- Không chỉ treo biển hiệu tiếng Trung nhan nhản, từ lâu, Đồng Kỵ và Phù Khê đã nổi tiếng với chợ gỗ có rất nhiều thương lái người Trung Quốc qua lại.
Chợ gỗ Phù Khê, Đồng Kỵ (Bắc Ninh) mới xuất hiện gần đây, nhưng nhanh chóng trở thành chợ gỗ lớn nhất miền Bắc, và có lẽ là phiên chợ hiếm ở Việt Nam.
Một người khách Trung Quốc đang ký tên mình vào những tấm gỗ vừa mua để đánh dấu. |
Sản phẩm duy nhất của chợ là… gỗ, nhưng rất đa dạng ở hình dạng, kích cỡ: gỗ xẻ, gỗ cục, gỗ thành khí, gỗ ván, thậm chí cả gỗ… que củi bán cân.
Chợ gỗ Phù Khê họp men theo con mương là điểm phân định địa giới hai làng Đồng Kỵ - Phù Khê. Dù không nổi tiếng bằng Đồng Kỵ về lịch sử cũng như thương hiệu làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ, thế nhưng, “danh tiếng” của chợ gỗ Phù Khê cũng khiến nhiều làng quê Bắc Bộ ở Việt Nam phải… ghen tị.
Chợ gỗ Phù Khê - "hàng xóm" với làng nghề Đồng Kỵ đã trở thành chợ gỗ lớn nhất miền Bắc. |
Chợ gỗ Phù Khê chạy dài cả cây số, ôm theo con đường đê. Gỗ ván, gỗ cục, gỗ thịt… được bày trên mặt đất hoặc dựng theo các cột tre được nẹp xung quanh chiếc quán đơn sơ.
Cũng có khi không cần hàng quán, gỗ được dựng tựa vào các gốc cây, tảng đá… hai bên đường. Khách đi thăm chợ gỗ, mỗi người một cái thước dây và một… bao nải tiền đeo tòn ten trước ngực.
Rất nhiều khách mua hàng người Trung Quốc đến chợ gỗ Phù Khê. Chủ hàng (phần nhiều là phụ nữ) giao tiếp với khách mua bằng tiếng Trung Quốc khá thành thạo.
Sau khi cuộc ngã giá thành công, người khách Trung Quốc viết tên tuổi, ký hiệu riêng của mình bằng chữ Trung Quốc lên tấm gỗ vừa mua, sau đó tiếp tục đi tìm hàng ở các mối khác. Cuối phiên chợ, họ đi gom những sản phẩm vừa mua đã đánh dấu tên mình trước đó.
Cảnh tấp nập đưa hàng vào chợ. |
Gỗ được bày bán trên mọi địa hình... |
Chợ gỗ Phù Khê |
Cách đó không xa, chợ gỗ Đồng Kỵ họp ở các ngách đường xương cá dẫn vào sâu trong làng.
Chợ này sầm uất,quy củ hơn nhiều về quy mô, chủng loại. Mỗi tiểu thương có một “kho hàng” riêng, ranh giới mỗi “kho hàng” được phân định bằng bốn chiếc cột khung, không cần tường bao, cửa sắt…
Gỗ được đổ thành một đống trên nền đất, rất ít kho hàng nào gỗ được xếp ngăn nắp, cẩn thận thành hàng, thành khối.
Anh Bùi Văn Kiếm (SN 1974) -một chủ buôn đồ gỗ Đồng Kỵ cho biết: khách hàng chủ yếu của Đồng Kỵ, Phù Khê ở thời điểm hiện tại, phần lớn là người Trung Quốc.
Một biển quảng cáo tiếng Trung Quốc treo ở ngay chân cầu Tấn Bào. |
Những tấm gỗ đã được thương lái Trung Quốc đánh dấu bằng tiếng Trung. |
Theo lời người dân ở đây, mỗi ngày có tới cả ngàn thương lái Trung Quốc sang "ăn hàng". |
“Mỗi ngày có từ 2 – 3.000 thương lái Trung Quốc sang “sục sạo” ở chợ gỗ Đồng Kỵ, Phù Khê. Khách mua thuê nhà nghỉ, khách sạn… ở Từ Sơn, khu đô thị mới cách chợ chừng vài km. Sau khi gom đủ hàng, số gỗ này được đóng thành các container rồi làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc”.
Anh Bùi Mạnh Hà, chủ xưởng gỗ vào loại lớn nhất Đồng Kỵ cho biết: hầu hết các chủ xưởng gỗ lớn ở Đồng Kỵ đều thành lập công ty để giao dịch, mua bán với khách Trung Quốc thuận tiện.
Một ngày, anh Hà mở cửa hàng từ khá sớm. Khách người Trung Quốc tự ý ra vào, lựa chọn thứ hàng cần mua… mà không cần người giám sát, trông coi cửa hàng.
“Có những hôm mình có việc phải đi, cửa hàng vẫn mở. Khách Trung Quốc tự vào nhà pha trà uống, xem hàng… Ưng ý món đồ nào thì đánh dấu, đợi chủ hàng về mới mua bán” – anh Hà cho biết.
Là một trong những người có nhiều năm trong nghề gỗ ở làng Đồng Kỵ, anh Hà, anh Kiếm khẳng định: Đồng Kỵ là một trong ít những làng nghề vẫn “sống khỏe” trong thời kỳ suy thoái, một phần nhờ hàng ngàn khách Trung Quốc thường xuyên buôn bán, qua lại Đồng Kỵ.
“Giá một bộ bàn ghế gỗ quý sản xuất tại Đồng Kỵ năm ngoái chừng 100 triệu, năm nay bán ra ở giá 150 triệu trở lên, không bao giờ giảm. Đồ gỗ Đồng Kỵ cũng chưa bao giờ xuống giá hay mất giá. Nhiều công ty có bạn hàng chủ yếu ở Trung Quốc, đó là lý do biển hiệu, quảng cáo… của họ được ghi bằng chữ Trung Quốc tràn ngập ngoài trung tâm đường đôi của làng Đồng Kỵ” – anh Kiếm cho biết.
Thụy Châu