tuy nhiên, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận nào về vấn đề này vì chưa có đủ các bằng chứng khoa học.

Cũng tại buổi làm việc với Bộ Y tế, ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị báo cáo rằng, hai lô vắc xin V-GB 020812E và V-GB 030812E (ba liều đã tiêm cho ba trẻ tử vong thuộc hai lô này) được cấp theo chương trình tiêm chủng mở rộng về Quảng Trị với 8.000 liều, đã được phân bổ về các cơ sở tiêm chủng 3.600 liều và hiện vẫn còn khoảng 4.400 liều.

Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa tiếp nhận vào ngày 18/7/2013 theo chương trình tiêm vắc xin mở rộng do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho bệnh viện.

Lô vắc xin này có hạn sử dụng tới năm 2015.

Mất điện trong quá trình bảo quản vắc xin?

Về phía gia đình các nạn nhân, bước đầu đã ổn định tinh thần. Trong ngày 21/7, Sở  Y tế tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương huyện Hướng Hóa và đại diện bệnh viện đa khoa huyện đã thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình có bé tử vong 8 triệu đồng.

Trong lúc chờ đợi kết quả của các cơ quan chức năng, người dân huyện Hướng Hóa tỏ thái độ nghi ngại về quy trình bảo quản vắc xin viêm gan của bệnh viện Hướng Hóa.

{keywords}

Anh Nguyễn Đình Đạo, cha của một trong 3 trẻ sơ sinh xấu số

 

Theo đó, họ nghi ngờ liệu bệnh viện có đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn cho vắc xin khi rạng sáng ngày 20/7 điện cúp cho đến trưa mới có lại?

Tuy nhiên, bệnh viện khẳng định điện dự phòng luôn có 24/24 giờ.

Đây là lần thứ 2 xảy ra chùm tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B. Trước đó, vào năm 2007-2008, Việt Nam từng ghi nhận 10 ca tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B.

Dù các kết luận sau đó của hội đồng chuyên môn thuộc Bộ Y tế khẳng định nguyên nhân không phải do chất lượng vắc xin nhưng sự việc đã khiến tỉ lệ tiêm phòng viêm gan B giảm mạnh, chỉ còn 20% vào các năm sau đó.

Đến nay (trước khi xảy ra sự việc 3 cháu tử vong), tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đang là 70%.

Liên quan đến vụ việc, TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho hay: “Dù chưa tìm được nguyên nhân, nhưng với tư cách là Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tôi khẳng định rằng tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh rất có hiệu quả, có tác dụng phòng 85 - 90% nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này từ mẹ sang con. Các bằng chứng khoa học cho thấy tỉ lệ lây chỉ còn 1%”.

Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2003 và đã giảm đáng kể tỷ lệ trẻ mang vi rút viêm gan B.

Các phản ứng thông thường sau tiêm có thể gặp như đau tại chỗ tiêm và sốt. Ông Hiển cho biết cũng như các loại vắc xin và sinh phẩm khác, vắc xin viêm gan B cũng có tỉ lệ tai biến nhất định sau tiêm.

Theo kế hoạch, chiều nay (22/7), Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế sẽ làm việc và công bố kết quả về nguyên nhân cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin. 

Được biết, Bộ Y tế cũng đã nhận được đề nghị hỗ trợ của Quảng Trị trong việc tìm kiếm vắc xin viêm gan B thay thế trong thời gian tạm ngừng lô vắc xin trên.

C.Quyên – Văn Ngao